- Người ta vẫn nói có "tính cách Hà Nội, tính cách Thủ đô". Với cương vị nhà Hà Nội học, ông có thể cho bạn đọc một cái nhìn khái quát về tính cách đó được không?
- Thực ra, vùng nào cũng đều có nét văn hóa riêng, đều có người thanh, kẻ lịch. Nhưng Hà Nội với bề dày nghìn năm tuổi, cả nghìn năm đô thị hóa, thu hút nhân tài bách nghệ bốn phương, lại có giao lưu quốc tế, thời sau thường xuyên hơn, lắm vẻ hơn thời trước, lại là kinh thành, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn nhất nước, cũng có nghĩa là thịnh vượng hơn các vùng khác, tạo ra nền tảng vật chất cao hơn, cho nên đặc trưng của văn hóa Thăng Long - Hà Nội là tính cách tinh hoa.
Ngoài ra, Kinh kỳ còn là nơi thu hút, hội tụ tài nghệ trong sự chọn lọc có vẻ bình yên nhưng khá ngặt nghèo, nên cái gì còn lại, phát triển được chính là cái tiêu biểu, cái tinh hoa. Những gì xoàng xĩnh, vô bổ sớm muộn đều bị đào thải. Cư dân tứ xứ về Hà Nội, ban đầu đem theo những phong tục, lề thói địa phương nhưng theo dòng đời được chắt lọc, nâng cao, trau chuốt trong khung cảnh văn hóa Kinh kỳ mà thành ra nếp sống Tràng An. Những lề thói dở thì rơi rụng, bị bào mòn dần theo thời gian. Vì thế, tinh hoa văn hóa Thăng Long - Hà Nội là thực tế được lịch sử khẳng định.
- Gói trọn trong 2 chữ "tinh hoa", song những biểu hiện đặc trưng văn hóa đó hẳn có thể cụ thể hóa? Và theo ông, hiện nay, những đặc trưng đó còn, mất ra sao?
Biểu hiện của đặc trưng văn hóa đó là sự tôn trọng các giá trị tinh thần, đạo lý trong làm ăn, ứng xử cũng như sinh hoạt hằng ngày; từ ăn, mặc, ở, nói năng, đi lại đến thưởng ngoạn văn hóa nghệ thuật. Người Hà Nội chính hiệu phải là người mà từ trang điểm, phục sức, nói năng, giao tiếp, ứng xử, làm lụng, hưởng thụ nghệ thuật... đều được chăm chút, cân nhắc, tề chỉnh, không buông tuồng, trễ nải.
Vài chục năm trở lại đây, những biến động có ảnh hưởng lớn đến hệ văn hóa Hà Nội đương đại, trước hết là sự xáo trộn cư dân, với những tác động của văn hóa, lối sống ngoại nhập chưa kịp tự điều chỉnh. Hiển nhiên, một hiện tượng thu nhận mạnh mẽ các luồng nhập cư từ mọi miền xuôi ngược như thế, thực tế cũng có những đóng góp tích cực, thậm chí đẹp đẽ cho văn hóa Hà Nội, song không thể không làm cho "guồng máy" tiếp nhận lối sống từ khắp các địa phương cho hệ văn hóa Hà Nội phải "vận hành" với một "công suất" rất cao.
Sự tiếp nhận ở mức độ như vậy mà lại diễn ra trong một thời gian nhanh chóng và gấp gáp, tất yếu dẫn đến sự hòa tan hoặc pha loãng yếu tố căn cốt của hệ phong tục tập quán Hà Nội hay làm cho nền văn hóa Hà Nội phải chịu sự tiếp nhận "quá tải" trong một mặt bằng dân trí đang bị xáo trộn lại vừa có phần bị "thả nổi" với cơ chế thị trường. Đấy là điều kiện để không chỉ xu hướng "pha loãng" mà cả xu hướng "kéo lùi" ngày càng rõ nét, đặc biệt là ở lĩnh vực ứng xử xã hội đang làm băng hoại nếp sống thanh lịch ở nơi vốn "lắng hồn núi sông ngàn năm".
Cho nên, rất cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết là sự chăm lo và cố gắng mới để tiếp tục xây dựng, định hình và kiện toàn cho hệ phong tục Hà Nội hiện đại nói chung, lối sống văn hóa nói riêng, trên một mặt bằng dân trí ổn định và ngày càng nâng cao.
- Sự cần thiết và cấp bách mà ông vừa đề cập đến phải chăng trở nên "hơn bao giờ hết" sau khi mở rộng địa giới Thủ đô?
- Những địa phương vừa hợp nhất với Hà Nội vốn là xứ Đoài và xứ Sơn Nam, đã có những nền văn hóa, văn hiến cổ truyền phong phú. Trong thực tế lịch sử, chính những địa phương đó đã từng làm giàu cho văn hóa, văn hiến Thăng Long - Hà Nội, từng chi viện cho Kinh kỳ biết bao anh hùng hào kiệt: Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Nguyễn Trãi, bao danh nhân văn hóa: Phùng Khắc Khoan, Ngô Sĩ Liên, Phan Huy Chú, Tản Đà, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Ngược Pháp, Nguyễn Gia Trí... lại còn bao nhiêu nghề thủ công nổi danh: thêu Quất Động, sơn Bình Vọng, tiện Nhị Khê, lụa Vạn Phúc... rồi còn bao thắng cảnh: chùa Hương, chùa Thầy, Ba Vì...
Cho nên, nay hợp nhất thì về văn hóa là một mối giao hòa đẹp đẽ. Tuy nhiên, về kinh tế thì có chênh nhau, mà kinh tế tất có ảnh hưởng đến đời sống văn hóa. Đây chính là thử thách của thành phố, cũng là lúc "đường dài mới biết sức ngựa", là lúc đo sức lãnh đạo và quản lý của những người có trách nhiệm. Hãy tin tưởng và hy vọng!
- Cùng với tin tưởng và hy vọng, theo ông cần phải quan tâm nhất đến vấn đề gì?
- Là con người! Xã hội tiến lên được là nhờ con người có chịu tiến lên hay không. Chính vì thế, thành phố đã có chương trình xây dựng con người Hà Nội văn minh, thanh lịch.
Văn minh, tức là con người phải nhìn mọi vấn đề từ bối cảnh toàn cầu hóa và kinh tế tri thức, không ngừng học tập và suy nghĩ sáng tạo trong mọi hoạt động của mình. Người Hà Nội hôm nay phải có quyết tâm không ngừng nâng cao trí tuệ, sự hiểu biết. Một thành tố khác của văn minh là sự hiếu học. Trí tuệ và hiếu học là con đường dẫn đến văn minh.
Còn thanh lịch là thuộc tính của lối sống có văn hóa. Từ trang phục, ẩm thực, cư trú, giao tiếp xã hội đến hưởng thụ nghệ thuật đều đòi hỏi đạo lý. Trong nói năng, ứng xử, trong nếp sống hằng ngày, trong công sở, học đường… Người thanh lịch là người biết giữ gìn, biết đề cao chuẩn mực đạo đức xã hội.
Bởi thế, tôi rất mong chương trình trên sớm được hoàn thành, để Hà Nội thực sự là Thủ đô mẫu mực.
- Xin cảm ơn ông!
Kim Thoa -Ha Noi Moi