Đây là 1 trong 4 cuộc hội thảo sẽ diễn ra trên cả nước trong thời gian tới với nội dung về quyền bình đẳng của phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Buổi hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều cán bộ ngành LĐ-TB&XH đến từ các tỉnh thành phụ cận. Cũng giống như các buổi tọa đàm đã từng diễn ra trước đó, buổi Hội thảo tại Thừa Thiên Huế cũng sẽ sử dụng tác phẩm kịch “Ngôi nhà búp bê” của tác giả Ibsen, Na Uy để làm cảm hứng cho việc tranh luận về quyền bình đẳng của phụ nữ trong gia đình.
Ngay sau khi xem xong vở kịch “Ngôi nhà búp bê”, các đại biểu đã đặt ra nhiều vấn đề đối với Ban tổ chức. Những người mẹ, người chị ở Huế thường có tính cam chịu, nhường nhịn bởi tính cách đó đã ăn sâu vào nếp nghĩ của cả nam giới lẫn phụ nữ. Thậm chí có những nơi nạn bạo hành phụ nữ vẫn diễn ra thường xuyên khiến công tác đảm bảo bình đẳng giới gặp nhiều khó khăn. Vậy làm thế nào để những Nora của Việt Nam tìm thấy cơ hội bình đẳng của mình???
Đại diện Sở LĐTBXH Thừa Thiên Huế thừa nhận, phụ nữ Huế, đặc biệt ở các vùng nông thôn còn phụ thuộc nhiều vào đàn ông. Thậm chí ở các vùng như Nam Đông, A lưới, nạn bạo hành phụ nữ vẫn còn diễn ra rất phổ biến mặc dù những người dân ở đây vẫn sống theo kiểu gia đình mẫu hệ. Sự cam chịu đó cho thấy, “Nora của Huế” hoàn toàn khác xa với Nora của Na Uy.
Vở kịch đã khiến các đại biểu tranh luận sôi nổi về vấn đề bình đẳng giới
Là nơi có nhiều giới nữ học và giữ những vị trí quan trọng, bà Trần Thị Thanh Hà, đại diện cho Trường Văn hóa nghệ thuật Thừa Thiên Huế khẳng định, quyền bình đẳng giới ở đây đang được thực hiện đầy đủ. Nhưng ở gia đình, những người phụ nữ đó vẫn gặp phải những vấn đề về bình đẳng. Điều quan trọng ở đây chính là làm sao để những người đàn ông cũng sẽ phải tham gia vào thực hiện quyền bình đẳng trong gia đình cho phụ nữ.
Giải đáp các thắc mắc này, Sở LĐ TB&XH Thừa Thiên Huế cho rằng vấn đề nằm ở chỗ nhân lực của ngành, đặc biệt là các cán bộ chuyên trách về bình đẳng giới. Điều cần thiết nhất hiện nay chính là bổ sung các cán bộ có trình độ chuyên môn về bình đẳng giới làm việc tại Sở LĐ TB&XH. Mục tiêu tiếp theo là ở các huyện, xã cũng sẽ có cán bộ chuyên trách để tuyên truyền và thực hiện các công việc về Bình đẳng giới. Chỉ có vậy thì Nora của Huế nói riêng và của Việt Nam nói chung mới không phải "bỏ nhà đi" mà không rõ tương lai thế nào.
Bà Zenia Chrysostonidis cho rằng, câu chuyện của Nora Na Uy là câu chuyện thời đại. Có những người oán giận Nora nhưng ngược lại, nhiều người cho rằng hành động của cô là can đảm và quả cảm. Vấn đề ở đây chính là sự vùng lên của Nora chống lại người đàn ông không xem cô là một con người và chống lại cái xã hội đã cho phụ nữ quá ít quyền tự do. Ngày nay, quyền của phụ nữ tại Na Uy rất được tôn trọng và người phụ nữ có những vị trí rất cao trong xã hội. Bà Zenia Chrysostonidis nói: “Bình đẳng giới đảm bảo việc phụ nữ và nam giới được tự do lựa chọn”.
Có thể bác lái xích lô này không biết về Nora nhưng những vấn đề về bình đẳng giới thì chắc ông sẽ phải quan tâm
Cho đến nay, việc thực hiện các công tác liên quan đến bình đẳng giới đang được Bộ LĐ TB&XH thực hiện khá tốt. Bà Vũ Ngọc Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới cho biết: “Số lượng phụ nữ là đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2004-2011 đều tăng từ 16 cho đến 22%. Trong khi đó cán bộ công chức nữ đang làm việc trong các cơ quan nhà nước cũng đã chiếm gần 32%, trong đó lãnh đạo là nữ chiếm khoảng 18,4%. Riêng trong lĩnh vực kinh tế và lao động, tỉ lệ có việc làm giữa nam và nữ là gần tương đương nhau. Điều này chứng tỏ các biện pháp đảm bảo bình đẳng giới tại Việt Nam đang được thực hiện tốt”.
Theo lịch trình của Hội thảo, ngày 15/9 các đại biểu sẽ đi thực tế tại các địa phương để tìm hiểu đời sống cũng như thực trạng bình đẳng giới tại một số khu vực điển hình của Huế.
Mạnh Tuấn (TT&VH Online)