(TG) - Trong cuốn sách "Nhân tài với tương lai đất nước", tác giả - TS. Nguyễn Đắc Hưng không chỉ phân tích những bài học lịch sử về việc “chiêu hiền, đãi sĩ” của cha ông ta, mà còn nêu lên những kinh nghiệm phát triển nhân tài ở một số nước trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Cuốn sách “Nhân tài với tương lai đất nước” do TS. Nguyễn Đắc Hưng sưu tầm, biên soạn, Nhà xuất bản Quốc gia ấn hành mới đây đã góp phần tìm hiểu về nhân tài, từ đó thấy rõ vai trò quan trọng của nhân tài, chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài của Việt Nam và một số nước trên thế giới.
Cuốn sách có kết cấu chặt chẽ theo 4 chương: Một số lý luận cơ bản; Ảnh hưởng của văn hóa tới nhân cách của con người Việt Nam; Kinh nghiệm của Việt Nam và một số nước về phát triển nhân tài; Tư tưởng Hồ Chí minh, quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển nhân tài.
Trong lời nói đầu của cuốn sách, tác giả đã viết: Suốt mấy nghìn năm, dân tộc Việt Nam đã hun đúc nên truyền thống quý trọng hiền tài, coi việc phát triển giáo dục, mở mang dân trí, khai phá văn minh là những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để chấn hưng đất nước. Truyền thống quý báu đó được các bậc tiền nhân lưu truyền từ đời này sang đời khác và đã trở thành kế sách của các bậc thánh đế, minh vương trong quá trình trị vì đất nước. Từ ngàn đời nay, lịch sử đã chứng minh quần chúng làm nên lịch sử, nhưng nếu không có những người lãnh đạo tài năng, cùng với đội ngũ nhân tài đông đảo thì không thể tập hợp được lực lượng quần chúng, tạo thành sức mạnh để thúc đẩy xã hội phát triển ngày càng tiến bộ. Đó là chân lý. Và thời nào cũng vậy, nếu biết trọng dụng hiền tài thì quốc gia hưng thịnh, nếu hiền tài bị phụ bạc thì thời kỳ đó “quốc phá, gia vong”. Việt Nam đã trải qua bao sự thăng trầm, nhưng mỗi lần đất nước gặp lâm nguy thì nhân tài xuất hiện càng nhiều để giúp dân, hộ quốc. Nhân tài chính là nhân tố quyết định tới sự hưng vong của mỗi quốc gia, tương lai của từng dân tộc”.
Và để đi đến khái niệm “Nhân tài”, tác giả đã đưa ra những định nghĩa về tiềm năng, khả năng, năng lực, năng khiếu, tài năng, trí tuệ, sáng tạo. Có rất nhiều quan niệm về nhân tài nhưng tựu trung lại, “nhân tài là những người có khả năng vượt trội trong lĩnh vực hoạt động nào đó, là người vừa có đức, vừa có tài”. Điều quan trọng để phân biệt giữa nhân tài và người bình thường là khả năng sáng tạo và mức độ đóng góp cho xã hội. Nhân tài mang trong mình năng lực trí tuệ và những kỹ năng trong cuộc sống hơn hẳn người bình thường cùng với phẩm chất đạo đức trong sáng, tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng.
Trong cuốn sách này, tác giả không chỉ phân tích những bài học lịch sử về việc “chiêu hiền, đãi sĩ” của cha ông ta, mà còn nêu lên những kinh nghiệm phát triển nhân tài ở một số nước trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Tác giả nhấn mạnh “Trong thế kỷ XXI sẽ diễn ra rất nhiều cuộc cạnh tranh khốc liệt, tiêu điểm là cạnh tranh về sức mạnh tổng hợp quốc gia, mà trước hết là những “cuộc chiến” trong lĩnh vực khoa học công nghệ cao và văn hóa. Để chiến thắng trong cuộc cạnh tranh này, các nước đều nhận thấy rằng, nhân tài là nhân tố cốt lõi, là yếu tố quyết định, nên phải xây dựng được nguồn nhân lực có chất lượng cao, nhất là đội ngũ nhân tài trên tất cả các lĩnh vực” (tr.183).
Đặc biệt, trong chương IV chiếm ½ dung lượng của cuốn sách, tác giả đã đề cập đến hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển nhân tài. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới sự nghiệp phát triển nhân tài và công tác giáo dục – đào tạo. Xuất phát từ những quan điểm, tư tưởng cụ thể và bằng những việc làm thiết thực, Người đã quy tụ xung quanh mình rất nhiều nhân tài, có đóng góp lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trên cơ sở kế thừa những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta cũng đặc biệt nhấn mạnh đến công tác phát triển nhân tài, đào tạo đội ngũ cán bộ, trí thức trong giai đoạn mới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nhân tài càng có vai trò quan trọng trong việc đưa đất nước vươn lên đón nhận thời cơ, vượt qua thách thức, hội nhập sâu rộng vào thế giới. Những mục tiêu, nội dung và hình thức đào tạo tài năng của đất nước được xác định với những chính sách và phương pháp cụ thể, đặc biệt là đối với những học sinh năng khiếu, cử nhân tài năng.
Quy trình phát triển nhân tài từ khâu phát hiện và tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng đến sử dụng và đãi ngộ được các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị áp dụng một cách linh hoạt. Nhân tài trong các lĩnh vực khác nhau: trong công tác quản lý xã hội, trong công tác tham mưu, trong doanh nghiệp… có những phẩm chất, tài năng riêng biệt. Bên cạnh việc quan tâm phát hiện, đào tạo nhân tài trong nước, Nhà nước ta cũng có nhiều chính sách thu hút trí thức ở nước ngoài cùng góp phần xây dựng, phát triển đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
Cuốn sách “Nhân tài với tương lai đất nước” với một khối lượng kiến thức đa dạng, phong phú, là một nguồn tư liệu quý nghiên cứu về nhân tài. Những kinh nghiêm của cha ông ta hay bạn bè quốc tế, để về chính sách đối với nhân tài chính là những bài học ý nghĩa cho Việt Nam để phát huy ngày càng tốt hơn vai trò của đội ngũ nhân tài đối với tương lai, vận mệnh đất nước, để nhân tài thực sự là hạt nhân của công cuộc xây dựng đất nước không chỉ hôm nay mà mãi mãi về sau.
Minh Ngọc