Ngày 9/12, tại thành phố Huế, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Nâng cao năng lực sư phạm cho đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông”.
Hội thảo thu hút sự tham gia của khoảng 200 đại biểu đến từ các viện nghiên cứu, trường cao đẳng, đại học và các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước.
Với 105 báo cáo khoa học, Hội thảo tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan đến xác lập luận cứ khoa học, đánh giá năng lực sư phạm của giáo viên và thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng năng lực sư phạm cho đội ngũ giáo viên ở Việt Nam hiện nay. Nhiều đại biểu tham dự Hội thảo cho rằng, công tác bồi dưỡng giáo viên hiện còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của xã hội; chất lượng giáo viên chưa tương xứng với bằng cấp, chưa theo kịp yêu cầu đổi mới giáo dục; một bộ phận giáo viên vẫn chưa thoát khỏi phương pháp dạy học cũ...
Từ thực tế đó, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực sư phạm cho đội ngũ giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Các giải pháp chú trọng đến quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên; thay đổi chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận phát triển năng lực cho người học; đổi mới cách thức đào tạo nghề; ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, bồi dưỡng; tạo sự kết nối giữa các cơ sở đào tạo giáo viên và trường phổ thông; đổi mới công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên, tạo môi trường làm việc và động lực để giáo viên phát triển năng lực nghề nghiệp.
Theo Tiến sĩ Phạm Thị Kim Anh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, người giáo viên là yếu tố quyết định thành công việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam và cải cách nội dung sách giáo khoa sau 2018. Vì vậy, để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên phổ thông, vai trò của các trường đại học sư phạm là hết sức quan trọng. Việc bồi dưỡng năng lực cho giáo viên cần phải xuất phát từ thực tiễn đổi mới; nội dung bồi dưỡng vừa tập trung vào kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm vừa gắn với phát triển các giá trị đạo đức nghề nghiệp. Cần xây dựng mạng lưới kết nối giữa trường đại học sư phạm và các trường phổ thông để giúp nhau giải quyết những vấn đề khó khăn trong công việc. Bên cạnh đó, các trường sư phạm cũng cần xây dựng những nhóm giáo viên có kinh nghiệm để hỗ trợ cho giáo viên trẻ thông qua mạng thông tin trực tuyến...
Theo Tiến sĩ Trần Dũng, Đại học Victoria Melbourne, Úc: Việc phát triển nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên là rất cần thiết nếu muốn đảm bảo chất lượng dạy học và giáo dục. Các chương trình phát triển nghiệp vụ sư phạm ở Việt Nam cần tập trung vào nội dung, về việc học của học sinh, cần đủ thời gian cho giáo viên tham gia và ứng dụng những chương trình đã học vào lớp học. Hơn nữa, mối liên kết giữa kiến thức và thực hành rất quan trong khi thiết kế chương trình đào tạo nghiệp vụ sư phạm.Ngoài ra, cũng cần chú trọng đến đặc trưng và nhu cầu của địa phương, rút ngắn khoảng cách giữa các bài giảng về nghiệp vụ sư phạm và thực tiễn dạy học của giáo viên. Hiện nay, có rất nhiều chương trình phát triển nghiệp vụ sư phạm trực tuyến miễn phí chất lượng cao, các giáo viên có thể tham khảo để áp dụng vào thực tiễn dạy học./.
Tường Vi/TTXVN