Nhân ngày Dân số thế giới 11.7, thử phân tích những số liệu liên quan đến tốc độ tăng dân số Việt Nam thời gian qua.
Việt Nam là quốc gia có dân số đông. Dân số Việt Nam năm 2008 đạt xấp xỉ 86,2 triệu người, đông thứ 12 trên thế giới (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Indonesia, Brazil, Pakistan, Bangladesh, Nigeria, Nhật Bản, Mexico, Philippines). Mật độ dân số cao 260 người/km2 (đứng thứ 41/208 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới) trong khi diện tích đất sản xuất nông nghiệp thấp, nên diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người thấp và giảm mạnh (chỉ còn 0,11 ha, nếu tính riêng diện tích đất trồng lúa thì chỉ còn một nửa). Điều này đặt ra vấn đề cấp bách về bảo vệ quỹ đất.
Dân số năm 2008 đã tăng gần 70,6 triệu người, hay cao gấp trên 5,5 lần so với năm 1921, bình quân một năm tăng 1,98% (tăng thấp nhất là thời kỳ 1943-1951 do hàng triệu người chết đói và chết trong chiến tranh). Tốc độ tăng dân số trong các thời kỳ đã có xu hướng giảm xuống, đến thời kỳ 1986-2008 còn 1,31%/năm, trong đó năm 2008 còn 1,2%. Tuy nhiên, đó vẫn là tỷ lệ cao thứ 32 ở châu Á và thứ 114 trên thế giới; mức tăng tuyệt đối vẫn còn trên 1 triệu người. Dân số đông, lại tăng lớn, nên sức ép về lao động việc làm rất lớn.
Tuổi thọ bình quân của Việt Nam đạt 72, đứng thứ 20 châu Á, thứ 83 thế giới. Đây là kết quả của việc nâng cao mức sống, kết quả tích cực của công tác y tế và chăm sóc sức khỏe. Đó cũng là một trong những yếu tố làm cho thứ bậc về chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam hơn một số nước có GDP bình quân đầu người cao hơn.
Tỷ lệ dân số thành thị của Việt Nam nếu năm 1930 mới là 7,4%, đến năm 1951 là 10%, đến năm 1976 đã vượt qua mốc 20%, và đến năm 2008 là 27,9%. Tỷ lệ này chỉ đứng thứ 41 châu Á, 177 thế giới. Mặc dù tỷ lệ còn thấp, nhưng vẫn có cảm giác chật chội trong đô thị Việt Nam là do những yếu kém về quy hoạch, trật tự giao thông, môi trường nước, không khí... Tỷ lệ nữ trong dân số vẫn còn cao hơn nam (năm 2008 là 50,9% so với 49,1%), đặc biệt là tỷ lệ sinh nam/nữ (112/100) mất cân bằng lớn.
Việt Nam trong thời gian qua đã có nhiều cố gắng và đạt được kết quả đáng khích lệ về việc giảm tỷ lệ sinh. Hiện nay, cùng với việc tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, thì việc nâng cao chất lượng dân số là quan trọng nhất./.
(Theo Thanh niên)