Thứ Ba, 17/9/2024
Xã hội
Thứ Hai, 15/7/2019 22:4'(GMT+7)

Hội thảo “Kỹ năng nghề cho thanh niên trong kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế”

TS. Trương Anh Dũng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục GDNN phát biểu tại Hội thảo

TS. Trương Anh Dũng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục GDNN phát biểu tại Hội thảo

Hưởng ứng Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới (15/7), chiều 15/7, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với các tổ chức quốc tế, các chuyên gia về lao động, giáo dục nghề nghiệp tổ chức Hội thảo “Kỹ năng nghề cho thanh niên trong kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế”.

Tham dự Hội thảo có Lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), đại diện các Vụ, đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH); đại diện các tổ chức, cơ quan quốc tế: Đại sứ quán Úc, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức, tổ chức KOSEN Nhật Bản, Tổ chức Giáo dục Văn hóa và Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Châu á (ADB), Ngân hàng thế giới (WB).

Phát triển kỹ năng nghề, đặc biệt là kỹ năng nghề cho thanh niên luôn là sự quan tâm hàng đầu của từng quốc gia, của Liên hợp quốc và các cơ quan, tổ chức quốc tế khác. Chính vì vậy, năm 2014 Đại hội đồng Liên hiệp quốc nhất trí thông qua một nghị quyết về việc tuyên bố ngày 15/7 là ngày kỹ năng thanh niên thế giới (World Youth Skills Day). Đây được coi là sự kiện quan trọng đánh dấu sự quan tâm cụ thể hơn nữa của toàn cầu đối với đầu tư phát triển kỹ năng cho thanh niên. Mục đích của sự kiện này nhằm nâng cao nhận thức và thảo luận về tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp, đào tạo và phát triển các kỹ năng nghề phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội các quốc gia và toàn cầu; đồng thời sẽ góp phần giảm thất nghiệp và thiếu việc làm trong giới trẻ trên toàn thế giới.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược, là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển đất nước nhanh, bền vững.

“Chúng ta đã có Bộ luật Lao động, Luật GDNN, Luật Việc làm và nhiều cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn để phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề nói chung và cho thanh niên nói riêng. Trong đó tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN, đồng thời chuẩn hóa bậc kỹ năng nghề của người lao động theo khung kỹ năng nghề quốc gia, theo quy định của Luật Việc làm 2013 làm cơ sở cho việc phát triển GDNN gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, của thị trường lao động một cách thiết thực, hiệu quả. Mặt khác, việc ban hành khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia cũng là cơ sở cho việc xây dựng phát triển hệ thống đánh giá và cấp chứng chỉ cho người lao động, giúp người lao động được công nhận bậc trình độ kỹ năng nghề và tăng cơ hội sớm có việc làm, chuyển đổi, nâng bậc, học tập suốt đời và thăng tiến nghề nghiệp” - Phó cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng nhấn mạnh.

Những năm qua Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai nhiều hoạt động, như việc ban hành các chính sách, các giải pháp thực hiện việc đề án hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên theo Quyết định 1665 của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, việc hai năm một lần, Bộ LĐ-TB&XH phát động mạnh phong trào thi đua rèn luyện tay nghề giỏi dành cho các lao động trẻ là thanh niên, thông qua việc tổ chức các kỳ thi tay nghề từ cấp cơ sở, Bộ, ngành, địa phương đến cấp quốc gia đã thu hút hàng ngàn lao động trẻ tham gia ở mỗi kỳ thi. Tại  các Kỳ thi tay nghề ASEAN, Đoàn Việt Nam luôn được xếp hạng trong 3 quốc gia hàng đầu, trong đó là một trong hai quốc gia cùng Thái Lan đã 3 lần xếp thứ nhất toàn đoàn; đối với Kỳ thi tay nghề thế giới, Việt Nam đã giành được nhiều chứng chỉ tay nghề xuất sắc và 2 lần đoạt huy chương tại các Kỳ thi năm 2015 và 2017.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung chia sẻ và thảo luận kinh nghiệm, các bài học, cơ hội và thách thức đối với phát triển kỹ năng nghề cho thanh niên trong kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế ở Việt Nam, qua đó tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy phát triển kỹ năng nghề cho thanh niên, tôn vinh những lao động trẻ có kỹ năng xuất sắc.

Đại diện tổ chức KOSEN cho biết, đào tạo theo mô hình KOSEN đã được Nhật Bản áp dụng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Đặc điểm của mô hình KOSEN là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và đảm bảo 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm.

Điểm đáng chú ý khác của mô hình KOSEN là việc đào tạo không chỉ có lý thuyết mà hướng đến kỹ năng thực hành, khả năng sáng tạo của người học thông qua các hoạt động thực hành, nghiên cứu; sử dụng giảng viên có trình độ cao và thiết bị đào tạo tốt; đào tạo chất lượng cao với mô hình nhóm nhỏ… Việc áp dụng đào tạo theo mô hình KOSEN hiệu quả sẽ góp phần giải quyết nhu cầu về đội ngũ nhân lực có kỹ năng thực hành và khả năng sáng tạo cho các doanh nghiệp./.

P.Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất