(TG)-Sáng 19-12, tại Hà Nội, Học Viện Quân y và Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người phối hợp tổ chức Ngày hội “Chung tay vì sự sống 2015”.
Phát biểu tại buổi lễ, Thiếu tướng, GS, TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho biết: “Hiện ở nước ta có hàng chục nghìn người đang cần ghép mô, tạng để duy trì sự sống, song chưa thể thực hiện được vì không có đủ nguồn mô, tạng hiến để ghép”.
|
Thiếu tướng, GS. TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, phát biểu tại buổi lễ.
|
Thiếu tướng, GS, TS Đỗ Quyết khẳng định hiến mô, tạng là một việc làm nhân văn đối với những người bệnh đang từng ngày giành giật sự sống với tử thần. Nếu không được ghép mô, tạng những bệnh nhân đó sẽ bị tử vong. Chính vì ý nghĩa cao cả đó, Thiếu tướng Đỗ Quyết kêu gọi tất cả các thành viên trong xã hội không phân biệt giới tính, tôn giáo, vùng miền, địa vị chính trị hãy đăng ký hiến tặng mô, tạng để có thể mang lại cơ hội cứu sống nhiều người bệnh; đăng ký hiến thi thể cho khoa học vì sự phát triển bền vững của nền y học nước nhà.
|
Các đại biểu tham dự chương trình.
|
GS, TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, nếu vận động, lan tỏa được việc hiến tặng mô, tạng ra khắp mọi miền đất nước thì việc làm này vô cùng có ý nghĩa. Con số hơn 1.000 người đăng ký hiến tạng và cơ thể người của mình sau khi chết não giúp người bệnh và nghiên cứu khoa học không còn là điều xa vời.
GS, TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người nhấn mạnh, nếu có nguồn mô, tạng, hàng chục nghìn người sẽ được cứu sống mỗi năm. Có rất nhiều người bệnh đã không thể chờ đến ngày có tạng hiến để ghép vì người hiến tạng chết não rất ít.
Tham dự chương trình còn có đại diện bệnh nhân suy mô, tạng. Đây là những người hằng ngày phải vật lộn với khó khăn do bệnh tật gây ra. Họ tới để chia sẻ về niềm hạnh phúc vô bờ bến của người bệnh may mắn được ghép tạng từ người hiến tạng.
|
Người hiến tạng và được ghép tạng chia sẻ những câu chuyện cảm động và truyền cảm hứng tới mọi người trong Ngày hội chia sẻ sự sống 2015.
|
Anh Thành bị suy thận phải lọc máu 8 năm đã chờ ghép thận 3 năm nay bày tỏ mong muốn sớm nhận được nguồn tạng thích hợp từ người hiến. Anh Thành cho biết, không chỉ anh mà rất nhiều người bị bệnh suy thận như anh rất cần sự chia sẻ, chung tay giúp đỡ của cộng đồng.
May mắn hơn anh Thành là ông Nguyễn Hữu Thảo (Hoài Đức, Hà Nội), ngay sau khi phát hiện bị suy thận độ 4 đã tìm được nguồn tạng thích hợp với mình. Người hiến thận cho ông là người vợ của ông. Ông Thảo chia sẻ: "Khi phát hiện bị bệnh, cuộc sống của gia đình tôi đảo lộn hoàn toàn. Rất may vợ tôi đã hiến thận cho tôi và tôi bây giờ đã khỏe mạnh. Sau 3 năm, sức khỏe của cả người cho là vợ và tôi là người nhận đều bình thường."
Chị Phạm Thị Tuyết (Hải Phòng) cho biết, chị có tâm nguyện hiến tạng từ 3 năm nay. Hiện chị đã hiến thận cứu người, sau khi chết não, chị tự nguyện hiến toàn bộ thân thể của mình cho nghiên cứu khoa học. Không chỉ có chị Tuyết, chồng chị cũng đã đến Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để tìm hiểu và đăng ký hiến tạng. Chị Tuyết mong muốn mọi người ngày càng hiểu, sẻ chia và hưởng ứng việc hiến tặng mô, tạng, chung tay, chung sức vì người bệnh và vì sự phát triển của toàn xã hội.
Thượng toạ Thích Nhật Từ, Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh bày tỏ: “Phật giáo có khái niệm bố thí và hiến tạng cũng là một trong những mong mỏi của chúng tôi. Phật giáo chia làm hai loại tài sản là vật chất và sự sống. Việc hiến tạng cũng là một cách để thực thi phật pháp”.
|
Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, các Học viện, Bộ Y tế đã tự nguyện đăng ký hiến tạng chung tay vì sự sống.
|
Tại buổi Lễ, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, các học viện, Bộ Y tế đã tự nguyện đăng ký hiến tạng chung tay vì sự sống.
Đến trưa ngày 19-12, Ngày hội “Chung tay vì sự sống 2015” đã nhận được hơn 1000 đơn đăng ký hiến mô, tạng và được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục Việt Nam về đăng ký hiến mô, tạng.
Tuấn Anh