Nói đến phát triển công nghiệp ở Vĩnh Phúc, người dân cũng như các nhà quản lý, giới chuyên môn quan tâm nhất đến ngành công nghiệp sản xuất ô tô, xe máy. Đây là ngành tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương có thu nhập ổn định; tạo điều kiện cho người lao động được tiếp cận với khoa học công nghệ hiện đại, phong cách làm việc chuyên nghiệp và còn có ảnh hưởng tích cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của hàng loạt doanh nghiệp khác. Ngành công nghiệp này hàng năm đóng góp tới 70%- 80% nguồn thu ngân sách của tỉnh Vĩnh Phúc.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2012 đến nay, sản lượng cũng như doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy sụt giảm nhanh. Các doanh nghiệp đang loay hoay tìm các giải pháp, chờ các cơ chế chính sách của Nhà nước để tháo gỡ khó khăn.
Theo Công ty Toyota Việt Nam (TMV), từ nay đến thời điểm Việt Nam thực hiện lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu ô tô 0% vào năm 2018 theo cam kết thực hiện Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) không còn xa. Hiện, Việt Nam chưa có chiến lược rõ ràng để phát triển ngành công nghiệp ô tô; thị trường ô tô trong nước phát triển chậm so với nhiều nước trong khu vực và thế giới, khiến các nhà sản xuất trong nước, trong đó có TMV khó mở rộng sản xuất, tăng tỷ lệ nội địa hóa để giảm giá thành sản phẩm.
Ngoài ra, một số loại phí mới nếu được áp dụng, như phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân... sẽ tác động không nhỏ đến thị trường ô tô, trực tiếp là các nhà sản xuất. Nếu không có chính sách kịp thời thì đến thời điểm năm 2018, TMV có nguy cơ thua thiệt lớn, bởi chính các sản phẩm Toyota nhập từ khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là khi "buộc" phải chạy đua với sản phẩm của hãng sản xuất ô tô khác đang nỗ lực phát triển, tìm mọi cách để thu hút, chiếm lĩnh và mở rộng thị trường.
Năm 2011, tuy ở trong thời điểm khó khăn rất lớn bởi sự suy thoái của nền kinh tế thế giới, cùng với thiên tai động đất sóng thần tại Nhật Bản và trận lũ lụt lịch sử tại Thái Lan, đã tác động không nhỏ tới thị trường ô tô Việt Nam nói chung và TMV nói riêng, thế nhưng TMV vẫn dẫn đầu trong các doanh nghiệp ô tô có vốn đầu tư nước ngoài với thị phần đạt 45,3%. Doanh số bán hàng cùng năm đạt 29.729 xe, nâng doanh số bán hàng tích lũy của Công ty kể từ ngày thành lập đến nay lên tới con số xấp xỉ 207.000 xe. Còn Công ty Honda Việt Nam năm 2011 sản xuất hơn 2.500 xe ô tô các loại. Năm 2012, Honda Việt Nam đặt mục tiêu kế hoạch sản xuất 2,3 triệu xe mô tô và hơn 4.000 xe ô tô.
Tuy vậy, theo Sở Công Thương Vĩnh Phúc, từ đầu năm đến nay, sản xuất của các doanh nghiệp ô tô, xe máy gặp nhiều khó khăn. Hiện nay 2 nhà máy sản xuất ôtô của Toyota và Honda Việt Nam đang dẫn đầu về lượng hàng tồn kho với số lượng lên tới hàng ngàn chiếc. Sản lượng sản xuất và bán ra của 2 DN đều giảm mạnh so với cùng kỳ. Riêng công ty Toyota Việt Nam, số xe ô tô tiêu thụ trong 7 tháng đầu năm 2012 đạt trên 11.000 xe, so với cùng kỳ năm 2011 giảm 2.456 xe, lượng xe tiêu thụ đạt 31% so với kế hoạch. Toyota hiện còn tồn kho tới 3.000 xe ôtô và 1.100 bộ linh kiện ôtô.
Công ty Honda Việt Nam , 7 tháng đầu năm cũng chỉ tiêu thụ được trên 500 xe ôtô, giảm so với cùng kỳ 9.917 xe, đạt 15% kế hoạch. Công ty Honda còn tồn 500 ôtô và 70.000 xe máy. Kể cả đối với Công ty Deawoo Bus (Công ty sản xuất xe buýt còn được gọi là Công ty Deawoo Bus Việt Nam ở khu công nghiệp Khai Quang- Vĩnh Yên), lượng xe bán ra chỉ bằng 30% - 40% so với cùng kỳ năm 2011. Hiện tại có tới 30% công nhân của cả 2 công ty trên phải luân phiên nghỉ việc.
Nguyên nhân thị trường ôtô tiêu thu kém được các nhà phân tích cho rằng do: Phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đang được đề xuất, áp dụng ở mức cao; nhiều cơ quan, đơn vị và người dân thắt chặt chi tiêu và mua sắm; suy giảm kinh tế, giá nhiên liệu tăng... Trước tình hình khó khăn này, các doanh nghiệp đang tập trung cải tiến mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm, đề xuất Nhà nước có những cơ chế, chính sách phù hợp, để doanh nghiệp giảm khó khăn, dễ dàng tiêu thụ sản phẩm và tiếp tục ổn định phát triển./.
Nguyễn Trọng Lịch - TTXVN