Thứ Ba, 24/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 11/5/2010 21:34'(GMT+7)

Hưng Yên sẽ thành trung tâm công–nông nghiệp, dịch vụ có giá trị gia tăng cao

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn công tác Chính phủ làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hưng Yên.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn công tác Chính phủ làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hưng Yên.

Có lợi thế mở rộng giao thương, hợp tác đầu tư

Nằm ở vị trí trung tâm đồng bằng sông Hồng, trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; có các tuyến đường giao thông quốc gia quan trọng chạy qua: đường 5A từ Hà Nội đến Hải Phòng, đường 39A từ Phố Nối - thị xã Hưng Yên đến Thái Bình, đường 38 qua cầu Yên Lệnh nối với quốc lộ 1A, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng; đường thủy sông Hồng, sông Luộc tạo cho Hưng Yên lợi thế để mở rộng giao thương, hợp tác và phát triển với cả trong  nước và ngoài nước.

Hưng Yên có diện tích tự nhiên gần 1 nghìn km2, dân số trên 1,1 triệu người; tiếp giáp với 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Tây, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Thái Bình. 

Những năm qua tỉnh đã tích cực thực hiện thu hút đầu tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng và hấp dẫn, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã chọn Hưng Yên là nơi "đất lành chim đậu".

Đến nay tỉnh có 14 khu công nghiệp, thu hút 793 dự án đầu tư, 460 dự án đi vào hoạt động. Các loại hình dịch vụ phát triển đa dạng, phong phú hơn, giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng bình quân hơn 15%/năm. Sự chuyển dịch nhanh về cơ cấu kinh tế sẽ tạo điều kiện đưa Hưng Yên trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020.

Báo cáo với Thủ tướng và Đoàn công tác Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cường cho biết, năm 2010, Hưng Yên phấn đấu tăng GDP trên 11%; thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng/năm, thu ngân sách 3.000 tỷ đồng. Nông nghiệp phát triển theo hướng thâm canh, tăng năng suất và chất lượng. Hiện toàn tỉnh có 4.500 trang trại và 45% diện tích lúa chất lượng cao.

Trung tâm công – nông nghiệp – dịch vụ của vùng

Ông Nguyễn Văn Cường cho biết thêm, toàn tỉnh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, quyết tâm đến năm 2015, giá trị công nghiệp tăng lên 52%, dịch vụ 31%, nông nghiệp giảm xuống còn 17%; thu nhập bình quân đầu người/năm đạt 45 triệu đồng (tương đương 2.500 USD), GDP tăng trung bình hằng năm tăng 12%; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1%.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thị sát mặt bằng quy hoạch khu Đại học Phố Hiến.

Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao những thành tựu Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp Hưng Yên đạt được trong 5 năm qua; nhất là trong hai năm gần đây; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; giảm tỷ trọng nông nghiệp nhưng vẫn tăng về giá trị tuyệt đối, xóa đói giảm nghèo nhanh  từ 11% năm 2006 còn 3% năm 2009, đời sống nhân dân được nâng cao…

Tuy nhiên,  Thủ tướng nhận xét: Hưng Yên còn có những hạn chế yếu kém như chưa có sản phẩm nổi trội với thương hiệu mạnh; có hàm lượng công nghệ cao để tạo ra thế mạnh mới của tỉnh; còn 60% lao động chưa qua đào tạo; công nghiệp chủ yếu là dệt may, da giày, gia công, chế biến thô; quy mô nền kinh tế còn nhỏ, sức cạnh tranh hạn chế…

Thủ tướng chỉ ra các yếu tố “địa lợi” của Hưng Yên như: liền kề Thủ đô, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, cực tăng trưởng mạnh của cả nước và trên trục kinh tế sôi động Hà Nội – Hải Phòng, gần các cảng biển, hàng không lớn; có nhiều tuyến giao thông quan trọng của quốc gia chạy qua; nguồn nhân lực có trình độ học vấn…

Với những tiềm năng, lợi thế này, Thủ tướng đề nghị tỉnh tăng trưởng kinh tế nhanh hơn và bền vững hơn. Tỉnh cần phát huy tối đa lợi thế của mình để trở thành Trung tâm phát triển công nghiệp công nghệ cao như cơ điện tử, công nghệ thông tin, thiết bị viễn thông, các loại dịch vụ…14 khu công nghiệp trong tỉnh cần thu hút các dự án có hàm lượng khoa học công nghệ, có giá trị gia tăng cao.

Về nông nghiệp, Hưng Yên cần hướng tới nền nông nghiệp chất lượng, hiệu quả cao theo hướng hiện đại, bền vững. Trong 5 năm tới, Hưng Yên cần phấn đấu trở thành trung tâm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao.

Thủ tướng cũng yêu cầu Hưng Yên chú trọng rà soát quy hoạch chung, chuyên ngành, không để phát triển tràn lan, tự phát; từ đó tính toán quy hoạch đô thị, cụm dân cư, quy hoạch sử dụng đất, hợp lý, đảm bảo diện tích trồng lúa nhưng vẫn phát triển tốt công nghiệp, dịch vụ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Công ty May Hưng Yên.

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng, xuất phát điểm của Hưng Yên cách đây 15 năm thấp hơn các tỉnh xung quanh, song tỉnh đã biết tận dụng lợi thế để phát triển nhanh các ngành công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp chất lượng cao; là một trong những tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất trong các tỉnh đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Nếu Hưng Yên tiếp tục biết tận dụng lợi thế, đi thẳng vào các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ có hàm lượng khoa học công nghệ cao sẽ là một tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao.

Xây dựng Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực khu vực

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn công tác Chính phủ đã đến thị sát dự án Đại học Phố Hiến. Đây là dự án có quy mô 1.000 ha, trong đó 700 ha xây dựng các cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, 300 ha xây dựng đô thị phục vụ đại học. Khu đại học này dự kiến thu hút 8 vạn sinh viên đến học tập, nghiên cứu.

Kinh phí giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật chung dự kiến 5.530 tỷ đồng. Tỉnh đề nghị với Thủ tướng và các bộ, ngành Trung ương quan tâm. Khi thực hiện chủ trương giãn mật độ các trường Đại học trong nội thành phố Hà Nội, có thể thu hút cho 3 – 5 trường đại học công lập di dời về Khu Đại học Phố Hiến.

Về đề nghị này, Thủ tướng lưu ý tỉnh tính toán lại quy hoạch cho phù hợp và làm việc với các trường Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, TP. Hà Nội và các ngành chức năng để phối hợp triển khai dự án có hiệu quả nhất.

Cũng trong ngày 11/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đến thăm Công ty May Hưng Yên. Ông Nguyễn Xuân Dương, Tổng giám đốc cho biết, từ năm 2005 khi thực hiện cổ phần hóa đến nay, Công ty liên tục phát triển. Đến năm 2009, 8 doanh nghiệp của Công ty đã đạt doanh thu gần 1.600 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 150 triệu USD, lợi nhuận đạt 100 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 10 nghìn lao động với mức thu nhập ổn định từ 2,5 triệu đến 3,5 triệu đồng/tháng. Công ty phấn đấu năm nay tăng doanh thu lên thêm 25%, đạt doanh thu khoảng 2 nghìn tỷ đồng./.

(Cổng TTĐTCP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất