Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 5/1/2009 12:10'(GMT+7)

Từ câu chuyện “chụp ảnh- xin tiền”

Chưa nhận được tiền, che mặt không cho chụp ảnh!

Chưa nhận được tiền, che mặt không cho chụp ảnh!

Dừng chân ở bãi đá cổ, một cụ bà bán thổ cẩm đến bên chúng tôi và chìa tay xin tiền. Cô bạn cùng đi trong đoàn chúng tôi vốn hay đùa, không đưa tiền mà chỉ vào một anh lớn tuổi hơn: “Xin ông chủ, ông chủ mới có tiền”. “Ông chủ” bị bất ngờ, móc túi đưa ra tờ 1 nghìn đồng. Người bán thổ cẩm lắc đầu nài: “Cho bà 10 nghìn đi! Ông chủ mà chỉ có 1 nghìn thôi à?”.

Nhìn thấy cảnh các em bé người dân tộc áo váy xúng xính đang đùa nghịch trên đường, mắt các em mở tròn to khi nói chuyện với chúng tôi, rất dễ thương!. Một khoảnh khắc hiếm thấy. Đồng nghiệp của tôi toan giơ máy ảnh lên chụp, mấy đứa trẻ đồng loạt giơ tay che mặt, làm bộ xấu xí và nói: “Phải cho tiền mới được chụp ảnh!”.

Mọi thứ trong chuyến đi đều tuyệt vời, cảnh sắc đẹp, con người dễ mến. Mỗi tội, họ cứ đòi tiền nếu khách chụp ảnh… Thật là hành vi không đẹp.

Năm 2008, trước tình hình kinh tế toàn cầu và trong nước gặp nhiều khó khăn, ngành du lịch Việt Nam cũng bị ảnh hưởng trực tiếp. Trong 6 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2007, nhưng cộng dồn 11 tháng năm 2008, lượng khách quốc tế chỉ tăng 1,1% so với 11 tháng năm 2007. Nhiều thị trường có lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trong nhiều năm qua, sang năm 2008 bị giảm sút như: Hàn Quốc giảm 4,5%, Nhật Bản giảm 5,9%. Tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong cả năm 2008 đạt khoảng 4,2 triệu lượt; khách du lịch nội địa ước đạt 20 triệu lượt.

Nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn và giữ mức tăng trưởng khách du lịch trong năm 2009 là 4 - 5%, Tổng cục Du lịch cũng đã xây dựng dự thảo Đề án Phục hồi và phát triển du lịch trong tình hình mới, đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, có những vấn đề tồn tại mà bấy lâu nay chúng ta đều thấy, nhưng việc khắc phục dường như không thuộc trách nhiệm của ai, như câu chuyện “chụp ảnh- xin tiền” trên đây là một ví dụ.

Vấn đề không hề nhỏ khi người dân chưa ý thức được việc xây dựng hình ảnh thân thiện với khách du lịch và đặc biệt là khách quốc tế. Thậm chí ngay trong cả các cơ sở du lịch, những người làm dịch vụ cũng chưa có được thái độ thân thiện, niềm nở với khách. Có lần tôi chứng kiến một ông Tây thạo tiếng Việt, sau khi thưởng thức món ăn ngon ở một nhà hàng nổi tiếng, đã nhận xét: “Đồ ăn rất ngon. Nhưng người phục vụ bàn rất… nghiêm túc! À mà phải nói chính xác là rất… nghiêm khắc!”. Quả thật, những nụ cười vẫn còn khá ít.

Được biết, mới đây, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với Cơ quan hợp tác phát triển Tây Ban Nha (AECID) triển khai dự án Kế hoạch marketing du lịch Việt Nam giai đoạn 2008 – 2015. Dự án được triển khai dựa trên 3 hướng cơ bản: Xây dựng một kế hoạch marketing phù hợp với những yêu cầu thực tiễn của phát triển du lịch Việt Nam; đào tạo hướng dẫn nhóm công tác Tổng cục Du lịch thực hiện các nhiệm vụ marketing; xây dựng mạng lưới năng động gồm các thành phần đang hoạt động trong ngành để cùng với cơ quan quản lý nhà nước phát triển mô hình du lịch Việt Nam bền vững. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng hình ảnh và thương hiệu của du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Thời điểm khó khăn này có lẽ cũng có mặt tích cực, là lúc để chúng ta nỗ lực hơn, quyết tâm hơn trong việc xử lý những tồn tại bấy lâu để xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa và lịch sử Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Có như vậy, ngành du lịch mới phát triển bền vững và mang lại lợi ích xứng đáng cho chính chúng ta./.

(Theo: VOVNews)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất