Chủ Nhật, 6/10/2024
Đời sống
Thứ Năm, 3/2/2011 6:27'(GMT+7)

Hồn Tết, bản sắc hay hiện đại?

GS.TS. Nguyễn Văn Huy - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, nguyên GĐ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam; PGS, TSKH Nguyễn Hải Kế - Chủ nhiệm Khoa Lịch sử kiêm Chủ nhiệm Bộ môn Văn hóa - Đại học KHXH & Nhân văn Hà Nội; Nhà thơ - Nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inrasara; Nhà văn – Nhà nghiên cứu văn hóa Tây nguyên Linh Nga Niê Kdăm và Nhà văn Sương Nguyệt Minh sẽ bàn luận về HỒN TẾT, BẢN SẮC hay HIÊN ĐẠI?
 
1. Tết Việt phong phú, sinh động

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Thưa các vị! Tết người Việt và các dân tộc thiểu số anh em quá sinh động, phong phú. Tôi có cảm nhận rằng: Ngày nay, dường như thế hệ trẻ không hình dung nổi cái Tết xưa như thế nào. Chúng ta thử phác thảo bức tranh Tết xưa cho lớp trẻ hình dung về sự phong phú, sinh động, giàu bản sắc của tết Việt?

PGS. TSKH Nguyễn Hải Kế: Trước và sau từ TẾT của tiếng Việt có không ít động từ, danh từ, trạng từ kèm theo: Ăn tết, áp tết, câu đối tết, chạy tết, chúc tết, chợ tết, chơi tết, dịp tết, đi tết, đến tết, hết tết, lễ tết, lo tết, mất tết, ngoài tết, sắm tết, trước tết, ra tết, vui tết… Nếu ngôn ngữ là phản ảnh trực tiếp, sinh động, cụ thể đời sống lịch sử - văn hóa, thì đấy, các thế hệ người Kinh - Việt Nam đã quay quanh, tích đọng đến hóa thân nhiều trạng thái vào TẾT NGUYÊN ĐÁN (tết cả, tết theo lịch mặt trăng).

Tết là một hiện tượng văn hoá, là cách con người trên trái đất này ứng xử với thiên nhiên, với cộng đồng và với chính bản thân theo những điều kiện tự nhiên, lịch sử, kinh tế, chính trị nhất định.

Nhà NCVH Tây nguyên Linh Nga Niê Kdăm: Thực ra người Tây Nguyên chúng tôi đã từng không có Tết nguyên đán như người miền xuôi. Tuy nhiên, sau khi thu hoạch mùa màng xong, nhà nhà lần lượt tổ chức lễ ăn cơm mới, kéo dài thành “mùa ăn năm uống tháng”, cho đến tận khi dọn rẫy chuẩn bị cho mưa xuống, sản xuất vụ mùa sau.

Hoặc vào dịp cuối năm cũ hay đầu năm mới, các buôn, bon, kon, plei thường có lễ cúng bến nước (cúng giọt nước, uống nước giọt…). Là lễ tạ ơn thần bến nước đã phù hộ cho cả cộng đồng, nên thường tổ chức rất lớn. 

Đây là hai lễ nghi được xếp trong những lễ quan trọng đối với cộng đồng các tộc người Tây Nguyên thường là vào dịp cuối hoặc đầu năm. Có thể coi đó là “ Tết ” ở Tây Nguyên cũng được.

Những lễ này ở Tây Nguyên bao giờ cũng thành hội, vì đây là thời điểm no đủ, lại có âm thanh cồng chiêng, có con vật hiến sinh cho các thần linh, chắc chắn có ẩm thực, có sự gặp gỡ nhà này với nhà khác, dòng họ này với dòng họ kia, làng này với làng nọ.., nên rất vui.

GS. TS Nguyễn Văn Huy: Tôi là nhà dân tộc học nên có dịp dự những cái tết người dân tộc thiểu số. Đúng là mỗi tộc người đều có cách ăn tết riêng của mình... Tết ở Đồng Văn, Hà Giang của người Pu Péo cho tôi một cảm giác khác hẳn. Mùa đông năm đó rét lắm. Người lớn và trẻ em đều không đủ áo ấm. Lửa quan trọng lắm. Khi dừng công việc thì người ta đốt đống lửa mọi người ngồi xung quanh. Trong nhà mặc dù tường trình dầy dặn, bếp lửa vẫn là nơi quần tụ cả nhà và khách khứa. Mọi câu chuyện đời thường hay Tết nhất cũng chỉ quanh quẩn ở đây. Ở trên cao nguyên này mới hiểu hết thế nào là đêm trừ tịch. Một đêm tối đen như mực. Thật tĩnh lặng. Ra khỏi nhà không thấy một tia sáng, không thấy một ánh lửa, không tiếng động nữa. Không có đón tết cộng đồng trong đêm 30. Dường như đêm trừ tịch không có ý nghĩa gì nhiều với người Pu Péo. Thật là rất khác nhau.

Nhà NCVH Chăm Inrasara: Hai thế kỉ sống xen cư và cộng cư với người Kinh, vào mùa Tết, Chăm không “ăn Tết” mới lạ. Nhưng Chăm ăn Tết có khác, đặc kì kiểu Chăm. Tết Ta lẫn Tết Tây, Tết chung Việt Nam lẫn tết dân tộc, ‘Tết’ Ramưwan của người Hồi giáo lẫn tết Katê… Katê hôm nay biến thành lễ hội lớn trong lúc Rija Nưgar càng ngày càng đìu hiu?! Đơn giản, bởi Katê có lên tháp, từ đó lễ dễ biến thành hội. Xã hội hiện đại là xã hội ăn-chơi-du lịch, nên Katê lôi cuốn giới trẻ Chăm, thu hút du khách thập phương, từ đó hai tiếng Katê trở nên nổi tiếng. Mọi người trong cộng đồng Chăm, người ngoài cả trong lẫn ngoài nước cũng chấp nhận nó như thế. Nhận Katê là lễ hội lớn nhất của cả dân tộc, như là Tết Chăm.

 
2.Tết Việt đầm ấm, giàu bản sắc

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Thưa các vị! Quê tôi, Ninh Bình thuộc châu thổ sông Hồng. Ngày 23 Tết, cha tôi đã sửa một cái lễ cúng ông Táo và thả cá chép ra sông tiễn ông lên chầu Giời. Ngày 25, 26 tết các nhà trong làng đã rộn rịch tát cá ao. Sáng 30 tết thì mẹ tôi sai tôi đem nước vôi quét trắng các gốc cây trong vườn, để cây cối cũng ăn Tết. Chiều 30 Tết, người cắt lá dong, người vo gạo nếp, ủ đậu xanh, thái thịt lợn, và quây quanh cái nong… gói bánh chưng. 

GS. TS Nguyễn Văn Huy: Trừ  đuổi cái xấu của năm cũ để đón những cái tốt lành cho năm mới có lẽ là triết lý chung của nhiều dân tộc khi đón Tết. Thường mầu đen biểu tượng cho cái xấu. Ở người Pu Péo, một tộc người chưa đầy 300 người nhưng có tiếng nói riêng, có phong tục riêng cũng vậy. Đêm 30 người ta gói bánh chưng đen để từ giã năm cũ, tống khứ những cái xấu đi và sáng mùng một thì gói bánh chưng trắng để đón năm mới về. Người ta ra tận đầu khe hứng nước vàng, nước bạc mang về nhà.

Nhà NCVH Chăm Inrasara: Trưa 30 tháng Sáu, nghĩa là ngày cuối của nửa năm, Vương phục cổ người dân tộc Raglai anh em cất giữ trên vùng miền núi từ vài trăm năm trước được làm Lễ đón nhận rất long trọng. Để sáng hôm sau vương phục này cùng đoàn hành hương theo lên tháp trong khu vực, hành lễ. Sau đó bà con Chăm ăn Tết ở nhà Cả sư trụ trì đền tháp, tiếp đến là Katê làng, cuối cùng mới tới Katê tại gia đình. Tết Katê có thể kéo dài cả tháng Bảy.
Bánh pei nung, pei dalik, xakaya,... rất đặc trưng Chăm được mọi nhà thi thố nhau làm, suốt tối ba mươi tháng Sáu. Người Chăm không đốt pháo, thay vào đó là các điệu trống Ginơng - 74 điệu cả thảy. Ca-múa-nhạc rộn ràng, múa đơn, tập thể,... Katê rơi đúng vào mùa mưa, mà mưa với vùng đất khô hạn nhất nước là Ninh Thuận thì không khác gì ngày lễ.
 
Nhà NCVH Tây Nguyên Linh Nga Nie Kdăm

 
3. Tết Việt yêu thương

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Tôi có một cái Tết ám ảnh không quên: Ấy là năm 1980 từ Căm Pu Chia về quê ăn Tết, những người lính lên tầu lửa từ ga Sài Gòn. Tầu đầy ngắc hành khách, người ngồi trên nóc, người đứng bậc lên xuống. Tôi có cảm giác tầu rùng mình một cái là người rơi lả tả. Chen tầu, tôi bị mất ba lô, và quân tư trang. Sau 5 năm xa nhà, đi chiến trường trở về, ngoài bộ quần áo đang mặc, đôi giầy đang đi, tôi về quê ăn Tết trong thảm cảnh không tiền bạc, hai tay đút túi quần… Về đến đầu làng, thấy chị gái đang xếp hàng ở cửa hàng thực phẩm mua được nửa cân thịt lợn bạc nhạc theo tiêu chuẩn tem phiếu, mà trào nước mắt. Tôi kể lại chỉ muốn nói, chúng ta đã từng sống một thời khốn khó, nhưng vẫn rất yêu thương.

PGS. TSKH Nguyễn Hải Kế: Tết nào tôi cũng ám ảnh! Chẳng có tết nào không. Năm 8 tuổi, tối 29 Tết, tôi đi sang làng Lau - Kim Lâu cách làng tôi 3 cây số để lấy phần thịt đụng ăn tết. Chờ đến sáng, phần thịt mới chia xong. Sướng quá! Bỏ thịt vào rá, vượt đồng, vừa đi vừa chạy gằn về. Đến nhà, phần thịt rơi đâu mất rồi, chỉ còn khúc dồi dính vào rá!

Nhưng, ám ảnh có lẽ là tết năm 1984 khi tôi còn kiêm nhiệm làm Bí thư đoàn Trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội. Cả Đảng ủy, Ban giám hiệu, Công đoàn, Thanh niên “ xúm” vào lo tết cho cán bộ, sinh viên, phân công trực tết, vệ sinh.. rồi đi với lãnh đạo trường “chúc tết” các bậc cao tuổi,… Trên đường đi, khoảng 2 giờ chiều ba mươi Tết, ông Hiệu trưởng, ông Bí thư Đảng ủy bảo rẽ vào nhà tôi chơi. Tôi vào bếp, bật bếp dầu đặt ấm nước. Quay lên, thấy hai ông đi ra. “Thầy đi đâu ạ?” “Chúng tớ ra ngoài này một chút.”

Tôi vào phòng, vợ và con gái đang sốt nằm trên giường. Bàn thờ lạnh lẽo chưa có hoa quả gì. Hai ông lãnh đạo trường quay trở lại  cùng món quà tết: chai rượu, gói mứt, đặt lên bàn thờ. Tôi cảm động, ứa nước mắt. Cái thời ấy, nghèo đói mà sao con người sống với nhau nhân tình đến thế.

Nhà NCVH Linh Nga Niê Kdăm: Ngày mới tập kết ra Bắc, những cán bộ dân tộc miền Nam ở tại Gia Thượng, Gia Lâm, Hà Nội. Ba tôi lúc đó là hiệu trưởng nhà trường kể lại: Tết Nguyên Đán đến, thương cán bộ miền Nam xa quê, Bác Hồ dặn ba khuyến khích mọi người tổ chức các lễ hội cộng đồng cho đỡ nhớ nhà. Có tỉnh nào đó biếu Bác con nai, Bác cho người mang đến cho trường ăn Tết. Ba tôi đưa xuống nhà bếp nấu một nồi cháo thật to, cả trường đều được ăn. Ngày đó tôi nhỏ lắm, nhưng ấn tượng sâu đậm những cuộc vui, uống rượu cần, đánh ching chêng, nhất là hát múa dân gian các tộc người diễn ra suốt mấy ngày trong trường thì còn đọng lại mãi trong ký ức.
          
GS.TS. Nguyễn Văn Huy: Một lần khi chiến tranh đang diễn ra ác liệt, khoảng 1968-1969, hai thầy trò, giáo sư Đặng Nghiêm Vạn và tôi lên Sơn La nghiên cứu xác định thành phần nhóm tộc người khi đó gọi là Xá. Thủa ấy dân nghèo lắm. Chúng tôi đến bản đúng 30 Tết. Hoa ban trắng tràn ngập, nhưng không thấy chút nào không khí dân bản đón tết. Sáng mùng Một Tết cả bản im ắng. Tầm 10 giờ, bắt đầu có tiếng hú gọi nhau, đàn ông kéo nhau đi vào rừng. Họ nói có tin bắt được lợn rừng.

Người ta mời uống rượu mừng năm mới. Cả mâm chỉ có một chiếc thìa. Mỗi người lần lượt được nhận một thìa súc từ bát thịt. Khách trước, chủ sau. Khách không được cầm thìa mà phải há miệng ra đón nhận như trẻ em được bón cơm. Miếng thịt quý vào miệng, chưa kịp nhai thì mũi đã nhận được mùi thối khăm khẳm. Chúng tôi không dám nuốt và cũng chẳng dám nhổ ra vì như thế là bất lịch sự; sợ gia chủ nghĩ mình khinh họ, vi phạm dân vận. Đành ngậm miệng lại. Chiếc thìa được quay vòng sang những người khác thì mới dám từ từ nhè thức ăn vào tay thả xuống gầm sàn. Cả bữa chỉ dám ăn cơm không. Sau hỏi ra mới biết là con lợn rừng bị chết từ lúc nào. Dân làng khiêng về, đói nên vẫn ăn.

Nhà NCVH Chăm Inrasara: Thuở nhỏ, tôi được mẹ cho đi theo ăn Tết Kinh nhà người quen, sướng không gì bằng. Mấy làng Kinh cách làng tôi hơn cây số với nhiều lối đi, dọc bờ mương, băng đồng mới gặt, lội sông nhỏ. Mẹ đội giạ nếp, tay xách cặp gà tơ. Cùng vài mẹ nữa. Mặt trời vừa quá cây sào, thì tới. Chờ được ‘ăn Tết’, tôi với anh Đạm cứ ngắm cây nêu được dựng lên khắp sân nhà trong làng, xem cây nào cao nhất để đoán xem nhà làm ăn ra sao. Rồi hai anh em chạy tranh nhau lượm mấy viên pháo xì. Trẻ con Chăm mà! Đi ăn Tết, vừa xơi bữa no nê vừa có tiền lì xì với lại được quà bánh mang về. Cánh đồng mênh mông vừa qua vụ mùa, lùa lũ trâu thả đồng, bọn nhóc chúng tôi mặc sức chơi và ăn Tết. Sau Tết, là nhớ Tết. Cận Tết thì nôn nao đợi Tết đến.
 
4. Hồn Tết Việt đang mai một?

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Khoảng 5 năm gần đây, tôi đã rất buồn bã mỗi khi tết đến xuân về. Vì tết đã không còn là Tết nữa. Quê tôi, người ta không còn giã giò, mà tống thịt lợn vào xay. Chẳng còn cảnh chiều Ba mươi vo gạo gói bánh chưng và đêm quây quần thức canh nồi bánh cúng giao thừa. Có tiền là có tất cả. Mọi thứ đều đến chợ, hoặc siêu thị mua, giò lụa chả quế thì đến lò bán giò chả mà mua. Ở Hà Nội, cái làng Đông Mỹ gói bánh chưng quanh năm, đến Tết cũng gói bán cho cả thành phố. Thật xót xa khi kinh tế thị trường, và đời sống công nghiệp đã làm cho cái tết mất dần hồn dân tộc đi.

Nhà NCVH Tây nguyên Linh Nga Niê Kdăm: Tôi lại có một nỗi buồn khác, anh Minh ạ! Trước đây, cuối năm cả buôn Êđê dọn vệ sinh bến nước, rồi cúng Yang, cùng chung vui. Mới đây tôi đến bến nước một buôn ngay thành phố Buôn Ma thuột, bến xưa thì còn đó (có cây to, có ống nước…) nhưng ngập ngụa đủ loại rác. Vì thay đổi tín ngưỡng hết rồi, hàng chục năm nay, vào mỗi cuối năm, có còn ai cúng Yang nữa đâu mà dọn bến nước? Vậy là không chỉ mất đi một lễ hội cộng đồng, mà còn mất cả một sinh hoạt văn hóa vốn rất nhân văn của người Êđê nữa…Hỏi vậy làm sao không buồn?

GS.TS. Nguyễn Văn Huy: Tôi thì nghĩ đấy cũng là chuyện thường tình. Kinh tế phát triển, xã hội thay đổi, nhu cầu con người cũng thay đổi. Làm sao kéo lại những cái không còn phù hợp nữa. Xưa Tết xung quanh bếp núc, bánh chưng, ngọn lửa. Vui đấy mà khổ đấy. Cả năm lo ngày tết, lo từng tấm lá dong, cân gạo, cân đỗ lại ít thịt nữa. Kỷ niệm thì vẫn là kỷ niệm nhưng phải giã từ nó thôi để giải phóng con người. Đừng nghĩ như thế là “mất hồn dân tộc” mà oan cho cái Tết thời nay. Tết thời nay có nét đẹp riêng của nó.

Tết thời kinh tế thị trường phải khác, dứt khoát phải khác thôi. Con người bây giờ có nhiều nhu cầu lắm. Hãy sống cho hiện tại và tương lai. Đừng níu kéo cái đã qua mà không thể trở lại.

Nhà NCVH Chăm Inrasara: Hiện đại hóa với siêu thị, giò lụa hay bánh chưng có sẵn thì chỉ rút ngắn công đoạn thôi. Tôi nghĩ thế. Ta kéo dài chơi Tết khoản khác, xôm không kém. Hồn dân tộc không ngưng đọng hay dậm chân tại chỗ mà luôn luôn biến. Biến tất thông, thông mới cửu. Chủ yếu là ta thêm khẩu phần gì, tăng trò chơi nào để vẫn đậm đà Tết dân tộc Việt Nam.

PGS. TSKH. Nguyễn Hải Kế
 
 
5.Tết và câu chuyện ngoài Tết

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Tôi còn thấy tệ nạn: Tết đồng nghĩa với cơ hội người ta đem rượu ngoại, phong bì đựng đô la đến biếu..., mang động cơ mưu lợi chứ không phải bày tỏ quý mến, kính trọng, hay biết ơn thuần tình cảm. Biếu sếp để mong lên cấp lên chức; biếu người đang nắm quyền, nắm tiền, nắm dự án…để sang xuân còn mưu lợi. 
        
GS.TS. Nguyễn Văn Huy: Các cụ xưa đã đúc kết: “của biếu là của lo”. Câu này chắc chỉ đúng với những người ít ra là còn chút nhân cách tức là còn thấy “lo”. Bây giờ thì nhiều người không còn nhân cách nữa rồi, mà nói như dân gian “càng nhiều vẫn ít”.

Nhà NCVH Chăm Inrasara: Theo tôi, đây là câu chuyện hơi lạc đề. Tết chỉ là một trong vô vàn cơ hội “ơn đề nợ trả” thôi. Đổ cho Tết thì hơi bị… oan. Nếu tiêu cực thì ngay cái lễ nhỏ, nhí nhất cũng xảy ra bao nhiêu tiêu cực. Sinh nhật cháu, giỗ ông ngoại, khai trương cửa hàng, xe hơi mới tậu, phu nhân trúng gió… cũng ra chuyện. Hơi tí cũng có thể ra phong bì, chứ không đợi năm hết Tết đến đâu. Sinh nhật cũng thiêng liêng chán, nhưng khi có phong bì hay quà cáp xen vào cũng thành hư.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Người ta chơi xuân triền miên. Hết 3 ngày Tết rồi, ra Giêng mà cứ chúc tụng, đến cơ quan không làm việc cứ dắt díu nhau từng đoàn đến thăm hỏi nhà này, chúc Tết nhà kia. Nhà nhà dập dìu đi lễ hội, đi cầu may, xin lộc Thánh. Đúng là “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”.

GS.TS. Nguyễn Văn Huy: Nhu cầu đi chơi xuân, thăm đền chùa ngày tết là một nhu cầu tâm linh, nhu cầu văn hóa chính đáng. Cầu may, xin lộc… là một tín ngưỡng cần được tôn trọng. Cần phải cho qua cái thời lúc nào cũng áp đặt người ta “mê tín dị đoan” để tự quyền đánh giá nhu cầu tâm linh người khác, rồi cấm đoán mọi thứ. Luật pháp khi tuyên bố tôn trọng tự do tín ngưỡng, công nhận đa dạng văn hóa thì không thể tiếp tục sử dụng khái niệm “mê tín dị đoan” đã làm hại di sản phi vật thể suốt mấy chục năm nay rồi. Trên thế giới chẳng còn mấy nước sử dụng khái niệm này nữa.

Nhà NCVH Chăm Inrasara: Tháng Giêng là tháng ăn chơi. Việt đã vậy, Chăm cũng không khác gì. Người ta chơi Katê cả tháng. Chơi mà vẫn làm: làm chơi. Dẫu sao, dư hưởng ăn chơi hậu Tết cũng ảnh hưởng không ít đến làm việc và sản xuất. Nhưng cứ thử liếc qua công ty nước ngoài mà xem, ở đó mà đùa. Bạn bị trừ lương thẳng tay, nặng hơn - cho thôi việc là chuyện không có chi phải phàn nàn cả. Vậy, muốn thay đổi một nếp cũ, hãy dám bắt đầu.

6.Đời sống hiện đại thay đổi hồn Tết?

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Chưa bao giờ thời đại công nghiệp và kinh tế thị trường lại can thiệp sâu vào đời sống như hiện nay. Con người sinh ra lười nhác vì các phương tiện thông tin liên lạc. Bây giờ, dùng điện thoại di động, đem nhắn tin, hoặc gọi nói chuyện, thăm hỏi, chúc tụng. Chẳng gặp mặt nhau mà cũng coi như đã gặp. Thế là cũng biết thông tin về nhau, thế là cũng xong nghĩa vụ Tết nhất với nhau. Tưởng là chuyện rất nhỏ, nhưng tôi cảm thấy có điều gì đó lạnh lùng, bất nhẫn quá và tiếc nuối quá.

PGS. TSKH Nguyễn Hải Kế: Nhà văn Sương Nguyệt Minh đa cảm quá! Những xúc giác giàu chất nhân văn của nhà văn, khiến chúng ta cần phải bàn đến cái quan trọng hơn là Văn hóa Tết. Tết - bản chất của nó là gì?

Tết - của nền kinh tế xã hội nghèo, đói, tiểu nông, kém phát triển công nghệ thông tin, kinh tế dịch vụ…lại bị gia tăng trong thời bao cấp, tập trung, hành chính… rồi kết vào trong tiếng Việt về TẾT ấy. Nhưng Tết, qua mọi trạng thái đó chỉ là để chuốc lấy cái mệt mỏi, bực tức, lại nghèo kiết thêm nữa, buồn thêm nữa… thì nhân loại nói chung, người Việt Nam đã bỏ TẾT từ lâu rồi.

Công nghiệp hiện đại, kinh tế thị trường giải phóng sức lao động, và mang hạnh phúc đến cho con người thụ hưởng thú vui ngày Tết là điều đáng mừng chứ. 

Nhà NCVH Chăm Inrasara: Tôi thì nghĩ khác, anh Minh à. Thời hiện đại tiện nghi đủ thứ, là cái lợi, chứ không vấn đề gì cả. Xưa, đi bộ hay xe đạp, mỗi dịp Tết, ta chỉ có thể ghé thăm ba, bốn làng đã là nhiều. Hoặc có khi quanh quẩn vài chục gia đình quen thân trong làng. Nay thì ngược lại, với chiếc xe máy, ô tô, ta có thể vi vu vài tỉnh thành khác nhau, được đi xa hơn, thăm nhiều bạn bè và bà con xa hơn. Không quý sao! Bà con Việt kiều, hôm qua còn ở Pháp, Mỹ, chiều hôm sau đã có mặt tại quê nhà ăn Tết. Thăm thú không hết, ta bắt điện thoại di động hỏi thăm được trăm người, hay riêng một nội dung tin nhắn, ta có thể “Chúc mừng năm mới” cùng lúc cả ngàn người - không sướng sao!? 

GS. Nguyễn Văn Huy
 
 
7. Hồn Tết, bản sắc hay hiện đại?

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Khác hẳn với những cái Tết truyền thống cổ xưa là người đi xa tứ xứ dù bận gì thì bận đến chiều Ba mươi cũng cố trở về quê hương, gia đình đoàn tụ trong 3 ngày tết, quây quần ở nhà cúng tổ tiên. Những năm gần đây, nhiều gia đình khá giả, đưa cả nhà đi nghỉ ở Đà Lạt, Sa Pa, Mũi Né, Bà Nà…nghỉ Tết. Vẫn biết quy luật của đời sống là không thể ngưng trệ, đứng im mà luôn biến đổi. Nhưng, tôi vẫn có cảm giác như đang phải chia tay một cái gì đó gần gũi, rất thân thiết.

Điều này báo động điều gì? Và tín hiệu sẽ là tốt lành hay tệ hại?

GS.TS. Nguyễn Văn Huy: Tôi nghĩ đây là những tín hiệu lành. Nên khuyến khích. Tết nhiều người đi du lịch là điều đáng mừng. Chỉ có điều đáng suy nghĩ là người ta lấy tiền đâu với đồng lương của công chức để có thể đi du lịch thoải mái thế? Những đồng tiền đó có sạch không thôi.

Nhà NCVH Tây nguyên Linh Nga Niê Kdăm: Gia đình chúng tôi có lệ, năm nào trước giao thừa con cháu cũng tụ tập về nhà, quây quần cùng nấu bánh chưng, ăn bữa cơm cuối năm. Đó là lúc ba tôi nghe con cháu kể những công việc làm được và không được trong năm. “Đứa” nào đưa bạn trai, bạn gái về ra mắt, ông sẽ hỏi han tỷ mỷ tình cảm của hai người. Với riêng tôi, ông hỏi: “Có sáng tác bài hát mới không con?”. Ông mất, duy trì được vài năm rồi thôi, nhà nào biết nhà ấy. Tuy nhiên, việc xum họp của mỗi gia đình nhỏ vẫn rất được coi trọng.

Tôi thật sự sốc, khi có một năm con rể lớn của tôi không ở nhà ăn tết với vợ con, mà leo đỉnh Sa Pa cùng bạn bè…Nhưng rồi mãi cũng phải quen,  nhất là khi các con gái lập gia đình, tết phải làm nghĩa vụ với nhà chồng…

Nhà NCVH Chăm Inrasara: Một bộ phận nhỏ thôi. Theo quan sát của tôi. Thành phố Hồ Chí Minh mênh mông là thế, xe cộ kẹt đường là chuyện cơm bữa, nhưng Tết đến, gần như đường sá trống trơn. Mọi người đi đâu? Đổ dồn hết về quê nhà thôi. Có lẽ vài hiện tượng “người nhà quê” chưa có dịp ‘ăn chơi’, ngày Tết mới thèm đi Sapa, Mũi Né… Còn thì hầu hết dân phố chợ đều về quê nhà để ăn Tết. Còn nếu sau một, hai ngày quây quần ở nhà cúng ông bà tổ tiên, rồi cả nhà kéo nhau đến khu du lịch thì càng làm cho không khí Tết đa dạng và phong phú thêm. Mất thì ít thôi, được lại nhiều hơn. Có lẽ thế!

PGS, TSKH Nguyễn Hải Kế: Ấy chớ! Chớ lấy cái những biểu hiện cụ thể của đời sống xã hội ngày hôm qua làm tiêu chí xác định cái HỒN DÂN TỘC hôm nay. Thế này nhé: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.” Như là những hiện vật biểu thị tết của nhiều thời đã qua. Nhưng có cái không còn nữa như tràng pháo, có cái thì khó mà khoái khẩu với hôm nay như bánh chưng, thịt mỡ…

Hồn vía dân tộc không cố định, bất di bất dịch ở những vật thể đó. Nói xa hơn, “dài tóc, đen răng” từng là chứng chỉ đặc điểm trang phục của người Kinh - Việt Nam đến cuối XIX. Quang Trung Nguyễn Huệ sảng khoái ra Hịch đánh quân xâm lược giáp tết Kỷ Dậu (1789) “Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng”…Nhưng đến đầu thế kỷ XX, cả dân tộc lại nghe lời kêu gọi Duy Tân “cúp hề” (cắt tóc), để răng trắng…

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Vâng! Cái gì phù hợp với Hồn Tết dân tộc sẽ tồn tại, cái gì không hợp lý, không phù hợp với thời đại sẽ mất đi. Ngày đầu xuân, chúng ta mong muốn và hy vọng, sẽ mãi mãi tết hồn Việt văn hóa, văn minh, ấm áp tình người, gần gũi, thiêng liêng.

Cảm ơn các vị đã tham gia bàn luận.

Theo Sương Nguyệt Minh/ĐĐK.vn
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất