Thượng nghị sĩ Pa-trích Lê-hi (Patrick Leahy) từng đảm nhiệm cương vị Chủ tịch thường trực của Thượng viện Hoa Kỳ từ tháng 12/2012 đến tháng 1/2015. Ông Pa-trích Lê-hi được bầu làm Thượng nghị sĩ từ năm 1974 khi mới 34 tuổi. Hiện ông là Thượng nghị sĩ “lão làng” nhất của Thượng viện Hoa Kỳ. Tạp chí giới thiệu cuộc trả lời phỏng vấn của ông dành cho Báo Quân đội nhân dân trước thềm chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ.
PV: Liên quan tới vấn đề chất độc da cam/đi-ô-xin, vừa qua tờ Washington Post có trích dẫn lời trợ lý lâu năm của ngài là ông Tim Ri-xơ (Tim Rieser), nói rằng “… Thượng nghị sĩ Lê-hi tin rằng chúng tôi (Hoa Kỳ-BTV) có trách nhiệm giúp giải quyết vấn đề chất độc da cam/đi-ô-xin”, lý do nào khiến ngài tin như vậy?
Thượng nghị sĩ Lê-hi: Các căn cứ quân sự trước đây của Hoa Kỳ ở Việt Nam bị ô nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin và những thương tật về thể chất và tinh thần nhiều khả năng là do phơi nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin, vì vậy tôi tin rằng, Hoa Kỳ cần hỗ trợ Việt Nam giải quyết hậu quả chiến tranh này. Không riêng gì vấn đề chất độc da cam/đi-ô-xin mà tôi cho rằng, Hoa Kỳ cũng cần giúp Việt Nam giải quyết cả vấn đề bom mìn, vật liệu chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh, vốn đang tiếp tục sát thương nhiều thường dân Việt Nam. Không quốc gia nào thực hiện việc rà phá bom, mìn ở các khu vực từng xảy ra chiến sự như Hoa Kỳ. Bằng việc hỗ trợ giải quyết những vấn đề trên, chúng ta cùng đưa hai quốc gia xích lại gần nhau hơn.
PV: Trong chuyến thăm Việt Nam vào năm 2014, ngài đã đến thăm một số nạn dân chất độc da cam/đi-ô-xin tại thành phố Đà Nẵng. Ngài có thể chia sẻ đôi điều về chuyến thăm này?
Thượng nghị sĩ Lê-hi: Tôi cùng Ma-xen (Marcelle), vợ tôi vốn là một y tá đã về hưu, đến thăm một gia đình có hai người con bị khuyết tật. Chúng tôi cũng đã ghé thăm một trung tâm y tế địa phương và tổ chức trao tặng xe lăn cho người khuyết tật. Chúng tôi đến đó vì muốn tận mắt chứng kiến những khó khăn của các gia đình có con em bị khuyết tật, cũng như những nỗ lực nhằm trợ giúp họ.
PV: Dự án tẩy rửa chất độc da cam/đi-ô-xin tại sân bay Đà Nẵng do Hoa Kỳ hỗ trợ kinh phí đã đem lại kết quả đáng khích lệ. Vậy đối với các khu vực nhiễm đi-ô-xin khác tại Việt Nam như sân bay Biên Hòa thì ra sao thưa ngài?
Thượng nghị sĩ Lê-hi: Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam đã và đang hợp tác chặt chẽ với nhau trong dự án tẩy rửa chất độc da cam/đi-ô-xin tại sân bay Đà Nẵng và chúng tôi hy vọng dự án sẽ hoàn tất vào năm 2018. Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh đã có đóng góp tuyệt vời trong việc giám sát dự án này. Một cuộc khảo sát mức độ ô nhiễm đi-ô-xin tại sân bay Biên Hòa do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ đã hoàn tất và cần tiến hành nghiên cứu thêm để xác định phương pháp xử lý hiệu quả nhất. Tôi hy vọng cả Hoa Kỳ và Việt Nam có thể hợp tác cùng nhau trong dự án tẩy rửa sân bay Biên Hòa, qua đó cùng gác lại vấn đề ô nhiễm đi-ô-xin.
PV: Bên cạnh vấn đề chất độc da cam/đi-ô-xin, việc xử lý bom mìn, vật liệu chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh (UXO) và vấn đề quân nhân mất tích trong chiến tranh (MIA) cũng nằm trong nỗ lực hòa giải giữa hai nước. Đề nghị ngài chia sẻ đôi điều về những vấn đề này?
Thượng nghị sĩ Lê-hi: Kể từ năm 1989, Quỹ Hỗ trợ Nạn nhân Chiến tranh Lê-hi đã được sử dụng nhằm giúp đỡ những người Việt Nam bị khuyết tật do hậu quả của UXO. Phía Hoa Kỳ cũng đã tài trợ cho các chương trình rà phá UXO tại Việt Nam trong nhiều năm qua và tôi hy vọng những nỗ lực này sẽ vẫn được tiếp tục trong thời gian tới.
PV: Công tác tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ngài đánh giá thế nào về triển vọng hợp tác tìm kiếm quân nhân Việt Nam mất tích trong chiến tranh?
Thượng nghị sĩ Lê-hi: Chính phủ Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với chính phủ Hoa Kỳ trong việc xác định vị trí hài cốt quân nhân Mỹ mất tích và người dân Mỹ đánh giá rất cao nghĩa cử đó. Chúng tôi biết rằng vẫn còn nhiều quân nhân Việt Nam mất tích trong chiến tranh và cách đây vài năm tôi cũng đã lập quỹ hỗ trợ xác định danh tính quân nhân Việt Nam mất tích, với sự tham gia của các chuyên gia pháp y của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ về mặt kỹ thuật. Lúc đầu phải mất khá nhiều thời gian để chương trình này được khởi động. Cho đến nay mọi việc đang tiến triển thuận lợi và tôi tin rằng chương trình này sẽ góp phần xoa dịu nỗi đau của gia đình các quân nhân Việt Nam mất tích.
PV: Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã đạt được những bước tiến sau hơn 20 năm bình thường hóa quan hệ. Ngài đánh giá thế nào về đóng góp của việc hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước nói chung trong tương lai?
Thượng nghị sĩ Lê-hi: Việc hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh đóng vai trò then chốt trong quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và tôi cho rằng nó sẽ tiếp tục có vai trò như vậy. Minh chứng rõ nhất cho những bước tiến chúng ta đã đạt được đó là nếu như hơn 20 năm trước, khắc phục hậu quả chiến tranh là trọng tâm hợp tác duy nhất thì đến nay quan hệ hợp tác giữa hai nước đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác.
PV: Tổng thống Hoa Kỳ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) sắp có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam. Đây là cơ hội để hai nước cùng đánh giá quan hệ hợp tác, các cam kết và nỗ lực hàn gắn kể từ khi bình thường hóa quan hệ đến nay. Ngài có suy nghĩ gì về chuyến thăm này?
Thượng nghị sĩ Lê-hi: Tôi đánh giá rất cao cơ hội được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông thăm Hoa Kỳ vào năm ngoái và tôi vui mừng vì Tổng thống Ô-ba-ma sẽ đến thăm Việt Nam. Tôi đã nói chuyện với Tổng thống Ô-ba-ma về những lần thăm Việt Nam của mình, cả về vấn đề khắc phục hậu quả chiến tranh, và tôi chắc chắn rằng người dân Việt Nam sẽ chào đón ngài Tổng thống. Chuyến thăm của Tổng thống Ô-ba-ma là dịp quan trọng để hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng như thương mại và đầu tư; an ninh khu vực; vấn đề khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có vấn đề UXO, chất độc da cam/đi-ô-xin; vấn đề quyền con người. Tôi hy vọng chính phủ hai nước sẽ nhân cơ hội đó thể hiện quyết tâm tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực kể trên.
PV: Trân trọng cảm ơn Thượng nghị sĩ!./.
Bảo Trung-Lâm Toàn (thực hiện)
(Nguồn: Báo QĐND)