Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 12/1/2009 21:7'(GMT+7)

Hứa hẹn một năm đầy hứng khởi của nghệ thuật nhiếp ảnh

"Trẻ em vùng cao"-Tác phẩm của Nguyễn Long-một tay máy nghiệp dư của tỉnh Đồng Nai, đã được trao Cúp vàng FIAP 2008

"Trẻ em vùng cao"-Tác phẩm của Nguyễn Long-một tay máy nghiệp dư của tỉnh Đồng Nai, đã được trao Cúp vàng FIAP 2008

Cảm nhận về cúp VAPA 2008

Nếu so sánh với các năm trước, năm 2008 yếu hơn cả về chất lượng lẫn số lượng ảnh dự giải (Năm 2007 có 3 vàng, 6 bạc, 15 đồng; năm 2006 có 1 vàng, 2 bạc, 3 đồng, 20 giải khuyến khích, 10 giải tập thể). Nói yếu hơn vì trong số hơn 100 tác phẩm dự giải, ban tổ chức không tìm được “bức ảnh vàng” nào. Còn về số lượng thì rõ ràng, năm 2008 ít hơn các năm trước về số lượng ảnh tham dự.

Về phong cách cơ bản vẫn lấy “tả chân” và tìm cái đẹp trong từng khoảnh khắc bấm máy làm tiêu chí đánh giá, 2 bức ảnh mang “phong cách” ảnh báo chí là Đồng hànhHẹn gặp lại đoạt giải bạc. Tính nghệ thuật thể hiện ở bố cục, ánh sáng được cho là “độc đáo” như Lấp lánh trên sông, Vườn ươm rau sạch, Tĩnh lặngTiềm năng cho những công trình cũng được đánh giá cao. Nếu xem trọn 15 bức ảnh đoạt giải năm nay (trừ 4 công trình sách ảnh được giải đồng) dễ thấy, đánh giá của Hội đồng nghệ thuật là xác đáng. Nếu như năm 2007 có các “cú chớp máy” ấn tượng gây xúc động người xem như Nụ cười mới, Người công dân mới (Giải vàng), thì năm 2008 những khoảnh khắc đẹp dường như thiếu sức truyền cảm do sự kiện tạo ra. Nụ cười mới chớp được khoảnh khắc em bé Tây Nguyên cười rạng rỡ sau ca phẫu thuật hở hàm ếch, nước mắt long lanh… rất xúc động người xem. Phản ánh sự kiện là thế mạnh của nhiếp ảnh hơn hội họa, tuy nhiên các “tay máy” năm nay dường như còn chưa đạt tới như mong muốn về thế mạnh này. Xin lấy ví dụ, bức Tĩnh lặng có dáng dấp của một bức tranh lụa, do làn hơi sương từ mặt hồ bốc lên, chiếc thuyền in bóng mặt nước. Nhìn góc bấm máy, đủ biết người chụp phải ở một điểm cao dùng ống tê-lê thu hình, nếu không thì phải lơ lửng… trên mặt nước. Ấy là chưa kể tới kỹ thuật điều chỉnh ánh sáng, độ nét v.v.. Khó đấy! Nhưng bức ảnh chưa thuyết phục về mặt nghệ thuật (nếu so với tranh lụa) và chưa đủ sức truyền cảm bởi hình ảnh đó không thuyết phục người xem.

Những bức ảnh đoạt giải khác cũng đạt chuẩn mực về kỹ thuật sử dụng ánh sáng, bố cục, khoảnh khắc bấm máy, tuy nhiên ý tưởng sáng tạo chưa thuyết phục người xem, chưa thật sự xúc động.

Không có trong danh sách giải thưởng của VAPA, nhưng có lẽ cũng phải kể tới 10 bức ảnh đoạt cúp Vàng của Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật Thế giới (FIAP). Đây là một bộ sưu tập đẹp về nét văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh đã tìm được đặc trưng văn hóa trong sinh hoạt qua những khoảnh khắc bấm máy cô đọng và nhân văn: Giã gạo buổi sớm, cùng thưởng thức rượu cần, đua voi, lễ nhà mồ, cầu mùa… hay một ánh mắt trẻ thơ, cụ già, hoặc cách đeo một thứ đồ trang sức của người dân bản địa. Các bức ảnh vượt xa ranh giới của “ảnh tư liệu”, bởi ngoài những thông tin cô đọng súc tích, nó còn truyền tải được cảm xúc tới người xem. Điều thú vị là phần lớn các tác giả đều là nhiếp ảnh nghiệp dư.

Lời thỉnh cầu tới Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam

Ở Việt Nam, Nhiếp ảnh được coi là bộ môn nghệ thuật thứ 8, bảy môn nghệ thuật trước đó là văn thơ, hội họa, âm nhạc, vũ kịch, điêu khắc, kiến trúc và điện ảnh. Nhiếp ảnh có ưu thế khi đưa nghệ thuật tới đại chúng; mọi người có nhiều cơ hội thể hiện tính sáng tạo về nghệ thuật nhiếp ảnh đặc biệt là khi công nghệ kỹ thuật số phát triển. Ông Man-phơ-rét, M.FIAP, có nhận xét: “Việt Nam sẽ có nhiều ảnh đẹp bởi các bạn có quá nhiều chất liệu cho ảnh nghệ thuật, đó là thiên nhiên kỳ diệu, con người hiền hòa thân ái. Tôi nghĩ nếu các bạn có nhiều cuộc triển lãm ảnh thì sẽ tìm được nhiều nghệ sĩ đích thực”.

Thực trạng của nhiếp ảnh Việt Nam trong những năm qua là người chụp ảnh thì nhiều mà “sân chơi” lại ít. Hiện nay VAPA có 804 hội viên, trong năm qua có 14 cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật cấp trung ương, 8 cuộc thi cấp khu vực, 31 cuộc cấp tỉnh… con số đó có thể làm cho nhiều người ấn tượng nhưng nếu so với hàng triệu chiếc máy ảnh bán ra một năm của các công ty máy ảnh hàng đầu thế giới như Nikon, Canon, Kodak, Sony tại Việt Nam, thì dễ thấy sự cập kênh trong hoạt động nhiếp ảnh nước nhà. Tôi đồng tình với nhận xét của một nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh: Không phải cứ chụp vài bức ảnh là trở thành nghệ sĩ nhiếp ảnh. Song, tôi nghĩ rằng trong hàng triệu bức ảnh được “công chúng yêu nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam” chụp cũng cần được xem xét đánh giá. VAPA phải phát huy cao hơn nữa vai trò định hướng thẩm mỹ, phổ biến kiến thức… Ngoài ra, việc lý luận phê bình phải làm rõ được nhiều thuật ngữ, phân biệt giữa ảnh nghệ thuật và “ảnh thường”; có được các quy chuẩn rõ ràng, cũng như một “pho tàng” lý luận chắc chắn dễ cho Hội đồng nghệ thuật đánh giá, dễ cho việc hình thành các khuynh hướng thẩm mỹ trong công chúng.

Trên mạng internet hiện nay có rất nhiều website ảnh, có thể nói đây là những “kênh” quan trọng mang Việt Nam tới gần thế giới. Nhiều website có số người xem cao gấp nhiều lần website chính thức của VAPA. Thiết nghĩ việc đánh giá, phối hợp hoạt động với các website này cũng là việc VAPA nên làm, tránh tình trạng mâu thuẫn trong lý luận “chính thống” hay “phi chính thống”; bên “tháp ngà nghệ thuật” bên “văn hóa đại chúng”.

Trong năm tới, chuẩn bị cho sự kiện 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, cùng với các hoạt động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, VAPA cũng mở các cuộc triển lãm, liên hoan, hội thảo, tọa đàm tổ chức tại 8 khu vực trong cả nước. Đáng chú ý là Đại hội nhiệm kỳ 7 Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức vào quý 4 năm 2009; chuẩn bị cho đại hội FIAP sẽ diễn ra tại Việt Nam vào tháng 9-2010. Những sự kiện đó sẽ thêm vào nhiều “sân chơi nghệ thuật”, hứa hẹn một năm đầy sôi động và hứng khởi của công chúng yêu nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam./.
 
(Theo:Đông Hà/QĐND)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất