PGS. TS. Tạ Văn Thông, Viện Từ điển học và
Bách khoa thư Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), một
chuyên gia về ngôn ngữ các DTTS cho biết: Trong số 53 DTTS, không ít dân
tộc có số dân ít hơn 10 nghìn người, như: Pà Thẻn, Lô Lô, La Hủ, Lự,
Chứt… Có dân tộc ít hơn một nghìn người, như Pu Péo, Si La, Rơ Măm, Ơ
Ðu… Ở nước ta, nhiều dân tộc có tiếng nói và chữ viết riêng. Sự hình
thành và phát triển ngôn ngữ các DTTS (tiếng nói và chữ viết) khá phong
phú, đa dạng. Trong đó, có một số hệ chữ viết có lịch sử ra đời cách đây
nhiều thế kỷ, như: Tiếng Thái, Chăm, Khmer, Mường, Tày, Nùng, Dao,
Mông... Tuy nhiên, trong xu hướng hội nhập quốc tế và trong cơ chế thị
trường thì nguy cơ mai một một số ngôn ngữ DTTS đang hiện hữu.
Ông Lo
Văn Nghệ, ở bản Văng Môn, xã Nga My (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An)
cho biết, bản Văng Môn là nơi cư trú của hơn 430 người Ơ Ðu, nhưng người
Ơ Ðu trong bản giao tiếp chủ yếu bằng tiếng Thái hoặc ngôn ngữ phổ
thông, các tập quán trước đây hầu như người dân quên hết.
Ông Cà Kha
Sam, người Khơ Mú (cán bộ văn hóa tỉnh Sơn La đã về hưu) chia sẻ, lâu
nay người dân của các dân tộc Kháng, Xinh Mun, Khơ Mú không còn dùng
tiếng của dân tộc mình để giao tiếp mà phần lớn sử dụng tiếng phổ thông
hoặc tiếng Thái…
Việc bảo tồn, duy trì và phát huy bản sắc ngôn ngữ các DTTS trong
thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng đang
đặt ra cho chúng ta những trách nhiệm nặng nề.
Những năm qua, Ðảng và
Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã
hội vùng dân tộc và miền núi, nhất là hoạt động bảo tồn và phát huy vai
trò của ngôn ngữ các DTTS. Hiến pháp và các văn bản pháp luật về giáo
dục, văn hóa, miền núi và dân tộc đều khẳng định các dân tộc có quyền
dùng tiếng nói, chữ viết; giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán,
truyền thống văn hóa tốt đẹp của mình. Ðồng thời chỉ ra tiếng nói và
chữ viết của các DTTS ở Việt Nam vừa là vốn quý của dân tộc đó, vừa là
tài sản văn hóa chung của cả nước.
Từ năm 2010 đến nay, Nhà nước cũng
như các ngành và địa phương đã đề ra các quyết sách và dự án nhằm ngăn
chặn sự suy thoái cũng như bảo tồn ngôn ngữ DTTS.
Thực hiện Nghị định số
82/2010/NÐ-CP của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ
viết của DTTS trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục
thường xuyên, đến nay, cả nước đã có 30 tỉnh triển khai với 700 trường
(hơn 121.500 học sinh) học tiếng DTTS, như Thái, Mông, Ba Na, Gia Rai,
Chăm, Khmer, Ê Ðê…
Tại Bình Thuận, các trường tiểu học thuộc địa bàn dân
tộc dành bốn tiết/tuần để dạy tiếng Chăm cho học sinh từ lớp 1 đến lớp
5.
Hơn 10 năm qua, ngành giáo dục và đào tạo Sơn La phối hợp các địa
phương tổ chức biên soạn chương trình, tài liệu giảng dạy văn học và các
làn điệu dân ca trong các trường phổ thông; mở lớp dạy tiếng Thái,
tiếng Mông cho cán bộ, công chức và lực lượng vũ trang công tác ở các xã
đặc biệt khó khăn nhằm giúp họ sâu sát hơn với cơ sở.
Bên cạnh đó, hệ
thống phát thanh và truyền hình từ Trung ương đến tỉnh, huyện (có địa
bàn miền núi và dân tộc), cũng đã quan tâm nhiều hơn việc tổ chức các
chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng các dân tộc Khmer, Ê Ðê,
Ba Na, Thái, Mông, Tày, Nùng…
Để bảo tồn ngôn ngữ các DTTS, cần có sự quan tâm đầu tư về nguồn lực
của Nhà nước và của toàn xã hội. Bên cạnh đó, một số nhà khoa học cho
rằng, cần xây dựng bộ luật về ngôn ngữ, trong đó đề cập vấn đề ngôn ngữ
các DTTS. Một số trường đại học, cao đẳng nên có khoa hoặc bộ môn đào
tạo giáo viên giảng dạy ngôn ngữ các DTTS nhằm không ngừng nâng cao chất
lượng dạy và học tiếng DTTS tại các địa phương. Ngành Ngôn ngữ học tiếp
tục triển khai, thực hiện nhiều hơn các đề tài, dự án nghiên cứu và phổ
biến kiến thức về tiếng nói và chữ viết trong đồng bào các DTTS. Qua
đó, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các vùng dân tộc
thiểu số, miền núi./.