Thứ Bảy, 23/11/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 26/8/2019 12:28'(GMT+7)

Yếu tố then chốt phát triển giáo dục dân tộc

(Ảnh minh họa: giaoducthoidai.vn)

(Ảnh minh họa: giaoducthoidai.vn)

BẤT CẬP ĐỘI NGŨ

Đến nay, một số tỉnh có số cán bộ quản lý, giáo viên người dân tộc thiểu số chiếm tỉ lệ thấp, chưa tương xứng tỉ lệ dân số dân tộc thiểu số trên địa bàn (Lai Châu 80% dân số là dân tộc thiểu số; Lào Cai trên 70%; Hà Giang 88%).

So với toàn quốc, số lượng giáo viên người dân tộc thiểu số chiếm tỉ lệ nhỏ trong tổng số giáo viên phổ thông của cả nước. Đặc biệt ở bậc Trung học phổ thông tỉ lệ này ít nhất so với Mầm non, Trung học và Trung học cơ sở. Tỉ lệ giáo viên chưa tương xứng với tỉ lệ dân số dân tộc thiểu số và có sự chênh lệch lớn giữa các cấp của giáo dục phổ thông.

Cơ cấu giáo viên còn chưa cân đối giữa các môn học, các vùng miền. Ví như, một số trường vùng dân tộc thiểu số thiếu giáo viên dạy các môn học có tính đặc thù như Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ Thuật, Thể dục, Giáo dục công dân, Ngoại ngữ… dẫn đến tình trạng giáo viên dạy kiêm nhiệm không đúng chuyên môn đào tạo còn khá phổ biến.

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng: Đội ngũ giáo viên bậc Trung học phổ thông vùng dân tộc thiểu số tới nay cơ bản đạt chuẩn tương đương tỉ lệ chung cả nước, đạt yêu cầu về năng lực sư phạm, có ý thức tự học, nghiên cứu nâng cao trình độ, bồi dưỡng kiến thức… song đứng trước những đổi mới giáo dục vẫn còn không ít hạn chế.

Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Chất lượng đội ngũ chưa tương xứng với yêu cầu về chất lượng, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới, trong giảng dạy ít chú ý đến phát triển tư duy, năng lực sáng tạo, kĩ năng thực hành cho học sinh. Nhiều giáo viên  chưa thực sự thay đổi cách dạy theo hướng “dạy cho người học biết cách học” mà nặng về “dạy kiến thức cho người học”. Chưa chú trọng việc giáo dục nhân cách, giáo dục kĩ năng sống theo nếp sống có văn hóa cho học sinh…

Thực tế cũng cho thấy, công tác đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung giáo viên phổ thông chưa đáp ứng tốt nhất yêu cầu. Số giáo viên có khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ, tiếng dân tộc, công nghệ, tin học còn chiếm tỉ lệ thấp. Thêm vào đó, công tác đào tạo giáo viên chưa thực sự gắn kết với nhu cầu của từng địa phương, vùng miền.

Vấn đề xây dựng quy hoạch, phát triển đội ngũ chưa được các cấp quản lý quan tâm đúng mức. Chế độ chính sách còn những bất hợp lý, chưa tạo được động lực mạnh mẽ để phát huy tiềm năng của đội ngũ giáo viên Trung học phổ thông vùng dân tộc thiểu số

NÂNG CHẤT CHO ĐỘI NGŨ NHÀ GIÁO - ĐÒI HỎI TỪ THỰC TẾ 

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt cũng khẳng định: Để phát triển đội ngũ giáo viên Trung học phổ thông vùng dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục-đào tạo, thời gian tới cần tập trung triển khai thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp.

Cụ thể như: Cần xây dựng quy hoạch phát triển đội ngũ giáo viên Trung học phổ thông vùng dân tộc thiểu số; Chú trọng công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên Trung học phổ thông; Thực hiện tốt các chính sách đối với giáo viên vùng dân tộc thiểu số; Đặc biệt cần xây dựng môi trường giáo dục đa văn hóa phù hợp với sự phát triển của đội ngũ giáo viên.

Đáng chú ý, cần khảo sát thực trạng đội ngũ giáo viên về chuẩn đào tạo và các tiêu chí về chuẩn nghề nghiệp giáo viên, các yêu cầu đặc thù, các yêu cầu đổi mới để xác định nhu cầu bồi dưỡng của giáo viên vùng dân tộc thiểu số…

Cần xây dựng kế hoạch bồi dưỡng. Căn cứ vào thực trạng, nhu cầu và mục tiêu cần đạt và phương tiện, phương thức thực hiện, xác định được nội dung các khóa học, tài liệu bồi dưỡng. Có kế hoạch cụ thể về tổ chức quản lý khóa học.

Thông qua tổ chức hội thảo, hội giảng cấp trường, cụm trường hoặc theo bộ môn để trao đổi cụ thể từng chuyên đề như đổi mới phương pháp dạy chọ; quản lý và giáo dục học sinh; Có biện pháp ngăn tình trạng học sinh dân tộc bỏ học giữa chừng…

Vấn đề thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với đội ngũ giáo viên Trung học phổ thông công tác tại vùng dân tộc là yếu tố hỗ trợ cho công tác phát triển đội ngũ giáo viên một cách bền vững.

Chính sách tuyển dụng, phụ cấp, luân chuyển, khen thưởng, chế độ nhà ở và các điều kiện vật chất, tinh thần khác để giáo viên dạy ở vùng dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống. Thực hiện đầy đủ chế độ đãi ngộ cho giáo viên nhằm mang tới sự thoải mái về tinh thần giúp giáo viên yên tâm giảng dạy và có tâm huyết hơn với sự nghiệp của mình, gắn bó lâu dài với sự nghiệp giáo dục vùng miền núi.

Cùng đó cần thực hiện chế độ khen thưởng động viên một cách minh bạch, chính xác, khách quan và kịp thời. Trong các đợt phát động thi đua hưởng ứng phong trào tích cực học tập, bồi dưỡng để vươn lên chuẩn và đạt chuẩn do các đoàn thể phát động cần phải sơ kết, tổng kết, tuyên dương khen thưởng kịp thời, đưa những tấm gương người tốt, việc tốt làm nhân tố điển hình để nhân rộng...

Đội ngũ giáo viên vùng dân tộc thiểu số là một trong những nội lực quan trọng quyết định sự thành công của giáo dục-đào tạo vùng dân tộc. Trong bối cảnh đổi mới, việc phát triển đội ngũ theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, nâng cao chất lượng giảng dạy, chú trọng nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống… vô cùng cần thiết. Đây cũng là yếu tố then chốt để thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, góp phần tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi.

Đức Trí (giaoducthoidai.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất