Thứ Sáu, 4/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Ba, 22/6/2010 16:10'(GMT+7)

Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam: Tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V

NSND Chu Thúy Quỳnh - Chủ tịch Hội nghệ sỹ Múa Việt Nam tại buổi họp báo của  Hội.

NSND Chu Thúy Quỳnh - Chủ tịch Hội nghệ sỹ Múa Việt Nam tại buổi họp báo của Hội.

Trong nhiệm kỳ IV, Hội Nghệ sỹ múa Việt Nam đã triển khai hoạt động của Hội trên cơ sở tiếp tục thực hiện nghị quyết trung ương 5 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (KhóaVIII) về “Xây dựng nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và chỉ thị số 18 – CT/TW ngày 24/1/2004 của Ban Bí thư “Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) về công tác văn học nghệ thuật trong tình hình mới” và nghị quyết số 23 – NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới”.

Một số kết quả hoạt động công tác hội nhiệm kỳ IV (2005 - 2010) đã đạt được:

Lĩnh vực sáng tác: phong trào sáng tác được phát động, lực lượng biên đạo được phát huy. Mỗi năm có hàng trăm tác phẩm múa mới được xây dựng cho các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp. Riêng các hội thi, hội diễn đã lên tới 200 tác phẩm mới. Đội ngũ biên đạo trẻ nhiệt tình, năng động trong sáng tạo, ngày càng trưởng thành.

Đội ngũ biên đạo từ trung ương đến địa phương đều dành tâm huyết cho nghệ thuật múa dân gian với sự trăn trở, tìm tòi mang tính sáng tạo về phương pháp sáng tác, ngôn ngữ múa và hình thức biểu hiện. Một số tác giả đi sâu tìm tòi cái mới trong dòng nghệ thuật múa hiện đại với thể nghiệm đa dạng.

Tuy nhiên, vẫn còn những tác phẩm hời hợt, dễ dãi hoặc thiếu bản lĩnh nghề nghiệp dẫn tới sản phẩm kiểu “hàng chợ”, hoặc nhiều tác giả mải mê đi tìm cái lạ, dãn tới cách biểu đạt khó hiểu, theo kiểu sao chép nghệ thuật phương Tây đương đại, không phù hợp với tâm lý và văn hóa của người Việt Nam.

Lý luận phê bình: đã có những tiến bộ rõ rệt nhưng vẫn còn những hạn chế, chưa đáp ứng được nhiệm vụ quan trọng của công tác này, đặc biệt là khâu phê bình. Lực lượng cán bộ làm công tác này vẫn còn mỏng, người có trình độ chuyên sâu lại chưa phát huy được tay nghề vì tuổi cao sức yếu hay một số lý do khác.

Một số sách chuyên ngành múa đã ấn hành nhưng chưa được biên tập kỹ dưới góc độ chuyên ngành nghệ thuật của múa. Hội cần có sự phối hợp để bàn cách khắc phục hợp lý.

Lĩnh vực Huấn luyện giảng viên múa: các hội viên là giảng viên múa đã có nhiều cố gắng hoàn thiện, bổ sung giáo trình, giáo khoa và cải tiến phương pháp giảng dậy. Hàng năm có các lớp khóa tốt nghiệp có chất lượng không chỉ ở các thành phố, mà còn ở khu vực Tây Bắc, Việt Bắc... Riêng việc đào tạo biên đạo đã có nhiều khóa học đa dạng (Chính quy – liên thông – tại chức) thích hợp với nhiều đối tượng và có nhiều hiệu quả thiết thực.

Các cơ sở đào tạo nghệ thuật múa còn quan tâm thích đáng tới việc tổ chức thực tập biểu diễn, tham gia các đợt liên hoan các trường Văn hóa nghệ thuật toàn quốc do Bộ VH-TT&DL tổ chức, các cuộc thi tác phẩm và tài năng biểu diễn do Hội tổ chức...

Lĩnh vực Biểu diễn nghệ thuật múa: các nghệ sỹ, diễn viên múa đã cùng các đơn vị nghệ thuật, vùng dân tộc, miền núi, đồng bào vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đạo để phục vụ nhân dân. Xuất hiện nhiều nghệ sỹ tài năng, có kỹ thuật và diễn xuất tốt, đủ sức đảm nhiệm các vai diễn phức tạp với trình độ cao.

Điểm nổi bật chung cả nghệ thuật chuyên nghiệp, nghệ thuật quần chúng và các cơ sở đào tạo nghệ thuật múa trong 5 năm qua là có đông đảo hội viên tham gia trong các chương trình nghệ thuật, các lễ hội trong địa phương, quốc gia, khu vực tạo nên hiệu quả xã hội rộng lướn. Điều này khẳng định nghệ thuật múa đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo dựng được vị trí trong đời sống xã hội, khẳng định năng lực sáng tạo và ý thức trách nhiệm của toàn Hội, toàn ngành nghệ thuật múa đối với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, từng đất nước.

Hoạt động của Hội nghệ sỹ Múa Việt Nam tại Thái Lan (Ảnh: Tuvanhuongnghiep)



Trong nhiệm kỳ IV vừa qua, bộ máy tổ chức của Hội đã được kiện toàn và hoạt động có hiệu quả. Nhiệm kỳ IV đã kết nạp thêm 127 hội viên mới, đưa tổng số hội viên đến nay là 710 hội viên. Có 9 hội viên được tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân, 35 hội viên được tặng danh hiệu nghệ sỹ ưu tú, 04 hội viên được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, 6 hội viên được tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú, 9 hội viên của Hội được tặng giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật, 3 hội viên đạt học vị tiến sỹ, 12 hội viên đạt học vị thạc sỹ.

Hội đã cử các đoàn đại biểu đi dự các cuộc Hội thảo, Liên hoan nghệ thuật múa ASEAN tại Trung Quốc, liên hoan nghệ thuật múa tại Campuchia, biểu diễn trong đợt liên hoan hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ tại Cộng hòa Ấn Độ...

Tuy nhiên, còn một số thiếu sót, hạn chế trong công tác hội cần được khắc phục như Ban chấp hành hoạt động chưa thật “đều tay”. Mọt số ủy viên do bận công tác nên ít có điều kiện tham gia công tác hội.

Qua 5 năm hoạt động trong nhiệm kỳ IV, với nỗ lực cao độ của Ban Chấp hành, Hội đồng nghệ thuật, Ban Kiểm tra, các tổ chức, cơ quan trực thuộc Hội và đặc biệt là sự lao động nghệ thuật sáng tạo và nhiệt tình công tác Hội của hội viên, Hội nghệ sỹ Múa Việt Nam tiếp tục được xây dựng và trưởng thành. Ngành nghệ thuật múa tiếp tục phát triển đúng hướng, khẳng định vị trí trong đời sống văn hóa xã hội.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V của Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 27 - 29/6/2010, tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ - Hà Nội.

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất