Sáng ngày 17/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị Báo cáo viên tháng 11/2021 bằng hình thức trực tuyến tới 1.052 điểm cầu trong cả nước với trên 30.000 đại biểu tham dự. Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì hội nghị.
Hội nghị được tổ chức tại 3 điểm cầu Trung ương tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh; 50 điểm cầu cấp tỉnh, 278 điểm cầu cấp huyện, 721 điểm cầu cấp xã.
Hội nghị đã lắng nghe đồng chí Phó Hoàng Hân, Phó Vụ trưởng Vụ biên giới phía Tây, Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao thông tin chuyên đề “Thành quả công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia"; đồng chí Nguyễn Hoàng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á, Nam Á, Nam Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao thông tin chuyên đề “Quan hệ Việt Nam – Campuchia thời gian gần đây” và đồng chí Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội thông tin chuyên đề “Đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19”.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Ban Tuyên giáo các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương, Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội, đội ngũ báo cáo viên các cấp tập trung tuyên truyền đậm nét kết quả Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Sau 16 ngày làm việc khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Kỳ họp thứ 2 diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 ở nước ta cơ bản được kiểm soát, nhưng vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường. Với quyết tâm đổi mới, tinh thần khẩn trương, tích cực cùng sự chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm từ xa, Quốc hội đã thống nhất rất cao về các nội dung, thời gian, chương trình cũng như cách thức tổ chức Kỳ họp.
Ban Tuyên giáo các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương, Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội và đội ngũ báo cáo viên các cấp tập trung tuyên truyền nhấn mạnh: Thành công của Kỳ họp lần này tiếp tục khẳng định những bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một Quốc hội “Chủ động, trí tuệ, đoàn kết, đổi mới và trách nhiệm”, một Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với cử tri, Nhân dân; đồng thời là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuyên truyền khẳng định: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV diễn ra trong không khí dân chủ, xây dựng, tranh luận sôi nổi, đã làm rõ trách nhiệm của người được chất vấn; đồng thời, thể hiện sự nghiên cứu kỹ lưỡng của các vị đại biểu Quốc hội đối với các báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành và các nội dung chất vấn.
Bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền Hội nghị Văn hóa toàn quốc và một số nội dung liên quan đến văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, nhấn mạnh tuyên truyền Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng theo Hướng dẫn số 26-HD/BTGTW ngày 13/10/2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương. Công tác tuyên truyền cần đảm bảo đúng định hướng chính trị, tư tưởng, đặc biệt đối với những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm; tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, có trọng tâm, trọng điểm, đề cao tính thuyết phục, chất lượng, hiệu quả, tạo sức lan tỏa trong toàn Đảng và trong xã hội.
Tuyên truyền Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030”. Đội ngũ báo cáo viên cần tuyên truyền sâu rộng nội dung Chương trình, khẳng định mục tiêu của Chương trình nhằm tiếp tục tăng cường, tạo chuyển biến tích cực, toàn diện trong hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng góp phần xây dựng thế hệ thanh niên, thiếu niên, nhi đồng có đạo đức trong sáng, lối sống văn hóa, tuân thủ pháp luật, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định lý tưởng cách mạng; có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội, có kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, tay nghề cao. Đồng thời, khơi dậy trong thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tinh thần thi đua học tập, rèn luyện; ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp; đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
Về Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, các báo cáo viên cần tuyên truyền Mục tiêu của Chiến lược là xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tác động to lớn với kinh tế, xã hội và con người của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng… Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, các đối tượng chính sách và yếu thế; chú trọng phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế; có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực để phát triển văn hóa, con người. Tập trung tuyên truyền 11 nhóm giải pháp nhằm thực hiện thành công các mục tiêu nói trên đã nêu trong Chiến lược.
Đồng chí Phan Xuân Thủy cũng đề nghị Ban Tuyên giáo các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương, Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội, đội ngũ báo cáo viên các cấp tập trung tuyên truyền Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC 2021; Tuyên truyền kết quả Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham gia Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), thăm làm việc tại Vương quốc Anh và thăm chính thức Cộng hoà Pháp; Tuyên truyền phòng, chống đại dịch COVID-19; Tiếp tục tuyên truyền kỷ niệm 201 năm Ngày sinh Ph.Ăng-ghen (28/11/1820 - 28/11/2021)…
Về vấn đề dân tộc, dân chủ, nhân quyền, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy cho rằng, các thế lực thù địch, phản động lưu vong không ngừng lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, một số hạn chế trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, sự khó khăn của người dân do tác động của dịch bệnh gây ra để tuyên truyền xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín, vị thế đất nước trên trường quốc tế. Chính bởi vậy, đề nghị Ban Tuyên giáo các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương, Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội và đội ngũ báo cáo viên các cấp đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền vận động, nêu bật các thành tựu đảm bảo quyền con người, nâng cao hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nhằm góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị Việt Nam ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025.
Thông tin, tuyên truyền về những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, nêu bật mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng Nhân dân là trên hết; khẳng định tính khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của đất nước của việc chuyển đổi trạng thái sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh nhằm đấu tranh bác bỏ các thông tin giả, tin sai, xấu, độc liên quan đến dịch bệnh, các luận điệu xuyên tạc, vu cáo của thế lực thù địch./.
Tin, ảnh: Nhật Minh