Cuộc đàm phán kéo dài suốt 10 giờ đã bộc lộ những bất đồng sâu sắc trong nội bộ EU và nếu chỉ thiếu một chút nhượng bộ thôi, hội nghị có thể đổ bể và khả năng các nhà lãnh đạo ra về tay trắng là điều khó tránh khỏi.
Chuyện lục đục trong nội bộ châu Âu thời gian gần đây xảy ra như cơm bữa nhưng việc một nước thành viên tuyên bố “chặn” liên minh ra tuyên bố chung thì có lẽ đây là lần đầu. Nhưng không phải ngẫu nhiên Thủ tướng Italy Giuseppe Conte, nhà lãnh đạo chính phủ dân túy và có tư tưởng chống nhập cư, lại dùng biện pháp hiếm khi được sử dụng này khi mà các vấn đề căng thẳng còn đang sôi sục.
Sau cuộc khủng hoảng người di cư năm 2015, EU đã tập trung mọi nỗ lực để ngăn chặn làn sóng người di cư vào châu Âu và đến nay tình hình đã có nhiều thay đổi. Điều này cho phép bảo đảm sự kiểm soát toàn bộ đường biên giới phía ngoài của EU. Tuy nhiên, quy định của EU yêu cầu người di cư phải xin cấp quy chế tị nạn tại quốc gia châu Âu đầu tiên họ đặt chân tới đã tạo áp lực lớn đối với Italy và Hy Lạp-hai “cửa ngõ” châu Âu-nơi mà hàng trăm nghìn người di cư Trung Đông, Bắc Phi tìm đến đầu tiên sau khi họ rời quê hương đi lánh nạn. Theo thống kê, đã có hơn 700.000 lượt người di cư đặt chân lên các bờ biển của Italy kể từ khi bùng nổ làn sóng di cư ồ ạt sang châu Âu. Trong nhiều tháng qua, đất nước hình chiếc ủng cứ một mình xoay xở với việc tiếp nhận người di cư, trong khi cỗ máy vận hành kinh tế bị bê trễ, gây bức xúc dư luận trong nước.
Bởi vậy, ngay khi lên nắm quyền, chính phủ mới của Thủ tướng Italy Giuseppe Conte theo đường lối dân túy đã không ủng hộ tiếp nhận người nhập cư và có những biện pháp cứng rắn nhằm ngăn chặn người di cư tới quốc gia này, từ đó gây rạn nứt trong nội bộ các nước EU. Quyết định không cho phép tàu cứu hộ Aquarius cập cảng nước này cách đây hơn 2 tuần như “giọt nước tràn ly”, làm gia tăng mâu thuẫn giữa Italy với Pháp, đồng thời phủ bóng đen lên cả hai hội nghị thượng đỉnh của EU, cả diện hẹp lẫn chính thức.
Bất đồng nội bộ xung quanh vấn đề người di cư một lần nữa bộc lộ những yếu kém bên trong nội tại của EU. Đó là một EU thiếu sự chuẩn bị, hoàn toàn bị động trước dòng người nhập cư ồ ạt; một EU thiếu gắn kết để tìm ra được tiếng nói chung giữa các thành viên về một giải pháp toàn diện nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng được cho là lớn nhất ở châu Âu từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Hàng loạt giải pháp mà EU áp dụng trong hơn hai năm qua tỏ ra chưa phải là đáp án cần và đủ cho “bài toán” nan giải này.
Nhượng bộ để đạt được thỏa thuận về người di cư, từ đó giải quyết những vấn đề “nóng” khác của khu vực là giải pháp đã được các nhà lãnh đạo EU lựa chọn tại Hội nghị thượng đỉnh ở Brussels lần này. Theo thỏa thuận đạt được ngày 29-6, EU sẽ thiết lập các trung tâm kiểm soát người tị nạn chung, hạn chế sự di chuyển của người di cư bên trong khối, sát cánh với Italy và các mặt trận khác trong nỗ lực ngăn những kẻ buôn người đưa người di cư khỏi Libya hay bất kỳ nơi nào khác… Trong bối cảnh dòng người di cư đổ về từ phía Tây Địa Trung Hải, EU sẽ hỗ trợ tài chính, đặc biệt là cho Tây Ban Nha, các nước là điểm xuất phát hoặc là trung chuyển như Morocco để ngăn tình trạng di cư bất hợp pháp. Ngoài ra, EU cũng nhất trí triển khai Cơ sở tị nạn thứ 2 tại Thổ Nhĩ Kỳ, chuyển 500 triệu euro từ Quỹ Phát triển châu Âu (EDF) sang Quỹ EU tại châu Phi. “Một thỏa thuận về di cư rất khó khăn mới đạt được cho thấy sự hợp tác của châu Âu đã được đặt trên các lợi ích quốc gia”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định.
Trong khi gặp rất nhiều trở ngại trước khi đạt được thỏa thuận về người di cư thì ngược lại, các nhà lãnh đạo EU sau đó lại đồng thuận cao khi nhất trí gia hạn trừng phạt Nga, với cáo buộc nước này sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine và ủng hộ lực lượng nổi dậy chống binh sĩ chính phủ ở miền Đông quốc gia Đông Âu này. EU cũng cam kết tăng cường các biện pháp cứng rắn nhằm ngăn chặn tình trạng phổ biến vũ khí hóa học và hoạt động do thám.
Rõ ràng rằng, thỏa thuận về người di cư đã khai thông bế tắc nhiều vấn đề còn tồn tại trong EU. Một tín hiệu tốt, song đúng như lời Thủ tướng Đức Angela Merkel, EU vẫn còn nhiều việc phải làm để có thể thu hẹp bất đồng giữa các nước thành viên, đưa EU trở lại quỹ đạo ban đầu là một mô hình liên minh gắn kết và mạnh mẽ./.
Linh Oanh (QĐND)