Phóng viên TTXVN tại các địa phương đã ghi nhận ý kiến của một số cán bộ, đảng viên.
Thể hiện sự công khai, minh bạch, tạo niềm tin cho nhân dân
Về việc thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xem xét thi hành kỷ luật cán bộ, đảng viên sai phạm, ý kiến cán bộ, đảng viên và người dân được hỏi đều đồng tình, ủng hộ quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) thi hành kỷ luật đối với đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) về những khuyết điểm, vi phạm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và công tác cán bộ khi giữ cương vị người đứng đầu Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Điều này cho thấy không có "vùng cấm" đối với việc kỷ luật đảng viên sai phạm.
Ông Phạm Văn Ngọc, Tổ trưởng Tổ dân phố 73, phường Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, quyết định thi hành kỷ luật của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là hết sức cần thiết. Đây chính là bài học sâu sắc trong công tác cán bộ của Đảng. Chính vì vậy, cùng với việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên có sai phạm, công tác cán bộ cần được Trung ương tiếp tục bàn bạc kỹ cùng nhiều vấn đề liên quan.
Qua việc xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm cho thấy, Đảng ta đã mạnh dạn, chắc chắn và rất chân chính. Đây cũng là lời cảnh báo, nhắc nhở đối với tập thể, cá nhân có những vi phạm tương tự. Đảng sẽ rất công minh đánh giá đúng công - tội.
Nhà giáo Nguyễn Kim Liên, đảng viên hơn 40 năm tuổi Đảng, hiện ở phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đánh giá: Đây chính là những việc làm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); là hình thức kỷ luật nghiêm khắc, sự cảnh tỉnh đối với tất cả cán bộ, đảng viên, tăng cường ý thức chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật, không được có biểu hiện tư lợi hoặc lợi ích nhóm trong các quyết định của mình.
Ông Phạm Minh Khải, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cần Thơ (cũ) bày tỏ đồng tình việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng thi hành kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên vi phạm. Điều này cho thấy, việc xem xét thi hành kỷ luật cán bộ, đảng viên sai phạm là không có "vùng cấm".
Đồng tình quan điểm trên, ông Võ Văn Dũng, cán bộ hưu trí ở quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ cho rằng, các quyết định thi hành kỷ luật của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ban Bí thư đối với với các tập thể, cá nhân vi phạm là hoàn toàn đúng đắn.
"Việc xử lý kỷ luật các cá nhân vi phạm trong thời gian vừa qua của Đảng (khóa XII) là thỏa đáng và công bằng. Để kịp thời phát hiện những hành vi, những cá nhân, tổ chức có hoạt động vi phạm, sai trái, theo ông Phương, cần tạo cơ chế giám sát của quần chúng, đặc biệt là vai trò của báo chí trong việc phát hiện, đấu tranh với các vi phạm. Việc xử lý công khai, minh bạch các cá nhân vi phạm chứng tỏ không có sự bao che, tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và kỷ luật Đảng", Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh Quảng Trị Nguyễn Hà Phương nêu quan điểm.
Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh tỉnh Bình Định Trần Đức Thắng cũng cho rằng, việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng thi hành kỷ luật cán bộ, đảng viên ở Trung ương và địa phương vừa qua là nghiêm túc, đúng pháp luật; xét công - tội rõ ràng, hợp tình, hợp lý. Ông Trần Đức Thắng cũng cho rằng, việc kỷ luật một số cán bộ nguyên lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Định là đúng mức. Việc xử lý này tạo thêm niềm tin cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước
Trước thực trạng một số doanh nghiệp Nhà nước tuy được đầu tư lớn nhưng làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ, chưa thực hiện được nhiệm vụ dẫn dắt, tạo động lực phát triển nền kinh tế; cùng với đó là trách nhiệm của một số tổ chức, cá nhân đã không làm tròn bổn phận mà Đảng, Nhà nước giao phó, ông Nguyễn Hà Phương, Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh Quảng Trị cho rằng: Để hạn chế tình trạng các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, Đảng và Nhà nước cần có những chủ trương, chính sách hợp lý và tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó việc sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước là thỏa đáng. Việc lựa chọn người đứng đầu các tập đoàn phải cẩn trọng, xem xét người có kinh nghiệm, năng lực quản lý để đề bạt bổ nhiệm, tránh trường hợp phe nhóm, lợi ích rồi đưa người thân quen không có năng lực vào các cương vị lãnh đạo của các doanh nghiệp nhà nước như thời gian vừa qua…
Theo ông Phương, tại Quảng Trị, các doanh nghiệp có xuất phát điểm thấp, nguồn lực kém, điều kiện kinh tế - xã hội tương đối khó khăn, chưa có các doanh nghiệp lớn tạo "cú huých” cho kinh tế phát triển, mặc dù tỉnh đã nỗ lực thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Do đó, Chính phủ cần có cơ chế ưu đãi để đưa các doanh nghiệp, dự án nước ngoài đầu tư tại Quảng Trị. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước cần có cơ chế giám sát tài chính thường xuyên trong các tập đoàn.
Ông Lê Xuân Tánh, Chủ tịch Hội Chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị cho biết: Phần lớn các doanh nghiệp nhà nước hiện nay sản xuất kinh doanh không hiệu quả do xuất phát điểm thấp, hàng hóa có giá trị thấp, sức cạnh tranh kém. Doanh nghiệp nhà nước có tư tưởng ỷ lại, dựa vào vốn, tài nguyên, tài sản của nhà nước nên ảnh hưởng đến sự năng động, sáng tạo và tự lực của doanh nghiệp. Ông Lê Xuân Tánh đề nghị, trong thời gian tới, cần sắp xếp lại và đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Nhà nước cần giao vốn, giao quyền tự chủ hoàn toàn về sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp nhà nước phát triển trên cơ sở kế hoạch và cân đối nền kinh tế nhà nước. Doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp tư nhân phát triển theo hướng đảm bảo có sức cạnh tranh và đứng vững trên thị trường thế giới. Nhà nước thực hiện việc giám sát, các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách và luật doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hòa khẳng định: Thời gian vừa qua, chúng ta rất quan tâm đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước, trong khi còn nợ công cao nhưng các doanh nghiệp nhà nước đều hoạt động chưa hiệu quả. Tại Quảng Trị, qua công tác giám sát, hầu hết các dự án, doanh nghiệp nhà nước đều lâm vào cảnh tương tự, một phần do ảnh hưởng của sự suy thoái kinh tế, cơ chế đầu tư và cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh chưa hợp lý và xuống cấp. Bên cạnh đó, hoạt động của các ngành kiểm tra, quản lý còn nhiều chồng chéo, các doanh nghiệp chưa theo kịp tiến trình hội nhập. Ngoài ra, sự kém hiệu quả của các doanh nghiệp một phần do cơ chế chính sách thay đổi, hệ lụy của ô nhiễm môi trường biển…
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, ông Võ Văn Hòa cho rằng, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ, tạo cơ chế chính sách ưu đãi về vốn vay, thuế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xúc tiến hợp tác với các đối tác nước ngoài; đồng thời phải chống tiêu cực, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong các doanh nghiệp...
(TTXVN)