(TG) - Sáng 13/12, Hội thảo “Tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư đến công tác giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức đã diễn ra tại Thành phố Huế.
Hội thảo tập trung thảo luận, trao đổi về tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đối với giáo dục nghề nghiệp (GDNN), xác định các vấn đề đặt ra đối với đào tạo và phát triển kỹ năng nghề nghiệp trong nền kinh tế số; đề xuất các sáng kiến trong phát triển kỹ năng và đào tạo đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0
Nhiều ý kiến khẳng định CMCN 4.0 đang tác động rất mạnh đến tất cả các ngành, các lĩnh vực không chỉ đối với Việt Nam mà trên toàn thế giới. CMCN 4.0 kéo theo nhiều công việc bị thay thế bởi tự động hóa, rôbốt sẽ thay thế nhiều vị trí làm việc, do đó sẽ có sự dịch chuyển rất lớn nhân lực trên toàn cầu. Các quy trình sản xuất truyền thống ở nhiều ngành công nghiệp sẽ từng bước bị phá vỡ, kéo theo sự phá vỡ hàng loạt phương thức sản xuất kinh doanh ở mọi quốc gia. Con đường duy nhất để khắc phục những hạn chế về nguồn nhân lực và có thể gia tăng sức mạnh quốc gia là phải dựa chủ yếu vào lực lượng lao động có chất lượng cao, vào KH&CN hiện đại và luôn đổi mới, sáng tạo.
Các ý kiến phát biểu tại Hội thảo cho rằng, trước thách thức đó, GDNN ở Việt Nam phải nhanh chóng đổi mới mô hình, chương trình và phương thức đào tạo, từ khâu tuyển sinh đến khâu đánh giá, kiểm định chất lượng, nhất là đánh giá học sinh, sinh viên tốt nghiệp. GDNN phải có tư duy sáng tạo mang tính liên ngành, thích nghi với các thách thức và yêu cầu công việc thay đổi liên tục trong thị trường lao động trong nước, khu vực và quốc tế.
Trong thời gian gần đây, GDNN đang có nhiều đổi mới từ hệ thống chính sách, các quy định pháp luật đến những hoạt động thực tiễn với mục tiêu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả GDNN, đáp ứng yêu cầu nhân lực cho các vùng, miền, ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Trong đó, một bộ phận nhân lực chất lượng cao tiếp cận trình độ các nước phát triển, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Để thực hiện mục tiêu đó, hiện nay, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó có triển khai thực hiện Quyết định số 1982/QĐ-TT ngày 31/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy và học nghề đến năm 2020”.
Theo Đề án này, có nhiều hoạt động ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng số như hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin GDNN tiên tiến, đồng bộ; xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến; hệ thống thiết bị mô phỏng, thiết bị thực tế ảo, thiết bị dạy học thuật; các chương trình, giáo trình, học liệu, bài giảng điện tử, bài giảng mô phỏng; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong hoạt động đánh giá kỹ năng nghề và kiểm định chất lượng GDNN; đào tạo và chuyển giao công nghệ.v.v...
Ngoài ra, hiện nay Bộ cũng đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
PV