(TCTG) - Đánh giá nền âm nhạc của một quốc gia, người ta nhìn vào sự phát triển, vai trò của khí nhạc hơn là thanh nhạc. Ở nước ta, tuy những năm gần đây ngành âm nhạc đã cố gắng quan tâm đến nhạc không lời, nhưng cần thấy trong một thời gian dài nữa - có thể hết cả thế kỷ XXI - tạo nên diện mạo chính của đời sống âm nhạc vẫn trông cậy chủ yếu vào ca khúc, vì lẽ dễ hiểu là ta chưa có truyền thống khí nhạc, đại bộ phận công chúng chưa có thói quen nghe nhạc không lời.
Âm nhạc là loại hình nghệ thuật của thời gian, tức là vào trái tim con người bằng âm thanh, phải nhờ có một khoảng thời gian nhất định đủ cho tác phẩm vang lên (vài phút đối với một bài hát, bản nhạc ngắn, hàng giờ đối với một tác phẩm giao hưởng, ôpêra). Nó khác với tạo hình nghệ thuật của không gian, tức là tác phẩm cần một bề rộng, chiều cao, cả độ sâu cần thiết - chiếm một không gian nhất định - để người ta cảm nhận giá trị tác phẩm.
Âm nhạc vào trái tim con người qua tai, vậy nên loại hình nghệ thuật này chủ yếu để nghe, chứ không thể và không cần thêm yếu tố gì khác. (Nghe âm chứ không thể nhìn hoặc nắm bắt âm được). Người sành âm nhạc khi thưởng thúc một bài ca, bản nhạc thường lim dim hoặc nhắm nghiền mắt lại. Không hẳn vì họ sung sướng, ngây ngất, bởi kể cả nghe một tác phẩm dở - chẳng thể hứng thú - họ cũng như vậy. Vì sao? Vì như thế họ sẽ được hoàn toàn tập trung chìm đắm vào thế giới âm thanh, không bị chi phối bởi bất cứ hình ảnh nào, nếu mở mắt sẽ phải nhìn thấy. Nhắm mắt lại, chỉ có âm thanh vang bên tai, đưa họ vào thế giới trừu tượng do tác phẩm diễn tả, biểu hiện. Bởi vậy, một tác phẩm âm nhạc có giá trị đích thực thì tự thân âm nhạc (gồm các yếu tố: giai điệu, tiết tấu, hoà thanh) đã đi vào trái tim người thưởng thức qua lỗ tai mà chẳng cần bất cứ một yếu tố nào hỗ trợ. Tác phẩm đó chỉ cần vang lên là người ta đã thích thú. Tất nhiên cần đánh giá cao vai trò người biểu diễn (người hát đối với bài hát, người đánh đàn đối với tác phẩm không lời), nhưng bản thân đã có giá trị độc lập. Một bài dân ca hay như Cây trúc xinh, hoa thơm bướm lượn (Quan họ Bắc Ninh), Đi cấy (Dân ca Thanh Hoá) chẳng hạn, được giọng người cất lên, chỉ cần hát chuẩn xác giai điệu và tiết tấu đã đủ người nghe cảm nhận đựơc cái hay cái đẹp của tác phẩm. Một ca khúc như: Bài ca hy vọng (Văn Ký), Quê em (Nguyễn Đức Toàn), Con kênh xanh xanh (Ngô Huỳnh), có giá trị vĩnh hằng, bất cứ ai hát, chỉ cần hát chính xác và truyền cảm cũng đủ cho người ta thích thú. Những tác phẩm thanh nhạc vừa dẫn chỉ là số ít ỏi trong vô vàn bài dân ca, ca khúc hiện đại không thể kể hết. Những bài ấy đến với người nghe và sống mãnh liệt trong lòng họ, lại còn được lưu truyền mãi mãi qua nhiều thế hệ là từ sự truyền miệng (đối với dân ca), và phát trên sóng phát thanh hoặc thu băng đĩa (đối với những ca khúc mới). Sự trường tồn của nó đâu phải nhờ ở việc trình dĩên trên sân khấu hoặc trên màn hình? Còn khi những tác phẩm đã trở nên quá quen thuộc thì các nghệ sĩ đưa lên sân khấu hoặc truyền hình để trình diễn lại là việc khác.
Đã thấy xuất hiện một hiện tượng chẳng lấy gì làm khó hiểu: Những tác phẩm giá trị, nghe trên đài, trong đĩa băng tiếng thì thấy hay, nhưng trình diễn trên sân khấu, truyền hình thì lại giảm bớt hứng thú. Người xem không thấy hay như trước đây đã nghe. Đó là điều thần diệu riêng có lẽ chỉ âm nhạc mới có. Âm thanh thì trừu tượng mà đưa lên thành hình ảnh thì đã trở nên cụ thể, làm hạn chế khả năng liên tưởng, tưởng tượng của người thưởng thức.
Âm nhạc thực sự có giá trị là âm nhạc để nghe, không cần xem như vừa nói. Đáng tiếc là hiện nay, thứ âm nhạc này ngày càng ít đi, mất dần, để nhường chỗ cho một thứ âm nhạc khác mà nếu chỉ nghe thì vô cùng sơ sài, nghèo nàn nếu không nói chỉ là mớ âm thanh nhộn nhạo, hỗn độn, rất khó rung động con tim. Nhưng nó đã nhờ vả được các yếu tố khác hỗ trợ: Cách trình diễn của diễn viên cộng với trang phục của họ cùng ánh sáng, nhiều khi thêm sự phụ hoạ của loại hình nghệ thuật khác (múa), lại có thêm cả những hỗ trợ như đèn chiếu, có lúc giống xi-nê-ma. Tất cả những thứ ấy được bày biện phô trương trên sân khấu hoặc màn hình - có thể coi như sân khấu gián tiếp thu nhỏ - để người ta xem nhiều hơn nghe. Hãy thử nghiệm- và cũng đã làm rồi- việc sau: Cùng lúc phóng viên Đài phát thanh và Truyền hình đến thu thanh và ghi hình một đêm biểu diễn ca nhạc nào đó - ở Cung văn hoá Hữu Nghị chẳng hạn - rồi phát trên đài phát thanh và truyền trên dài truyền hình. Xem ti vi thì thấy vui mắt, còn nghe đài phát thanh thì không thể chịu nổi. Đó thực là thứ âm nhạc giải trí, phục vụ sinh hoạt cho người ta vừa xem vừa có thể nói chuyện, cắn hạt dưa hạt bí, hoặc nhai tóp tép một cái gì đó, chẳng phương hại gì đến việc tiếp thu tác phẩm. Nhưng xin đừng ai án ngữ, che khuất mắt họ vì như vậy họ không nhìn được những thứ vui mắt trên sân khấu. Không thiếu những tiết mục ca nhạc loại này xuất hiện trên sân khấu, nhưng người xem chẳng nhớ là bài hát gì, âm điệu ra sao, vì mải nhìn dàn vũ nữ ăn mặc “quá nghèo” sơ sài ra “ngọ nguậy, lượn lờ” như những con sâu. Sự xuất hiện của dàn vũ nữ minh hoạ ấy tuy nhiều khi vô lý nhưng lại đóng vai trò chính hấp dẫn người xem. Những ca khúc quá ư dễ dãi với những đường nét giai điệu sáo mòn dông dài, lời lẽ thì thô sơ tuỳ tiện rất ít giá trị văn học; tổng giá trị thẩm mỹ chung của tác phẩm thanh nhạc quá nhẹ đồng cân - nếu không nói là phản thẩm mỹ - đang có khuynh hướng lan tràn, chế ngự các sân khấu ca nhạc hiện nay. Và lẽ dễ hiểu là nó cũng được đưa luôn lên truyền hình, vì thực hiện những chương trình sẵn có này là sự thuận tiện cho các đài truyền hình. (Về khía cạnh này, có thể thông cảm được cho công việc cuả các nhà đài với những chi phí không nhiều mà lại vẫn có nhiều chương tình để phát sóng.)
Đánh giá nền âm nhạc của một quốc gia, người ta nhìn vào sự phát triển, vai trò của khí nhạc hơn là thanh nhạc. Ở nước ta, tuy những năm gần đây ngành âm nhạc đã cố gắng quan tâm đến nhạc không lời, nhưng cần thấy trong một thời gian dài nữa - có thể hết cả thế kỷ XXI - tạo nên diện mạo chính của đời sống âm nhạc vẫn trông cậy chủ yếu vào ca khúc, vì lẽ dễ hiểu là ta chưa có truyền thống khí nhạc, đại bộ phận công chúng chưa có thói quen nghe nhạc không lời. Nhưng cần chú trọng phát triển loại ca khúc để nghe chứ không phải loại để xem. Tất nhiên thứ ca khúc phục vụ cho sinh hoạt, nhất là đáp ứng tuổi trẻ trong những cuộc liên hoan tập thể, hội diễn văn nghệ, ngày hội hè... vẫn cần có, nhưng không thể lấn át loại ca khúc để nghe. Tình hình hiện nay là đang có sự ngộ nhận rõ rệt về tính chất phong phú, sự phát triển, “tài năng” hiệu quả đóng góp của loại ca khúc này cùng những người sáng tác ra nó. Những ca khúc để xem này, vì còn phải nhờ cậy ở quá nhiều yếu tố khác hỗ trợ như đã nói ,nên tự thân nó chẳng thể tồn tại độc lập. Cũng chính vì thế nó không thể có khả năng đề cập đến những vấn đề có tư tưởng lớn của dân tộc, những khía cạnh phong phú sâu sắc nhất của nội tâm con người. Các đài truyền hình từ trung ương đến địa phương nên hạn chế bớt những chương trình kiểu này. Hãy cứ để các sân khấu, nhà hát, các rạp, tụ điểm trình diễn là đủ. Nên thay thế bằng việc giới thiệu nhiều chương trình âm nhạc loại để nghe như đã nói. Một câu hỏi sẽ xảy ra: Vậy đưa lên truyền hình loại để nghe thì người ta xem gì? Xin thưa: hãy cho người ta xem mặt mũi diễn viên cùng phong cách hát, thể hiện tác phẩm của họ. Và nhiều hơn nữa là lồng vào những cảnh phù hợp với nội dung bài hát, nhất là thiên nhiên đất nước. Còn để phục vụ nhu cầu xem của khán giả truyền hình thì đã có các lọai hình nghệ thuật khác: Phim, sân khấu, múa, xiếc, ảo thuật... Bên cạnh đó, gia tăng số lượng và chất lượng âm nhạc ở đài phát thanh để người ta có thể thuần tuý chỉ nghe. Tất nhiên phải là việc giới thiệu những tác phẩm loại này, chứ không phải loại để xem. Đó là chưa nói đến việc làm này sẽ đáp ứng một thực tế: Số đông người Việt Nam hiện nay vẫn trông nhờ ở phát thanh hơn truyền hình, vì những vùng nông thôn, nhất là vùng sâu vùng xa, người ta dễ gì ngồi được trước màn hình?
Với tình hình như đã nói, hiện nay, nền văn hoá âm nhạc của ta có nguy cơ xuống cấp với việc phát triển tự phát loại âm nhạc để xem phục vụ giải trí, sinh hoạt mà ít có những tác động tư tưởng tình cảm mạnh mẽ sâu sắc - điều mà ta vẫn thường bắt gặp ở nhiều tác phẩm những giai đoạn trước đây. Cần nhớ rằng tuổi trẻ chỉ là một bộ phận cuả công chúng; và ngay cả tuổi trẻ nhiều người cũng không thoả mãn với loại ca khúc chỉ thuần tuý giải trí. Họ vẫn có nhu cầu được thoả mãn về thẩm mỹ, về sự nâng cao tư tưởng, tâm hồn, cũng như những công chúng không còn trẻ lại càng cần giải trí. Chỉ có điều là họ tìm đến cái gì mà thôi. Dù thế nào chăng nữa, vẫn phải là nghệ thuật với những chuẩn mực thẩm mỹ nhất định, chứ không thể dễ dãi tuỳ tiện, chưa phải là nghệ thuật đích thực.
Việc “lăng xê” “tôn vinh” quá đáng một số chương trình âm nhạc giải trí cùng một vài tác giả chuyên sáng tác loại bài hát để xem đã khiến người ta ngộ nhận rằng: Âm nhạc hiện nay phải như thế, và người sáng tác ra nó mới là tài năng. Nhưng hãy thử làm một cuộc điều tra xã hội học thực sự, hãy trưng cầu ý kiến tất cả công chúng thuộc đủ mọi lứa tuổi, tầng lớp xã hội xem sao? Tin rằng số đông công chúng vẫn thích tìm đến loại âm nhạc để nghe mà hiện nay bị xao lãng.
Trách nhiệm thuộc về ai? Dĩ nhiên là không thể chủ quan võ đoán để nói là tại công chúng ưa thích, mà là ở những cơ quan, đoàn thể có trách nhiệm quản lý tổ chức, tuyên truyền giới thiệu các hoạt động âm nhạc.
Xin hãy trả lại quyền được thưởng thức âm nhạc đúng chức năng cuả loại hình: để nghe./.
Nguyễn Đình San