Những ngày qua, sự việc ba bảo mẫu tại cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh (TP Hồ Chí Minh) sử dụng nắp vung, bình nhựa, chổi lau nhà,… đánh đập các cháu nhỏ đang theo học tại đây khiến nhiều người xót xa, phẫn uất. Hành vi tàn bạo, phản giáo dục này được thực hiện với thái độ thản nhiên, vô cảm bởi chính những người có nhiệm vụ hằng ngày chăm sóc trẻ! Trước đó, cũng trong năm 2017, hàng loạt vụ bạo hành trẻ đã xảy ra như: giáo viên mầm non dùng dép tát vào mặt trẻ, nhiếc móc trẻ bằng lời lẽ thô tục tại Trường mầm non Sen Vàng (Hà Nội); giáo viên đánh trẻ bằng đũa ăn cơm tại Trường mầm non Thanh Xuân Nam (Thanh Hóa); bảo mẫu ép hàng chục trẻ ăn bằng cách tát liên tục vào miệng và mặt tại một điểm trông giữ trẻ tự phát tại TP Hồ Chí Minh; rồi cô hiệu trưởng Trường mầm non xã Xuân Giao (Lào Cai) “dạy trẻ” bằng cách dốc đầu cháu bé mới 5 tuổi vào sát máy vặt lông gà... Sau khi bị phát giác, các vụ việc nêu trên đã bị các cơ quan chức năng xử lý, với các hình thức phổ biến là đình chỉ giảng dạy hoặc chuyển công tác khác với giáo viên có hành vi vi phạm, xử phạt hành chính với cơ sở giáo dục mầm non. Tuy nhiên, không ít người vẫn đặt câu hỏi: Liệu hình thức xử phạt như thế có thỏa đáng, đủ sức răn đe? Giáo viên bị đuổi việc có thể chuyển nghề khác, cơ sở giáo dục bị nhắc nhở, phạt tiền có thể bù đắp được. Nhưng ai sẽ phải chịu trách nhiệm về những chấn thương tâm lý nặng nề mà các em phải gánh chịu? Thực tế đã có trường hợp sau khi bị hành hạ, hằng tháng sau trẻ vẫn còn hoảng loạn, hoặc quấy khóc về đêm. Thậm chí có trẻ phải chịu thương tật suốt đời. Và nỗi đau sẽ vẫn hiện diện ở đó, đi liền với sự sa sút niềm tin của xã hội về một môi trường giáo dục mầm non thiếu an toàn.
Các năm gần đây, sự gia tăng dân số ở các khu đô thị mới, khu công nghiệp,... đã khiến nhu cầu gửi trẻ tăng cao. Nắm bắt được xu hướng này, hàng loạt trường mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình, lớp mẫu giáo độc lập,... đã ra đời. Tuy nhiên, sự gia tăng nhanh chóng về số lượng cơ sở trông, giữ trẻ này cũng đã sớm bộc lộ sự bất cập về chất lượng chăm sóc trẻ. Không ít cơ sở không bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất cần thiết theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD - ĐT), như: phòng sinh hoạt chung phải bảo đảm 1,5 - 1,8 m2/trẻ; phòng ngủ bảo đảm: 1,2 - 1,5 m2/trẻ; bảo đảm yên tĩnh, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông; hiên chơi bảo đảm: 0,5 - 0,7 m2/trẻ; nhà bếp bảo đảm: 0,3 - 0,35 m2/trẻ... Có trường do nằm kẹt giữa khu dân cư đông đúc, các sinh hoạt ngoài trời của trẻ phải diễn ra ngay trên vỉa hè, gần nơi họp chợ vừa mất vệ sinh, vừa không an toàn. Nhưng đáng lo ngại hơn là chất lượng giáo viên tại nhiều cơ sở giáo dục mầm non.
Tại Điều 35, Điều lệ trường mầm non do Bộ GD - ĐT ban hành ngày 24-12-2015 quy định nhiệm vụ của giáo viên trường mầm non gồm: “1. Bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của trẻ em trong thời gian trẻ em ở nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập. 2. Thực hiện công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo chương trình giáo dục mầm non: Lập kế hoạch chăm sóc, giáo dục; xây dựng môi trường giáo dục, tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em; đánh giá và quản lý trẻ em; chịu trách nhiệm về chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em; tham gia các hoạt động của tổ chuyên môn, của nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập. 3. Trau dồi đạo đức, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu, thương yêu trẻ em, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của trẻ em; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp. 4. Tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học nuôi dạy trẻ em cho cha mẹ trẻ. Chủ động phối hợp với gia đình trẻ để thực hiện mục tiêu giáo dục trẻ em. 5. Rèn luyện sức khỏe; học tập văn hóa; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em. 6. Thực hiện các nghĩa vụ công dân, các quy định của pháp luật và của ngành, các quy định của nhà trường, quyết định của hiệu trưởng”. Đó là các quy định rất cụ thể, thiết thực, và không quá dài, không quá khó đến mức giáo viên khó nắm bắt đầy đủ. Hơn thế nữa, khi theo học các khóa đào tạo, những giáo viên mầm non trong tương lai đều đã được quán triệt, học tập, trau dồi các nội dung này. Song thật đáng buồn là khi bước vào nghề, đã có người sớm xao lãng, bỏ mặc, thậm chí coi thường các quy định nêu trên. Họ “hồn nhiên” trút bức xúc vào đầu trẻ, coi việc đánh trẻ là biện pháp giáo dục cần thiết để giúp trẻ vào nền nếp!
Trước hàng loạt sai phạm tại nhiều cơ sở giáo dục mầm non, dư luận đã và đang đòi hỏi vai trò trách nhiệm của cơ quan quản lý. Theo Điều 4 Điều lệ trường mầm non đã đề cập ở trên, việc phân cấp quản lý nhà nước đối với nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập được quy định cụ thể như sau: UBND quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với nhà trường, nhà trẻ; UBND xã, phường, thị trấn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập; phòng giáo dục và đào tạo thực hiện chức năng tham mưu giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập. Trên thực tế, lâu nay công tác quản lý các cơ sở giáo dục mầm non vẫn diễn ra theo các hình thức phổ biến như: báo cáo định kỳ; thanh tra, kiểm tra đột xuất. Theo ý kiến của nhiều phụ huynh có con theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non, việc quản lý vẫn mang nặng tính hình thức, bằng chứng là có đợt kiểm tra dù danh nghĩa “đột xuất” nhưng trước đó một vài ngày cả trường đều biết, cháu nào nhẹ cân, lười ăn hoặc đang bị bệnh đều được khuyến cáo nghỉ ở nhà! Và đáng chú ý là nhiều sai phạm bị phát hiện, xử lý thời gian qua tại một số trường mầm non như nạn bạo hành trẻ, bớt xén suất ăn, thu chi sai mục đích,... đều từ phát giác của chính phụ huynh sau khi nhận thấy những biểu hiện bất thường từ con em mình.
Sẽ là thiếu sót nếu không đề cập vai trò của ban kiểm soát trong việc giúp các bậc cha mẹ giám sát chất lượng nuôi dạy và học tập của trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non. Thời gian qua, ban kiểm soát chưa phát huy được hiệu quả, hoạt động trong kiểm tra, giám sát các hoạt động của nhà trường, nhà trẻ, của hội đồng quản trị, ban giám hiệu và các đơn vị, tổ chức trong nhà trường, nhà trẻ; kiểm tra, giám sát mọi hoạt động tài chính của nhà trường, nhà trẻ và thực hiện chế độ tài chính công khai... (khoản 4, Điều 12, Điều lệ trường mầm non). Tại không ít cơ sở giáo dục, ban kiểm soát đã bị biến tướng, hoạt động như bộ phận giúp việc của hiệu trưởng, đứng ra huy động các khoản thu bất hợp lý, thậm chí có thái độ đe dọa, chỉ trích những phụ huynh có ý kiến không đồng tình.
Để bảo vệ con em mình khi đến trường, trên một số diễn đàn mạng, các bậc phụ huynh đã đăng tải danh sách “trường mầm non đen” tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Qua đó, các cha mẹ nếu thấy nghi vấn trước những biểu hiện bất thường hoặc phát hiện sai phạm tại trường mầm non có thể chia sẻ thông tin tại đây để cảnh báo với mọi người. Trước thực trạng này, có phụ huynh còn bày tỏ mong muốn các bậc cha mẹ cùng chung tay thành lập website về chống bạo lực học đường, nhằm góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn cho trẻ. Tuy nhiên cách làm này trên thực tế vẫn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, cảm tính cho nên khó có thể phát huy hiệu quả cao trong toàn xã hội. Để tăng cường quản lý, giám sát chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục mầm non cần sự vào cuộc của toàn xã hội. Cụ thể, các cơ quan chức năng cần nghiêm túc thực hiện đúng quy chế quản lý việc thành lập trường mầm non, nhóm trẻ gia đình, lớp mẫu giáo độc lập; tiến hành rà soát đồng bộ, thường xuyên, liên tục việc dạy và học tại các cơ sở này; đội ngũ giáo viên mầm non cần không ngừng nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp... Đồng thời, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những sai phạm xảy ra.