Trong số các cơ sở vi phạm, có đến 80% cơ sở không lập sổ lao động, sổ lương, sổ bảo hiểm xã hội và các sổ sách liên quan, không thông báo định kỳ với địa phương, không ký hợp đồng lao động.
Theo kết quả kiểm tra của Thanh tra sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh đối với 173 cơ sở sản xuất trên địa bàn, có 62 cơ sở sử dụng 150 lao động là trẻ em dưới 16 tuổi, (chiếm gần một nửa số lao động là trẻ thuộc độ tuổi từ 13 đến 15) vi phạm Luật Lao động, tập trung nhiều nhất ở quận Bình Tân và Tân Bình.
Trong số các cơ sở vi phạm, nhiều nơi áp dụng thời gian làm việc quá mức. Bình quân mỗi em phải lao động hơn 10 giờ/ngày, có nơi lên đến 14 giờ/ngày và hầu hết phải làm thêm giờ nhưng rất ít chủ cơ sở trả tiền, coi đây là giờ làm bắt buộc, nếu không làm, các em sẽ bị đuổi việc. Những hành vi này vi phạm điều 122 và điều 119, Bộ Luật lao động (năm 1994) về quy định giờ làm việc, chế độ làm việc và phụ cấp độc hại cho lao động là trẻ em.
Hiện tại, thành phố Hồ Chí Minh có 80% lao động trẻ em là dân ngoại tỉnh, với tổng số hơn 180.000 trẻ em thuộc diện nhập cư. Số trẻ này chiếm 10% tổng số trẻ em toàn thành phố và hơn 1.200 trẻ em lang thang kiếm sống, xin ăn… nên nguy cơ các em bị lợi dụng, bóc lột sức lao động là rất dễ xảy ra. Trong khi đó, việc xử phạt hành chính đối với các cơ sở vi phạm vẫn chưa đủ sức răn đe./.
(TTXVN)