(TG)- Sáng ngày 26/9/2023, tại Hội thảo khoa học “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (STEM), thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, Tiến sĩ Vũ Thanh Mai, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực STEM là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai nêu rõ nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (STEM) là chìa khóa để các quốc gia phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, nâng cao năng suất lao động và cạnh tranh quốc gia; giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, nghèo đói, bệnh tật,... Cùng với đó, tạo ra các cơ hội việc làm trong nhiều ngành nghề khác nhau với mức thu nhập cao. Do vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực STEM có vai trò hết sức quan trọng.
“Kết quả của Hội thảo khoa học ngày hôm nay là cơ sở khoa học quan trọng để Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Trung ương Đảng về chủ trương, đường lối trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật và Toán học, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển đất nước “đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao” đã nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng”- Tiến sĩ Vũ Thanh Mai khẳng định.
Nhiều tham luận của đại diện cơ sở đào tạo đánh giá giáo dục STEM ở bậc đại học chưa được quan tâm và đầu tư thỏa đáng. Theo số liệu của Bộ giáo dục và đào tạo, quy mô đào tạo bậc đại học năm học 2022-2023 trên toàn quốc là 1.777.106 sinh viên, thì chỉ có 103.707 sinh viên khối các ngành kỹ thuật và 150.300 sinh viên các ngành kỹ thuật công nghệ. Tổng quy mô hai lĩnh vực này là 254.007 sinh viên, chỉ chiếm có 14,29% tổng quy mô đào tạo đại học.
Trong những năm qua, ở Việt Nam đã nói nhiều đến giáo dục STEM, nhưng đa phần dư luận xã hội lại hiểu STEM như môn học tích hợp các môn khoa học và toán ở bậc phổ thông mà chưa chú trọng đến giáo dục STEM ở bậc đại học.
Về chất lượng, bên cạnh những thành tích đã đạt được, nguồn nhân lực của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết chất lượng nhân lực Việt Nam còn thấp và có khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực. Chẳng hạn như, tại thời điểm xây dựng chiến lược nhân lực (năm 2010), Việt Nam có chỉ số xếp hạng về giáo dục đại học – đào tạo nhân lực là 93 trong số 131 quốc gia trong danh sách xếp hạng.
Một số mô hình và giải pháp đào tạo nhân lực chất lượng cao thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Giao thông Vận tải cũng được giới thiệu tại hội thảo.
Các đại biểu kiến nghị Đảng, Nhà nước cần có chiến lược đầu tư trọng tâm, trọng điểm tại một số cơ sở giáo dục đại học uy tín, đặc biệt là đào tạo sau đại học đối với các ngành thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, toán học. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các trường đại học trong đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho các lĩnh vực khoa học tự nhiên, toán học và thống kê để làm nền tảng cho sự phát triển khoa học công nghệ của đất nước.
Hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức. Tham dự hội thảo có đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc Hội; lãnh đạo các đại học vùng, các trường đào tạo các ngành kỹ thuật - công nghệ, kinh tế và các lĩnh vực khoa học cơ bản; đại diện lãnh đạo một số sở giáo dục đào tạo của một số địa phương.
THÀNH LÊ