Thứ Tư, 25/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Sáu, 18/2/2011 21:29'(GMT+7)

Hội thảo khoa học "Đại hội II của Đảng tại Tuyên Quang - Thủ đô Kháng chiến"

Tham dự Hội thảo có các đại diện Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; Ban Dân vận Trung ương; Bộ Nội vụ; NXB Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VH-NT Việt Nam;  Viện KHXH Việt Nam, Báo Nhân Dân; Lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Tuyên Quang cùng đông đảo các đại biểu bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương, cơ quan thông tấn báo chí...

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các cán bộ lão thành cách mạng, nhân chứng lịch sử nguyên là đại biểu dự Đại hội Đảng lần thứ II tổ chức từ ngày 11 đến 19/2/1951, lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh thuộc Căn cứ địa Việt Bắc cũ.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Sáng Vang khẳng định: Truyền thống quê hương cách mạng - Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến đã được Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang gìn giữ, phát huy qua các giai đoạn lịch sử, là động lực vô cùng to lớn trong mỗi bước đi lên của Tuyên quang hôm nay và mai sau. Việc tổ chức Hội thảo khoa học "Đại hội II của Đảng tại Tuyên Quang - Thủ đô Kháng chiến" nhằm nêu bật vai trò, ý nghĩa của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đồng thời khẳng định vị thế Thủ đô Kháng chiến của Tuyên Quang, góp phần quan trọng trong công tác nghiên cứu lịch sử Đảng, lịch sử cận hiện đại Việt Nam và việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng được Trung ương Đảng, Chính phủ đánh giá là "quan trọng bậc nhất lịch sử dân tộc Việt Nam thế kỷ XX".

Đồng chí Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh phát biểu nhấn mạnh: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng ghi dấu ấn quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Vì vậy tại hội thảo đồng chí mong muốn các đại biểu tập trung đi sâu phân tích vai trò, tầm vóc, ý nghĩa nổi bật và những đóng góp của Tuyên Quang đối với những thắng lợi của cách mạng Việt Nam nói chung và thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nói riêng.

Với khẩu hiệu “Đoàn kết, nhất trí, giành độc lập cho Tổ quốc, dân chủ cho nhân dân và hòa bình cho thế giới”, 211 đại biểu đại diện cho hơn 760.000 đảng viên toàn Đảng tham dự Đại hội II đã tập trung thảo luận và thông qua nhiều văn kiện quan trọng như Tuyên ngôn, Chính cương, Điều lệ mới của Đảng…

Báo cáo chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam của Tổng Bí thư Trường Chinh đã nêu bật mục tiêu, phương hướng cơ bản của Cương lĩnh chính trị bao quát là tiêu diệt đế quốc xâm lược và trừng trị bù nhìn phản quốc làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, thống nhất, bảo vệ hòa bình thế giới. Để kháng chiến thắng lợi, Đảng quyết định phải mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc thông qua việc thành lập Mặt trận Liên Việt, tổ chức sản xuất để phục vụ kháng chiến, xây dựng quân đội nhân dân, hoàn thành chiến tranh giải phóng dân tộc.

Đại hội quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai với tên Đảng Lao động Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư, tổ chức 2 Đảng cách mạng ở Lào và Campuchia để lãnh đạo nhân dân các nước giành độc lập.

Có thể nói, Đại hội II là Đại hội của kháng chiến khi đề ra những quyết sách quan trọng chuyển cuộc kháng chiến chống Pháp sang giai đoạn tổng phản công, làm nên chiến thắng Điện Biên lừng lẫy địa cầu.

Với trên 40 báo cáo tham luận của các giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử đã tập trung thảo luận các vấn đề: Đại hội II của Đảng giữa lòng Thủ đô Kháng chiến; Tuyên Quang - Nơi hội tụ tinh hoa của cả nước trong kháng chiến; Đại hội II của Đảng, nguồn gốc của sự ra đời Ban Văn Sử Địa trên đất Tân Trào - Tuyên Quang lịch sử - Thủ đô của cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc; Tuyên Quang - Thủ đô Kháng chiến; Từ thủ đô Kháng chiến đến Thủ đô Khu giải phóng; Những quyết định quan trọng của Đảng và Bác Hồ tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II; Đại hội Đảng lần thứ II - tầm vóc và ý nghĩa lịch sử...

Hội thảo đã tập trung khẳng định vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự thành công của Đại hội II, với chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Pháp, vai trò của nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh ở vùng An toàn khu Việt Bắc trong việc bảo vệ Bác Hồ và Trung ương Đảng và Chính phủ, đóng góp tích cực cho công cuộc kháng chiến kiến quốc thắng lợi.   

Những giá trị về xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát triển kinh tế, chính sách đại đoàn kết dân tộc mà Đại hội II của Đảng đề ra đến nay vẫn còn nguyên giá trị và đang được kế thừa, phát huy hiệu quả trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.

Phát biểu Kết luận hội thảo, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh nhấn mạnh: Hội thảo khoa học "Đại hội II của Đảng tại Tuyên Quang - Thủ đô Kháng chiến" là hội thảo khoa học chuyên đề đầu tiên ở nước ta về Đại hội II của Đảng tại Tuyên Quang, khẳng định Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng là một sự kiện có tầm vóc to lớn, có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng Việt Nam. Các tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đều thống nhất về vai trò đặc biệt của Tuyên Quang là Thủ đô Kháng chiến, mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới cho các nhà nghiên cứu, nhà khoa học về Trung ương Đảng, Bác Hồ với Tuyên Quang và Tuyên Quang với Trung ương Đảng và Bác Hồ, đồng thời các tham luận cũng đã làm rõ mối quan hệ mật thiết, vai trò, vị trí của Tuyên Quang với tư cách là Thủ đô Kháng chiến, cùng với những đóng góp to lớn của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang vào việc tổ chức thành công Đại hội đảng toàn quốc lần thứ II nói riêng và của cách mạng Việt Nam nói chung.../

Lam Giang

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất