Thứ Năm, 28/11/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 5/9/2012 17:14'(GMT+7)

HSBC: Kinh tế Việt Nam đã thoát khỏi điểm nóng

 
Theo HSBC, chỉ số Nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất Việt Nam (PMI) trong tháng Tám biểu thị sự giảm nhẹ các điều kiện kinh doanh, đặc biệt so với mức giảm mạnh trong tháng Bảy. Mặc dù các điều kiện bên ngoài vẫn còn yếu, nhưng nhu cầu cho hàng hóa Việt Nam hiện đang phục hồi. Hoạt động nhập khẩu cải thiện trong tháng Tám cho thấy tình trạng xuất khẩu đang từng bước phục hồi.

Báo cáo đánh giá, điểm cốt yếu của sự phục hồi kết quả hoạt động nhập khẩu của tháng Tám là sự tăng nhẹ các sản phẩm chủ lực như nguyên vật liệu may mặc, sản phẩm điện tử và thép – những thành phần chủ yếu góp phần tăng thu xuất khẩu. Trong khi nhu cầu nội địa còn yếu thì nhu cầu nước ngoài đối với sản phẩm hàng hóa của Việt Nam dường như đang dần phục hồi.

Các chuyên gia của HSBC lạc quan rằng Chính phủ Việt Nam sẽ làm những điều tốt nhất cho nền kinh tế. Những nhà làm chính sách đã chứng tỏ trong quá khứ rằng họ sẵn lòng đối phó với những khó khăn khi cần thiết. Điều này đòi hỏi sự nhẫn nại để cải cách nhằm xử lý nợ xấu và xây dựng một hệ thống kinh tế có thể đạt được hiệu quả hơn.

Theo đó, nếu các nhà làm chính sách xử lý được gánh nặng nợ quốc gia và tăng cường hiệu quả của nền kinh tế thì Việt Nam có thể xây dựng vị thế vững vàng khi tăng trưởng toàn cầu quay trở lại.

"Chúng tôi hy vọng tiêu dùng nội địa sẽ phục hồi nhẹ từ nay cho đến cuối năm, đặc biệt khi tăng trưởng tín dụng thẩm thấu toàn nền kinh tế," báo cáo nhấn mạnh.

Báo cáo của HSBC cũng đánh giá cao Ngân hàng Nhà nước đã minh bạch hơn trong việc công khai tỷ lệ nợ xấu đang trong khoảng 8,6% – 10% tổng dư nợ năm 2012 (tăng so với mức 2% trong năm 2010) và đề ra nhiều phương hướng giải quyết.

HSBC cho rằng, khi các mức lãi suất cơ bản đã được cắt giảm thì Ngân hàng Nhà nước vẫn khá e dè trong việc mạnh tay bơm nguồn vốn rẻ vào thị trường do sự ổn định giá cả vẫn được ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, hiện đang có một số dấu hiệu từ phía Chính phủ cho thấy sẽ có thêm nhiều biện pháp nhằm chấn chỉnh “những thất bại và sự kém hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước”.

HSBC cũng chỉ ra, sự trì trệ đến từ sự hoạt động thiếu hiệu quả của khối doanh nghiệp nhà nước và sự sụt giảm doanh số kinh doanh bất động sản có thể được điều chỉnh khi Ngân hàng Nhà nước tăng tốc quá trình tái cấu trúc ngành ngân hàng. Việc đầu tư thái quá vào bất động sản và các khối kinh doanh không thể mang lại lợi nhuận cần được điều chỉnh và ngay khi những nhà quản lý chính sách có những động thái liên quan tích cực càng sớm chừng nào thì bộ máy nền kinh tế sẽ chạy nhanh chừng đó. Và khi đó khối tư nhân với lực kéo mạnh sẽ có thêm nhiều động lực phát triển.

Báo cáo đánh giá, Ngân hàng Nhà nước đã thể hiện cam kết xây dựng tương lai tươi sáng hơn cho Việt Nam bằng việc kiềm chế tăng trưởng tín dụng trong năm 2011 và thực thi quá trình cải cách ngành ngân hàng.

Yêu cầu gần đây gây áp lực cho các ngân hàng là sắp xếp bảng cân đối kế toán và thể hiện sự minh bạch với tỷ lệ nợ xấu. Những động thái đó đã dự báo được những hoạt động cải cách sẽ đem lại những kết quả tốt đẹp. Thêm nữa, sự cẩn trọng của Ngân hàng Nhà nước khi bơm dòng vốn tín dụng giá rẻ vào thị trường để thúc đẩy tăng trưởng như đã từng thực hiện trước đây đã góp phần nâng cao tín nhiệm của cơ quan này. Số tiền được bơm thông qua thị trường mở đã tương đối chậm lại, mặc dù gần đây có sự tăng nhẹ xoa dịu tình hình thanh khoản.

Theo HSBC, sự nhẫn nại đang được kêu gọi để vượt qua tình trạng nhu cầu thấp cả ở trong và ngoài nước. Với lòng kiên nhẫn và đà cải cách mạnh mẽ, khi mọi chuyện trở nên suôn sẻ hơn, Việt Nam sẽ vững vàng và sẵn sàng cạnh tranh khi nền kinh tế toàn cầu hồi phục trở lại.

Ngân hàng này đưa ra nhận định, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức đáng kể 5,1% trong năm 2012./.

(Vietnam+)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất