Thứ Tư, 27/11/2024
Y tế - Dân số
Thứ Tư, 27/4/2016 13:0'(GMT+7)

Hơn nửa triệu hộ gia đình Việt bị nghèo hóa do chi phí y tế

Người dân làm thủ tục khám chữa bệnh. (Ảnh: TTXVN)

Người dân làm thủ tục khám chữa bệnh. (Ảnh: TTXVN)

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, khi tiền túi của người bệnh phải chi tiêu cho y tế vượt quá 40% khả năng chi trả của hộ gia đình thì đây được gọi là chi phí thảm họa, bởi người dân sẽ không đủ tiền để chi trả các chi phí khám chữa bệnh này.

Vì vậy, để người dân không phải chịu chi phí thảm họa khi đi khám chữa bệnh, trong đề án bảo hiểm y tế toàn dân, khi vận động được toàn dân tham gia bảo hiểm y tế, mức chi tiêu trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình sẽ dần được giảm xuống.

Không mua bảo hiểm vì tâm lý "cậy" sức trẻ 

Tại Hội nghị khoa học toàn quốc với chủ đề “Y tế công cộng Việt Nam: Thực trạng và định hướng tương lai”, phó giáo sư Hoàng Văn Minh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng, đã trình bày tham luận về gánh nặng chi phí cho y tế từ tiền túi và bảo vệ tài chính tại Việt Nam 1992-2014 thu hút được sự quan tâm của nhiều người.

Bản tham luận thu hút sự quan tâm lớn của người tham dự nhấn mạnh, tại Việt Nam, chi tiêu tiền túi cho y tế vẫn là một gánh nặng cho bệnh nhân, dù hiện nay con số hơn 70% dân số tham gia bảo hiểm y tế đã góp phần làm giảm đáng kể chi tiêu của người dân khi đi khám chữa bệnh. Tuy nhiên số bệnh nhân bị nghèo hóa và chi phí y tế từ tiền túi của người dân vẫn ở mức cao.

Theo nghiên cứu, chi phí cho y tế từ tiền túi người bệnh phải trả gồm tiền khám bệnh, tiền thuốc, tiền giường, tiền xét nghiệm...

Đơn cử như trường hợp của anh Nguyễn Văn Huy (28 tuổi), ở Hoàn Kiếm, Hà Nội. Huy làm cho doanh nghiệp tư nhân, chưa được đóng bảo hiểm y tế. Hơn nữa với sức trẻ của thanh niên, từ xưa đến nay không có bệnh gì nên Huy cũng không nghĩ đến việc tự mua thẻ bảo hiểm y tế cho mình.

Tuy nhiên, trong một lần chơi thể thao, Huy đã bị gẫy xương chân, phải bó bột, phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Đức. Tổng điều trị cho một đợt điều trị của Huy hết 45 triệu đồng. Do không có thẻ bảo hiểm y tế nên gia đình Huy phải tự chi tiền túi cho toàn bộ số tiền điều trị. Sau tai nạn trên, Huy thấm thía bài học luôn phải có tấm thẻ bảo hiểm y tế bên mình để đỡ phần nào chi phí khi ốm đau nhập viện.

Không chỉ riêng Huy, mà rất nhiều người dân trong độ tuổi từ 20-59 tham gia bảo hiểm y tế với tỷ lệ rất thấp, nhiều người với tâm lý chủ quan, cho rằng mình đang ở độ tuổi khỏe nhất, không ốm đau nên không mua thẻ bảo hiểm y tế.

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, hiện nhóm đối tượng dưới 19 tuổi và trên 60 tuổi tham gia bảo hiểm y tế với tỷ lệ xấp xỉ 100%. Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia thấp rõ rệt ở nhóm tuổi trung niên từ 20-39 (tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế là 64%) và thấp nhất ở nhóm tuổi từ 40-59 là 53%.


(Ảnh mịnh họa: TTXVN)

Chi phí y tế tiền túi cao gần gấp 3 lần Thái Lan

Tại Việt Nam, theo Báo cáo tổng quan ngành y tế năm 2013, chi phí từ tiền túi của người bệnh trong tổng chi y tế vẫn ở ngưỡng 54% - cao hơn nhiều nước trong khu vực. Trên toàn cầu, chi phí từ tiền túi của người bệnh trong tổng chi y tế chỉ chiếm gần 18%, đối với các nước có thu nhập cao thì tỷ lệ này là 14% và với vác nước có thu nhập thấp tỷ lệ này ở mức 52%.

Trong khi đó, theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới, nếu tỷ lệ chi cho y tế từ tiền túi của người dân vượt quá 30% thì khó đạt được mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Đặc biệt, nếu tỷ lệ chi từ tiền túi của người dân bằng hoặc vượt quá 40% khả năng chi trả của hộ gia đình thì gọi là chi phí thảm họa.

Trên thực tế, chi phí thảm họa tại Việt Nam đã giảm từ 8,2% năm 1992 xuống còn gần 2,3% năm 2014, nhưng vẫn ở mức cao so với nhiều nước trong khu vực.

So với các nước trong khu vực, chi phí từ tiền túi của người bệnh trong tổng chi y tế lần lượt là Thái Lan 19%, Indonesia 30%, Malaysia 40%. Việt Nam với tỷ lệ là 54% chỉ thấp hơn các nước như Philippines (54,7%), Campuchia (60%) , Lào (61%).

Thống kê cũng cho thấy, tỷ lệ nghèo hóa do chi phí y tế tại Việt Nam cũng có xu hướng giảm, từ hơn 750.000 hộ gia đình nghèo hóa trong năm 2004 đến năm 2014 đã giảm xuống còn hơn 400.000 hộ gia đình rơi vào bẫy nghèo đói vì chi tiêu tiền túi cho y tế.

Theo phó giáo sư Hoàng Văn Minh, các hộ gia đình có người già, hộ gia đình ở nông thôn, hộ nghèo, cận nghèo là những người phải gánh chi phí y tế thảm họa và nghèo hóa nhiều hơn các đối tượng khác. 

Theo đánh giá của Bộ Y tế, hiện mức chi tiêu trực tiếp tiền túi của hộ gia đình ở Việt Nam so với tổng chi y tế vẫn ở mức cao, trong khi đó, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, chi phí này không nên vượt quá 30%.

Vì vậy, trong đề án bảo hiểm y tế toàn dân, khi thúc đẩy được toàn dân tham gia bảo hiểm y tế, mức chi tiêu trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình sẽ dần được giảm xuống. Bởi, nhóm có bảo hiểm y tế ít bị ảnh hưởng về yếu tố tài chính hơn những bệnh nhân không có bảo hiểm./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất