Thứ Tư, 27/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 8/9/2009 20:45'(GMT+7)

Hội thảo quốc tế các sự kiện lịch sử Trung Lào trong quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào -Việt Nam

Đoàn Chủ tịch Hội thảo (Ảnh Thu Hiền)

Đoàn Chủ tịch Hội thảo (Ảnh Thu Hiền)

Tới dự và chỉ đạo Hội thảo có các đồng chí: Trương Tấn Sang, UVBCT, TT Ban Bí thư TWĐCSVN; Tô Huy Rứa, UVBCT, Bí thư TWĐCSVN, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Dự án biên soạn Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào; Lê Khả Phiêu, Nguyên Tổng Bí thư BCHTW ĐCSVN; Xamản Vinhakệt, UVBCT, Trưởng ban Chỉ đạo Công tác Tư tưởng, Lý luận, Văn hoá TWĐNDCM Lào, Trưởng ban Chỉ đạo Dự án biên soạn Lịch sử quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam; Phăn Đuông Chít Vông Sả, UVTWĐ, Trưởng Ban tuyên huấn TW Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Dự án biên soạn Lịch sử quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam; Lê Hữu Phúc, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị; Nguyễn Bắc Son, UVTWĐ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TW; Phạm Văn Linh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Cùng dự còn có hơn 200 đại biểu là các đồng chí cựu chiến binh, các chuyên gia quân tình nguyện, các nhà khoa học, lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND, Ban TGTU tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, tp. HCM, các tỉnh lân cận...và đông đảo đại biểu của Việt Nam và Lào...

Các đại biểu trong giờ giải lao (Ảnh Thu Hiền)


Đồng chí XaMản VinhaKệt, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo Tư tưởng - Lý luận - Văn hoá, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Trưởng Ban Chỉ đạo Biên soạn Lịch sử Quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam đã có bài phát biểu khai mạc Hội thảo. Đồng chí nêu rõ, hôm nay chúng ta cùng nhau tiến hành Hội thảo tại Lao Bảo, miền Trung Việt Nam và Lào với rất nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu: Cuộc phối hợp chiến đấu đầu tiên của liên quân Lào - Việt chống thực dân Pháp trở lại xâm lược, bảo vệ các thành phố thị trấn NaPe, Thà Khẹc Xa Vẳn Na Khệt (Trung Lào), chiến dịch Trung Lào; sự ra đời của Đường Trường Sơn -Hồ Chí Minh 1959. Chiến dịch phản công Đường 9 Nam Lào 1971 đánh bại cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của Mỹ, ngụy...

Hội thảo Khoa học lần này sẽ đi sâu nghiên cứu trình bày về các sự kiện lịch sử quan trọng đối với cách mạng hai nước, những dấu ấn in đậm về tình đoàn kết đặc biệt anh em giữa Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào, đặc biệt sự ra đời của đường vận tải chiến lược Trường Sơn Hồ Chí Minh 1959 đến nay vừa tròn 50 năm và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước. Tiếp tục sưu tầm nguồn tài liệu lịch sử quan trọng, điển hình để bổ sung thêm những phần nội dung có giá trị vào cuốn lịch sử Lào - Việt Nam. Thay mặt Ban Chỉ đạo hai bên, tôi yêu cầu toàn thể đồng chí tham dự Hội thảo lần này chú ý khai thác tư liệu, tìm ra những tư liệu chính xác, rõ ràng và góp ý kiến thật sôi nổi, thân thiện, thẳng thắn...

Phát biểu chào mừng của đồng chí Lê Hữu Phúc – UVTWĐ, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Trị đã nhắc lại những sự kiện lớn, tình đoàn kết giữa hai dân tộc, hai tỉnh trong kháng chiến cũng như trong hoà bình. Tình đoàn kết chiến đấu giữa Quảng Trị và hai tỉnh Xavanakhet và Xalavan phát triển cao hơn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Trong bối cảnh oanh liệt, vẻ vang ấy, Đảng bộ, nhân dân Quảng Trị hết sức tự hào vì đã góp phần to lớn để mối quan hệ hiếm có này ngày càng bền chặt. Từ sau chiến tranh, mặc dù còn nhiều khó khăn, Quảng Trị vẫn không ngừng tăng cường sự hợp tác, giúp đỡ 2 tỉnh bạn trên nhiều lĩnh vực. Cùng chung tuyến hành lang kinh tế Đông -Tây, hai bên hợp tác xây dựng, nâng cấp cửa khẩu quốc tế, mở rộng giao thương, buôn bán. Hai tỉnh bạn tạo điều kiện, giúp đỡ Quảng Trị trong việc tìm kiếm, cất bốc mộ liệt sĩ. Nhân dân đông-tây Trường Sơn vẫn thắt chặt mối quan hệ giao hảo, qua lại làm ăn, thăm viếng, giúp đỡ nhau khi hoạn nạn, khó khăn, cùng đấu tranh giữ vững an ninh biên giới...Cuộc hội thảo hôm nay để chuẩn bị cho việc hoàn thành công trình Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt-Lào là chủ trương hết sức đúng đắn. Quảng Trị rất tự hào và vinh dự được chọn làm điểm tổ chức cuộc hội thảo này.

Dưới tiêu đề " Liên minh chiến đấu Việt -Lào trên địa bàn Trung Lào- Di sản quý báu trong lịch sử quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam" , Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo của đồng chí Nguyễn Bắc Son, UVTWĐ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã nêu rõ mục đích của Hội thảo là: Góp phần gìn giữ, vun đắp và phát triển quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. - Làm sáng rõ và đầy đủ hơn những giá trị lịch sử, đúc kết những bài học hữu ích của quá trình liên minh chiến đấu và đoàn kết đặc biệt của hai dân tộc cho việc tăng cường mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước trong tình hình mới. - Khẳng định và tôn vinh công lao to lớn, sự hy sinh cao cả của nhân dân Lào nói chung và nhân dân Trung Lào trong việc vun đắp mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. - Cung cấp thêm tư liệu cho công trình nghiên cứu và biên soạn Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam đang triển khai thực hiện dưới sự chỉ đạo của hai Ban Bí thư.

Để đạt được mục đích đó, Hội thảo khoa học tập trung làm rõ những nội dung:
- Cần khẳng định: chủ trương đúng đắn, sáng tạo, sự đồng tâm, hiệp lực của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào là nhân tố quyết định tạo nên những thắng lợi to lớn của liên quân Việt Lào trên địa bàn Trung Lào trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

- Cần làm rõ địa bàn Trung Lào có vị thế chiến lược rất quan trọng, nơi biểu hiện sinh động, cụ thể mối quan hệ đặc biệt, tình đoàn kết và liên minh chiến đấu giữa quân đội và lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân hai nước.

- Làm rõ những đóng góp to lớn và sự hy sinh vô cao cả của nhân dân Trung Lào đối với cách mạng Lào, cách mạng Việt Nam và sự trường tồn của quan hệ đặc biệt hai nước Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.

- Từ hiện thực liên minh chiến đấu và đoàn kết đặc biệt của nhân dân hai nước trên địa bàn Trung Lào trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lựợc; hội thảo cần tập trung thảo luận đúc kết những kinh nghiệm, bài học về tăng cường, phát triển quan hệ đoàn kết đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân hai nước trong điều kiện hiện nay.
Các đại biểu dự Hội thảo đã nghe phát biểu của đồng chí Lê Khả Phiêu, Nguyên Tổng Bí Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, người đã có một thời kỳ cống hiến cho sự nghiệp chiến đấu chống quân xâm lược tại nước bạn Lào; đồng chí đã nhắc lại những kỷ niệm khó quên tại những chiến trường xưa với những người bạn chiến đấu thuỷ chung.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Trương Tấn Sang, UVBCT, Thường trực Ban Bí thư TWĐCSVN đề nghị các đại biểu ngoài việc tiếp tục sưu tầm, bổ sung thêm nguồn tư liệu lịch sử cho công trình nghiên cứu biên soạn lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã giao, cần tập trung phân tích, đánh giá sâu sắc hơn một số điểm sau: Xác định rõ hơn vị trí và tầm quan trọng chiến lược của địa bàn Trung Lào như cửa ngõ gắn kết sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào. tập trung phân tích, đánh giá sâu sắc hơn những nhân tố cơ bản tạo nên thắng lợi to lớn trên các chiến trường Trung Lào.Cần rút ra những bài học kinh nghiệm về xác định vị trí chiến lược, về tổ chức, xây dựng lực lượng và hình thành các chủ trương đúng đắn trên các mặt trận. làm rõ thêm sự đóng góp của lịch sử, tạo nên mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào không ngừng phát triển.

Cũng buổi sáng nay, đại diện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam( BIDV) đã trao tặng cho đại diện Bảo tàng Bản Đông thuộc tỉnh Savanakhệt của Lào hai bộ dàn máy vi tính và 10.000 USD.

Buổi chiều, đại biểu đã nghe một số tham luận của các nhà khoa học, các tướng lĩnh và Kết luận Hội thảo của đồng chí Tô Huy Rứa.

.

  • Thu Hiền (Từ Lao Bảo)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất