Thứ Hai, 11/11/2024
Thế giới
Thứ Hai, 2/7/2018 9:35'(GMT+7)

Hội nghị thượng đỉnh AU lần 31 sẽ giải quyết 3 trọng tâm của khu vực

Các đại biểu tham dự Hội nghị. (Nguồn: dailymaverick)

Các đại biểu tham dự Hội nghị. (Nguồn: dailymaverick)



Trên cương vị Chủ tịch AU, Tổng thống Rwanda Paul Kagame sẽ kêu gọi thúc đẩy tự do thương mại tại châu Phi.

Tháng Ba vừa qua, đại diện của 44 trong tổng số 55 nước thành viên AU đã đạt được thỏa thuận thành lập “Khu vực tự do thương mại lục địa châu Phi” (AfCFTA) nhằm tăng cường hội nhập khu vực và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên toàn châu lục.

Theo thỏa thuận thương mại này, các thành viên AU cam kết sẽ dỡ bỏ thuế đối với 90% hàng hóa, 10% “hàng hóa nhạy cảm” còn lại sẽ từng bước được đưa ra xem xét.

Thỏa thuận trên cũng được kỳ vọng góp phần tự do hóa thương mại dịch vụ, có thể bao gồm cả việc di cư tự do của người dân châu Phi và thiết lập đồng tiền chung.

Nếu được 55 thành viên AU thông qua, khu vực AfCFTA hứa hẹn có tổng GDP khoảng 2.500 tỷ USD, thị trường rộng lớn với dân số 1,2 tỷ người.

Thỏa thuận thương mại của AU đang trong quá trình chờ phê chuẩn của từng quốc gia thành viên. Tuy nhiên, 2 nền kinh tế lớn nhất châu lục là Nam Phi và Nigeria vẫn chưa phê chuẩn thỏa thuận nói trên.

Thương mại nội khối giữa các nước AU hiện chỉ chiếm 16% kim ngạch ngoại thương của các thành viên, tỷ lệ thấp nhất về thương mại nội khối so với các nước Mỹ Latinh, châu Á, Bắc Mỹ và châu Âu.

Cuộc chiến chống tham nhũng cũng là một trong những mục tiêu chính của Hội nghị lần thứ 31 của AU.

Theo AU, hàng năm, châu Phi thiệt hại khoảng 148 tỷ USD, khoảng 25% GDP châu lục, do nạn tham nhũng.

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Minh bạch quốc tế đưa ra tháng Hai vừa qua với tiêu đề “Chỉ số nhận thức về tham nhũng,” các quốc gia châu Phi có thành tích tốt nhất trong cuộc chiến chống tham nhũng đều nhờ có bộ máy lãnh đạo bền bỉ cam kết chống tham nhũng.

Phần lớn các nước AU đều có các luật và thể chế chống tham nhũng, nhưng thực thi pháp luật là điểm khác biệt lớn nhất quyết định hiệu quả cuộc chiến này.

Các nhà lãnh đạo đứng đầu các nước và chính phủ thành viên AU cũng sẽ xem xét quá trình hòa bình tại Nam Sudan, các kế hoạch hòa giải cho cuộc xung đột đã kéo dài nhiều thập kỷ giữa Ethiopia và Eritrea.

Bên cạnh đó, Hội nghị sẽ thảo luận các cuộc bầu cử sắp tới tại Cameroon, Mali, Zimbabwe và Cộng hòa Dân chủ Congo.

Tham dự Hội nghị lần 31 của AU, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ tập trung thúc đầy việc thực hiện sáng kiến thành lập lực lượng chung của nhóm 5 nước Sahel -“G5 Sahel,” gồm Burkina Faso, Chad, Mali, Mauritania và Niger, với nhiệm vụ chống lại các nhóm vũ trang hoạt động bất hợp pháp tại khu vực Sahel rộng lớn.

Theo dự kiến, lực lượng của “G5 Sahel” tiếp nhận đầy đủ 5.000 binh sỹ và đi vào hoạt động từ tháng Ba vừa qua nhưng kế hoạch bị tạm hoãn và đang gặp phải nhiều khó khăn về quỹ hoạt động./.

 

Nguồn: TTX


Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất