Cụ thể hóa Chỉ thị của Trung ương, của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng và triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, ban hành cơ chế, chính sách phát triển công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Hội Khuyến học tỉnh được công nhận là hội đặc thù.
Giai đoạn 2006-2016, Hội Khuyến học tỉnh tổ chức 3 kỳ Đại hội (II, III, IV). Sau mỗi kỳ Đại hội, Ban Chấp hành Tỉnh Hội thường xuyên chăm lo công tác củng cố, kiện toàn tổ chức hội các cấp, coi đây là khâu quan trọng nhất trong công tác phát triển hội. Đến nay, Hội khuyến học đã trở thành tổ chức xã hội rộng lớn với 4.355 tổ chức cơ sở. 10/10 huyện, thành phố, 161/161 xã, phường, thị trấn thành lập hội khuyến học; 100% trường học thành lập chi hội khuyến học; 100% thôn, làng thành lập chi hội khuyến học, ban khuyến học. Cùng với đó, Hội khuyến học các cấp đã đẩy mạnh việc vận động kết nạp hội viên. Trung bình mỗi năm số hội viên tăng từ 7-10%, đến nay số hội viên toàn tỉnh đạt trên 150 nghìn người, chiếm khoảng 13,5% dân số. Hằng năm, Hội khuyến học các cấp phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể hướng dẫn đăng ký, bình xét, tôn vinh gia đình, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học tiêu biểu trên địa bàn. Hết năm 2016, toàn tỉnh có 4 vạn gia đình, trên 1.000 dòng họ hiếu học, trên 600 cộng đồng khuyến học.
Những năm qua, hội khuyến học các cấp tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động các đơn vị kinh tế, tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm, cán bộ, công chức và nhân dân chung tay ủng hộ Qũy khuyến học. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 37 tỷ đồng quỹ hội, bình quân 30.000 đồng/người (năm 2006 là 3 tỷ đồng, bình quân 5.000 đồng/người; năm 2011 là trên 10 tỷ đồng, bình quân 9.000 đồng/người). Qũy khuyến học của các ban, dòng họ khuyến học ngày càng phát triển, tiêu biểu như: Qũy khuyến học Dương Quảng Hàm (huyện Văn Giang); Qũy khuyến học xã Bình Minh (huyện Khoái Châu); Qũy hội Trường THPT Ân Thi (huyện Ân Thi). Việc quản lý và sử dụng quỹ được thực hiện đúng luật, đúng mục đích theo điều lệ Hội, tập trung hỗ trợ cho các hoạt động giáo dục - đào tạo, tặng thưởng cho tập thể, cá nhân làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài, gia đình hiếu học; các thầy giáo, cô giáo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có thành tích xuất sắc trong công tác và học tập...
Triển khai Đề án thành lập Trung tâm học tập cộng, đến nay, 161 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thành lập, duy trì hoạt động. Ngoài nguồn ngân sách hỗ trợ của nhà nước, hằng năm các trung tâm học tập cộng đồng đã huy động thêm nguồn kinh phí từ các chương trình khuyến nông, khuyến công, các dự án, đề tài, cơ sở sản xuất kinh doanh... để phục vụ hoạt động giảng dạy, học tập.Ngoài trọng tâm tuyên truyền, phổ biến những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những quy định của tỉnh, của địa phương, các trung tâm học tập cộng đồng còn tập trung vào bồi dưỡng, phổ biến kiến thức, chuyển giao, ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất và cuộc sống. Nổi bật trong thời gian qua là các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng giống cây dâu mới; giới thiệu phương pháp, kỹ thuật chiết, ghép giống nhãn mới cho năng suất cao; kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa, trồng và chăm sóc rau an toàn; kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại lúa, nuôi trồng thủy sản; đào tạo một số ngành nghề thủ công thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Ủy ban nhân dân tỉnh đã cụ thể hóa, ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhằm đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập qua việc xây dựng và triển khai Đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 -2020; Đề án Xóa mù chữ đến năm 2020. Công tác động viên cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được chính quyền hỗ trợ theo Quyết định số 21/2007/QĐ - UBND ngày 27/12/2007; Quyết định số 15/QĐ - UBND ngày 01/9/2015. Nhờ đó, ngày càng nhiều cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trong ngành Giáo dục và Đào tạo được cử đi học tập, bồi dưỡng. Qua đó, từng bước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong công tác tuyển dụng công chức, viên chức, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên đã xây dựng, triển khai một số cơ chế, chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp ra trường về công tác tại tỉnh, góp phần bổ sung nguồn nhân lực cao phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác thi đua, khen thưởng nhằm động viên, khuyến khích, tôn vinh trí thức, cán bộ giáo dục, giáo viên, học sinh, vận động viên, người lao động được coi trọng. Năm 2008, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Đoàn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh ký kết Chương trình liên ngành hỗ trợ, khuyến khích thanh niên, học sinh, sinh viên trong học tập, giai đoạn 2008-2010; tỉnh ban hành Quy chế ghi sổ vàng tại Văn Miếu Hưng Yên; năm 2009, ban hành “Quy chế giải thưởng Phố Hiến” cho lĩnh vực khoa học - công nghệ và văn hóa - nghệ thuật. Hằng năm, các người có thành tích xuất sắc trong giảng dạy, học tập, lao động, thi đấu được tuyên dương, khen thưởng; học sinh giỏi Trường THPT Chuyên Hưng Yên được tỉnh trao học bổng hằng tháng.
Tuy nhiên, công tác củng cố, phát triển hội, hội viên ở một số địa phương, đơn vị còn chậm; phong trào khuyến học phát triển chưa đồng đều ở các địa phương; qũy khuyến học phát triển chậm. Cán bộ hội khuyến học huyện và cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm, thời gian dành cho hoạt động hội còn hạn chế, chế độ đãi ngộ khó khăn. Cơ sở vật chất phục hoạt động hội còn thiếu. Hoạt động của một số trung tâm học tập cộng đồng chưa đi vào chiều sâu, nội dung giáo dục chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn của nhân dân. Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém chủ yếu do nhận thức và trách nhiệm của một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa đầy đủ; một số huyện, thành phố thiếu quan tâm tới xây dựng, kiện toàn tổ chức hội. Vai trò nòng cốt của hội, nhất là hội cơ sở chưa được phát huy. Nguồn kinh phí nhà nước đầu tư thấp, cơ sở vật chất thiếu, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của các cấp hội khuyến học
Để tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, phấn đấu 75% gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình học tập”; 52% dòng họ được công nhận danh hiệu “Dòng họ học tập”; 65% cộng đồng (thôn, làng, tổ dân phố và tương đương) đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”; 60% các tổ chức, cơ quan, trường học, đơn vị, doanh nghiệp đạt Danh hiệu “Đơn vị học tập”, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và Hội Khuyến học các cấp cần triển khai một số nhiệm vụ
Thứ nhất, cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể tiếp tục quán triệt sâu sắc mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Chỉ thị số 11 - CT/TW và Chỉ thị số 07 - CT/TU; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp mới phù hợp đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương, đơn vị; lồng ghép với thực hiện Chương trình hành động số 30 - CT/TU ngày 20/3/2014 thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Đề án Xây dựng xã hội học tập, giai đoạn 2012 - 2020 và Đề án Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020.
Thứ hai, Hội Khuyến học các cấp tiếp tục củng cố, xây dựng tổ chức hội và hội viên, nhất là hội cơ sở và ban khuyến học trong các cơ quan hành chính, doanh nghiệp; đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động, tập trung chỉ đạo có chiều sâu, hiệu quả phong trào xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học; đẩy nhanh tiến độ tập huấn, đánh giá, công nhận 4 mô hình học tập: gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập; thí điểm triển khai đánh giá, xếp loại mô hình cộng đồng học tập cấp xã.
Thứ ba, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, cá nhân trong toàn xã hội tạo sự gắn kết trong thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; đa dạng các hình thức vận động, tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên, nhân dân, các nhà hảo tâm tham gia xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài cũng như sử dụng có hiệu quả quỹ hội để đẩy mạnh hơn nữa công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; kịp thời biểu dương và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong xây dựng phong trào hiếu học, khuyến học; kịp thời hỗ trợ, động viên học sinh tài năng trẻ, tấm gương vượt khó học giỏi, học sinh, giáo viên có thành tích xuất sắc trong học tập và công tác.
Thứ tư, tăng cường đầu tư, hướng dẫn, đôn đốc, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp học tập ở trung tâm học tập cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi tầng lớp nhân dân được học tập thường xuyên, học tập suốt đời.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Trung ương Hội Khuyến học và của Tỉnh ủy về công tác khuyến học, khuyến tài gắn với chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; kịp thời biểu dương, cổ vũ nhằm khơi dậy tinh thần hiếu học, vận động nhân dân cùng tham gia sự nghiệp giáo dục, đào tạo và khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập./.
Hữu Chất