(TG)- Trong thời gian qua, hợp tác thương mại, công nghiệp song phương Việt Nam – Campuchia đã có những bước phát triển đáng kể.
Ngày 12/12, tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với Bà Cham Nimul, Bộ trưởng Bộ Thương mại và ông Hem Vandy, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Khoa học và Đổi mới Công nghệ Campuchia nhân dịp chuyến thăm chính Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ Campuchia Hun Manet.
Tháp tùng Bộ trưởng tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các đơn vị Văn phòng Bộ, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Vụ Thị trường trong nước, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Phòng vệ thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Công nghiệp. Tham dự phía Campuchia có đại diện của Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp, Khoa học và Đổi mới Công nghệ Campuchia và Đại sứ quán Campuchia tại Việt Nam.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Thủ tướng Campuchia Hun Manet, khẳng định ý nghĩa to lớn của chuyến thăm kể từ sau khi Ngài Hun Manet được bầu làm Thủ tướng mới của Campuchia. Đồng thời, Bộ trưởng cũng chúc mừng Bà Cham Nimul và Ngài Hem Vandy được bổ nhiệm làm các Bộ trưởng mới của Campuchia từ tháng 8/2023 và bày tỏ tin tưởng hai Bộ trưởng mới sẽ luôn dành sự quan tâm và ủng hộ đối với việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, công nghiệp giữa Việt Nam và Campuchia tương xứng với mối quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa hai nước.
Đáp lại ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, bà Cham Nimul và ông Hem Vandy đều khẳng định các Bộ đối tác phía Campuchia luôn đánh giá cao sự hỗ trợ, phối hợp tích cực của Bộ Công Thương trong thời gian qua nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại, công nghiệp song phương và nhấn mạnh trên cương vị mới, sẽ luôn dành nhiều quan tâm đặc biệt đến việc thúc đẩy thương mại, công nghiệp với Việt Nam và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác chặt chẽ của Bộ Công Thương trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc, hai Bên cũng nhất trí rằng trong thời gian qua, hợp tác thương mại, công nghiệp song phương Việt Nam – Campuchia đã có những bước phát triển đáng kể. Sau khi đạt và vượt mục tiêu kim ngạch thương mại 5 tỷ USD vào năm 2019, bước sang năm 2021, kim ngạch thương mại Việt Nam - Campuchia tiếp tục bứt phá mạnh, đạt 9,54 tỷ USD, tăng 79,1% so với năm 2020. Năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam-Campuchia đạt gần 11 tỷ USD, tăng gần 11% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia đạt 5,75 tỷ USD, tăng 19%; Nhập khẩu của Việt Nam từ Campuchia đạt 4,82 tỷ USD, tăng 2,48% so với năm 2021.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động tiêu cực, 11 tháng đầu năm 2023, kim ngạch thương mại đã đạt gần 8 tỷ USD, mặc dù có sự sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022, thương mại hai bên có nhiều điểm tích cực, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia và là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia trong ASEAN. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu không chênh lệch nhiều, thể hiện Việt Nam rất cởi mở với Campuchia trong thương mại. Campuchia là nguồn cung của nhiều loại nguyên liệu phục vụ cho sản xuất công nghiệp trong nước của Việt Nam. Việt Nam cũng phát triển số lượng đáng ghi nhận các dự án tại Campuchia nhằm cung cấp nguyên liệu phục vụ cho sản xuất các sản phẩm công nghiệp trong nước, đặc biệt là cao su, qua đó góp phần giúp Campuchia ổn định đời sống nhân dân, phát triển kinh tế. Campuchia còn là thị trường tiêu thụ mạnh các sản phẩm sắt thép, vật liệu xây dựng, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng của Việt Nam.
Trên cơ sở đánh giá những khó khăn hiện tại, hai Bên đã thống nhất một số biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại, công nghiệp giữa hai nước, hướng tới mục tiêu kim ngạch cao hơn trong thời gian tới thông qua việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, ký kết mới các khuôn khổ pháp lý về thương mại; phổ biến thông tin về các ưu đãi thương mại song phương, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại; tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin đấu tranh chống buôn lậu qua biên giới; tăng cường trao đổi kinh nghiệp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cơ chế chính sách nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp tại Campuchia. Ba Bộ trưởng cũng nhất trí xem xét cơ chế họp thường niên 3 Bộ để thúc đẩy hợp tác Việt Nam – Campuchia trong lĩnh vực kinh tế thương mại, công nghiệp.
Các Bộ trưởng thống nhất sẽ tiếp tục phối hợp với chặt chẽ để khắc phục những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong quan hệ thương mại, công nghiệp giữa hai nước; đồng thời bày tỏ tin tưởng với nỗ lực, quyết tâm của hai Chính phủ và các Bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ Thương mại và Bộ Công nghiệp, Khoa học và Đổi mới Công nghệ Campuchia, hợp tác kinh tế, thương mại và công nghiệp Việt Nam – Campuchia sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Bảo Châu