Chủ Nhật, 24/11/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 6/8/2013 21:31'(GMT+7)

Họp Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế về giáo dục, KHCN

Tại phiên họp, các thành viên ban chỉ đạo đã báo cáo về tình hình hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và khoa học công nghệ 6 tháng đầu năm.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ đã phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng Đề án Hội nhập Quốc tế về Giáo dục và Dạy nghề đến 2020. Đề án nhằm mục đích đến năm 2020, nền giáo dục nước ta cơ bản được đổi mới căn bản, toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế; chất lượng giáo dục được nâng cao; đáp ứng nhu cầu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đề án đang được trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt.

Về việc rà soát, giải quyết cử người đi học về điện hạt nhân, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã sử dụng nguồn học bổng theo diện Hiệp định để cử 70 sinh viên theo học tại Trường Đại học Mefi, Liên bang Nga; 3 thạc sỹ tại trường Đại học Belarrus; 3 tiến sỹ và 1 thạc sỹ tại trường Đại học Năng lượng Matxcơva.

Theo kế hoạch sẽ đưa 40 cán bộ, giảng viên của các cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ sang Hungary thực tập sáu tuần kể từ tháng Chín năm nay tại Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Budapest và Nhà máy điện hạt nhân Pakst.

Đối với đào tạo trong nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai yêu cầu đối với các cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ xây dựng các chương trình đào tạo để phê duyệt trong năm 2013, sau đó sẽ tổ chức tuyển sinh từ năm học 2013-2014. Dự kiến 30 sinh viên/lớp/cơ sở đào tạo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang soạn thảo Đề án xây dựng các trường đại học đạt trình độ quốc tế đến năm 2020; xúc tiến các kế hoạch triển khai xây dựng trường các trường Đại học Việt-Đức, Việt-Anh, Việt-Nhật, Việt-Nga, Trường Đại học Fulbright tại Việt Nam...

Đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục xây dựng pháp luật, cơ chế chính sách, triển khai các chương trình, đề án quốc gia phát triển khoa học, công nghệ, tăng cường năng lực hội nhập quốc tế; đẩy mạnh kêu gọi đầu tư quốc tế phát triển các khu công nghệ cao; tập trung quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa...

Bộ tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ đến năm 2020, xây dựng dự thảo của hai Chương trình thuộc Đề án: Chương trình hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương về khoa học và công nghệ và Chương trình tìm kiếm, giải mã và chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam.

Các chương trình này đang được gửi lấy ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan có liên quan nhằm hoàn thiện trước khi trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2013. Công tác phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ tiếp tục được triển khai theo hướng nâng cao hiệu quả thực thi phát luật về sở hữu trí tuệ, tăng cường năng lực của các cơ quan thực thi quyền để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Công tác quản lý Nhà nước về năng lượng nguyên tử và an toàn bức xạ tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác đào tạo nhân lực phục vụ các dự án nhà máy điện hạt nhân đang được triển khai gấp rút...

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chuẩn bị các định hướng hợp tác chiến lược đối với việc xây dựng các các trường đại học; trong đó, liên quan đến hợp tác về giáo dục đối với Cộng hòa Liên bang Nga để Bộ Ngoại giao chuẩn bị các bước, chuẩn bị cho việc ký hiệp định khung trong chuyến thăm Nga của Phó Thủ tướng trong tháng Chín năm nay. Trên cơ sở đó, Bộ Khoa học và Công nghệ chuẩn bị định hướng hợp tác chiến lược với Nga.

Đối với Đề án Hội nhập Quốc tế về Giáo dục và Dạy nghề đến năm 2020, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội cần tham khảo ý kiến của các cơ sở giáo dục đặc thù, các doanh nghiệp để ban hành khung trình độ quốc gia không bị "vênh" với thực tiễn.

Về chiến lược thu hút người Việt Nam nghiên cứu giảng dạy trong nước, Phó Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao và Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, tổng hợp thành một đề án do Bộ Ngoại giao chủ trì.

Quan tâm đến việc dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ Bộ Ngoại giao cần rà soát lại địa điểm, phương thức, giáo trình, nguồn nhân lực đào tạo tiếng Việt, chủ động phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ liên quan để thực hiện tốt việc này, sớm báo cáo Phó Thủ tướng.../.

Phúc Hằng (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất