Thứ Tư, 25/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Ba, 22/3/2011 12:36'(GMT+7)

Hội thảo về công tác phòng chống lao ở Việt Nam

Đồng chí Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo

Đồng chí Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo

Ngày 22/3/2011, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Y tế, Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình chống lao Quốc gia Việt Nam tổ chức Hội thảo về công tác phòng chống lao ở Việt Nam, thành tựu, thách thức và giải pháp.

Đến tham dự hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương, đại diện các Ban, Bộ, Ngành Trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội. Đồng chí Phạm Văn Linh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh: Trong những năm vừa qua, công tác phòng chống lao của Việt Nam đạt được những kết quả đáng khích lệ: mạng lưới phòng chống lao trong toàn quốc đã được củng cố, các phòng xét nghiệm phát hiện trực khuẩn lao đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới đã được hình thành. Công tác phòng chống lao của Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của Liên minh phòng chống lao toàn cầu.

Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam đang là nước đứng thứ 12 trong 22 nước có số bệnh nhân lao nhiều nhất trên thế giới và xếp thứ 14 trong 27 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao trên toàn cầu. Bệnh lao trên người nhiễm HIV có chiều hướng gia tăng. Kinh phí công tác phòng chống lao hiện nay chỉ có thể đáp ứng được một phần nhu cầu. Quá trình đô thị hoá và công nghiệp hoá kéo theo sự ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm không khí cùng với nhà ở chật hẹp, thiếu ánh sáng và sự lưu thông không khí hạn chế là cơ hội cho sự tồn tại và lan truyền trực khuẩn lao trong cộng đồng.

Vì thế,  nếu chỉ riêng ngành y tế với các chương trình phòng chống lao quốc gia thì sẽ không thể thực hiện được mục tiêu ngăn chặn và thanh toán được bệnh lao trong cộng đồng vào năm 2030. Mục tiêu này chỉ có thể đạt được nếu các cấp uỷ đảng và chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt cùng với sự vào cuộc của tất cả các tổ chức và mọi người dân. Hội thảo lần này nhằm cung cấp cho các đại biểu tham dự và những người trực tiếp tham mưu giúp Đảng, Quốc hội và Chính phủ ban hành các chủ trương, đường lối, chính sách xây dựng và phát triển đất nước, có được những hiểu biết sâu sắc hơn và tình hình bệnh lao hiện nay và thúc đẩy hoàn thành mục tiêu chung.

Toàn cảnh Hội thảo về công tác phòng chống lao ở Việt Nam


Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe PGS-TS Đinh Ngọc Sỹ, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia trình bày về tình hình bệnh lao trên thế giới và Việt Nam, cơ hội và thách thức. TS Nguyễn Viết Nhung, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đã trình bày về công tác phòng chống lao Việt Nam, thành tựu, khó khăn và đề xuất.

Các đại biểu đã thảo luận và làm rõ các vấn đề đặt ra; từ đó, đưa ra một số đề xuất. Về nhân lực, Bộ Y tế ban hành quy hoạch mạng lưới chống lao, thống nhất mô hình tổ chức tuyến huyện, đặt tại Bệnh viện huyện với ít nhất 3 cán bộ làm công tác phòng chống lao. Có chế độ ưu đãi về tuyển dụng đào tạo đại học, sau đại học cho cán bộ chống lao. Đảm bảo ít nhất mỗi tổ chống lao tuyến huyện có từ 3-5 cán bộ y tế.

Về tổ chức, đề nghị chuyển dự án lao thành chương trình Chống lao Quốc gia. Bệnh viện Lao và bệnh phổi tuyến tỉnh cần có biên chế cho Chỉ đạo tuyến chứ không chỉ tính nhân lực trên đầu giường bệnh. Đưa chỉ tiêu về công tác phòng chống lao là chỉ tiêu thi đua các cấp. Đặt công tác chống lao là một chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Với các ưu tiên vùng sâu, vùng xa, có cơ chế hỗ trợ về tài chính để thu hút nhân lực cho hệ thống chống lao vùng sâu vùng xa, hỗ trợ kinh phí theo khu vực mà không theo số phát hiện, hỗ trợ kinh phí cho bệnh nhân lao nghèo trong thời gian điều trị, hỗ trợ kinh phí phát hiện chủ động định kỳ tại các vùng quá khó khăn, hỗ trợ phương tiện đi lại cho cán bộ tuyến huyện.

Cần cải tiến quy định Bảo hiểm y tế để người có thẻ có thể khám, phát hiện lao tại cơ sở y tế gần nhất, không phụ thuộc vào nơi đăng ký ban đầu. Tăng cường hiệu lực quản lý thuốc và y tế tư nhân. Có chế độ đãi ngộ với y tế tư nhân tham gia hoạt động chống lao như y tế nhà nước.

Cần có chế độ cán bộ chống lao phù hợp như phụ cấp nghề nghiệp theo chuyên khoa để thu hút cán bộ, tăng phụ cấp độc hại, tăng phụ cấp ưu đãi nghề,…

PV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất