Thứ Sáu, 22/11/2024
Thế giới
Thứ Năm, 28/6/2018 15:28'(GMT+7)

Tiếp nối những triển vọng tích cực

Tổng thống Donald Trump phát biểu tại bang Nam Carolina xác nhận Triều Tiên đã dẹp bỏ các tấm biển chống Mỹ trên đường phố.


Theo AFP, Triều Tiên đã quyết định hủy tuần hành chống Mỹ thường niên lần đầu tiên sau nhiều năm. Mặc dù giới chức Triều Tiên không thông báo về quyết định hủy hoạt động được tổ chức hằng năm vào ngày 27/7 này, nhưng nhiều hãng tin đã được Bình Nhưỡng xác nhận sẽ hủy sự kiện này lần đầu tiên sau nhiều năm.

Đây là hoạt động diễn ra thường niên ở Triều Tiên nhân kỷ niệm ngày ký kết thỏa thuận đình chiến trên bán đảo Triều Tiên. Năm ngoái, khoảng 100.000 người Triều Tiên tập hợp tại Bảo tàng Chiến tranh Thắng lợi ở thủ đô Bình Nhưỡng để kỷ niệm sự kiện này. Triều Tiên thậm chí còn phát hành tem đặc biệt với nội dung chống Mỹ vào dịp này.

Vậy nhưng từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều hôm 12/6, tình hình đã khác. Người ta không còn trông thấy các áp-phích, bảng biểu tuyên truyền chống Mỹ trên đường phố thủ đô Bình Nhưỡng. Những hình ảnh về bệ phóng tên lửa và quân đội thường thấy bên ngoài nhà ga xe lửa ở thủ đô Bình Nhưỡng cũng được thay thế bằng những hình ảnh về công nghiệp và nông nghiệp. Các cửa hàng của Triều Tiên ở biên giới liên Triều cũng không còn bán các món đồ lưu niệm có nội dung chống Mỹ. Tại một cuộc vận động tranh cử ở Nam Carolina, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng: “Họ đã dỡ những biểu ngữ chống Mỹ trên khắp Triều Tiên xuống”. Đây được cho là những động thái tích cực của Triều Tiên thể hiện mong muốn cải thiện quan hệ với Mỹ.

Trong một diễn biến khác cho thấy quan hệ Mỹ-Triều đang dần “tan băng”, trước đó, Triều Tiên đã trao trả lại hàng trăm hài cốt binh sĩ Mỹ thất lạc trong chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Động thái này nhằm thực hiện cam kết đưa ra trong tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Triều Tiên từng đưa ra tuyên bố nhấn mạnh rằng “thực hiện triệt để tuyên bố chung Mỹ-Triều là con đường để đạt được các lợi ích chung của nhân dân hai nước và hòa bình, ổn định, thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên cũng như toàn thế giới”.

Cùng thời điểm này, về phía Mỹ cũng có những cử chỉ thiện chí đáp lại Bình Nhưỡng. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền qua điện thoại với CNN, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố ông sẽ không đặt ra lịch trình cho các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa Triều Tiên, trái với phát biểu của một quan chức quốc phòng cấp cao nói rằng Washington sẽ sớm đưa ra một lịch trình kèm theo những “yêu cầu cụ thể” đối với Bình Nhưỡng.

Ngoại trưởng Pompeo cho biết, ông mong muốn thấy được những tiến bộ liên tục trong tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên và chính quyền Mỹ sẽ thường xuyên đánh giá sự nghiêm túc của Bình Nhưỡng trong nỗ lực từ bỏ chương trình hạt nhân của nước này, để xem liệu tiến triển có đủ để hai bên tiếp tục đàm phán hay không. 

Trước đó, ngày 24/6, một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ cho biết nước này sẽ sớm đưa ra một lịch trình kèm theo những “yêu cầu cụ thể” đối với Triều Tiên sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều. Dù không nêu chi tiết, song quan chức này ngụ ý rằng Mỹ sẽ nhanh chóng đưa ra một bản kế hoạch cho Triều Tiên để làm rõ mức độ trách nhiệm của Bình Nhưỡng. Washington sẽ sớm biết Bình Nhưỡng có thiện ý thực sự hay không trong việc thực hiện cam kết của mình.

Nhưng sau đó, ngày 25/6, người phát ngôn Lầu Năm Góc Dana White dường như muốn rút lại những thông tin trên qua vài dòng trên Twitter, trong đó khẳng định: “Bộ Quốc phòng vẫn cam kết ủng hộ tiến trình ngoại giao đang diễn ra với Triều Tiên mà hiện chưa có lộ trình cụ thể nào”.

Trong khi đó, trên bán đảo Triều Tiên cũng có những tín hiệu đáng  khích lệ cho thấy sự xích lại gần nhau giữa hai miền Triều Tiên. Ngày 26/6, Hàn Quốc và Triều Tiên bắt đầu đàm phán về các cách thức kết nối và hiện đại hóa các tuyến đường sắt qua biên giới hai miền, trong khuôn khổ triển khai thỏa thuận đạt được trong cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4 vừa qua. 

Phát biểu với phóng viên trước khi khởi hành tới địa điểm họp tại làng đình chiến Panmunjom, trưởng phái đoàn Hàn Quốc Kim Jeong-ryeol cho biết, ông sẽ thảo luận với người đồng cấp Triều Tiên về những vấn đề cần thiết cho việc kết nối và hiện đại hóa các tuyến đường sắt liên Triều. Theo ông, bất chấp các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này, hai bên có thể thảo luận công tác chuẩn bị cho việc kết nối đường sắt để có thể triển khai sau khi các biện pháp trừng phạt Triều Tiên được bãi bỏ. Đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua hai miền Triều Tiên tiến hành đàm phán về hợp tác đường sắt./.

Xuân Phong (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất