Thứ Ba, 26/11/2024

Hưng Yên: Tạo động lực khuyến khích học tập suốt đời trong đội ngũ cán bộ, công chức

Từ nhận thức tạo dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ lý luận chính trị, có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh, giỏi về chuyên môn, thạo về nghiệp vụ phục vụ cho sự nghiệp xây dựng Hưng Yên sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đảng bộ tỉnh, từ khi tái lập tỉnh đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn quan tâm ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo: tháng 11/2001, ban hành Thông báo số 134 – TB/TU; tháng 4/2006 ban hành Chỉ thị số 08 – CT/TU; tháng 7/2011 ban hành Chỉ thị số 07 –CT/TU; tháng 9/2016 ban hành Công văn số 408 – CV/TU về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh. Trong các văn bản đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều thống nhất quan điểm chỉ đạo “các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang cần tích cực, chủ động tham gia các hoạt động khuyến học, khuyến tài, đồng thời động viên, tạo điều kiện và hỗ trợ kịp thời đối với cán bộ, nhân viên tự đi học, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạt kết quả xuất sắc trong học tập”. Để hoàn thành mục tiêu đó, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã nghiên cứu, ban hành và tổ chức thực hiện nhiều cơ chế, chính sách cụ thể – một động lực để khuyến khích, động viên cán bộ, công chức, viên chức tích cực học tập.

Đầu tháng 12/2007, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 189/2007/NQ-HĐND về việc quy định chế độ trợ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng và khuyến khích ưu đãi tài năng. Cụ thể hóa Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, ngày 27/12/2007, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 21/2007/QĐ - UBND. Trên cơ sở tổng kết những kết quả thu được sau một thời gian thực hiện chế độ trợ cấp đào tạo, bồi dưỡng và khuyến khích ưu đãi tài năng, ngày 04/8/2015, tại kỳ họp thứ X, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XV tiếp tục ban hành Nghị quyết số 18/2015/NQ-HĐND và ngày 01/9/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 15/QĐ - UBND về hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo sau đại học và mức thưởng khuyến khích ưu đãi tài năng với mức hỗ trợ, thưởng cao hơn.

Đồng thời với nhiệm vụ nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện có, tỉnh Hưng Yên cũng chú trọng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác tại địa phương, nhất là ở những lĩnh vực, ngành đang còn thiếu. Ngay từ tháng 7/2008, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 121/2008/NQ - HĐND và sau này là Nghị quyết số 13/2012/NQ - HĐND ngày 20/7/2012 điều chỉnh mức trợ cấp khi thực hiện giai đoạn 2 Đề án thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về làm công chức dự bị tại xã, phường, thị trấn. Đến tháng 3/2010, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thống nhất ban hành và triển khai Nghị quyết số 38/2010 NQ -HĐND về việc thu hút bác sỹ, dược sỹ (tốt nghiệp đại học chính quy) về tỉnh công tác. Ủy ban nhân dân tỉnh đã cụ thể hóa, ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhằm thu hút sinh viên chính quy tốt nghiệp ra trường về công tác, góp phần bổ sung nguồn nhân lực cao phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngày 11/3/2009, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 03/2009/QĐ – UBND, đến ngày 30/8/2012 ban hành Quyết định số 1608/QĐ -UBND về tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 và điều chỉnh mức trợ cấp khi thực hiện giai đoạn 2 Đề án thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về công tác tại ủy ban nhân dân cấp xã. Tiếp đó, ngày 10/5/2010, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 13/2010/QĐ - UBND và sau này là Quyết định số 03/2013/QĐ - UBND ngày 06/3/2013 về việc tiếp tục thực hiện giai đoạn II và sửa đổi, bổ sung một số nội dung Đề án thu hút bác sỹ, dược sỹ về tỉnh công tác. Để thực hiện hiệu quả các Đề án trên, Sở Nội vụ đã ban hành hướng dẫn việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý và chính sách thu hút sinh viên chính quy về công tác. Hướng dẫn của Sở Nội vụ đã cụ thể từng nội dung từ đối tượng, số lượng, tiêu chuẩn, trình tự xét tuyển đến sử dụng và quản lý công chức, viên chức để các địa phương, đơn vị trong tỉnh thực hiện.

Từ những chính sách đó, ngày càng có nhiều cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị, nhất là trong ngành Giáo dục và Đào tạo, ngành Y tế được cử đi học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Theo tổng hợp, khối cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh tăng từ 48,82% số lượt cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng (năm 2007) lên 109,46% (năm 2016); cấp huyện tăng từ 51,97% (năm 2007) lên 99,32% (năm 2016); cấp xã, phường, thị trấn có sự dao động qua các năm, đạt 92,15% (năm 2007), 104,6% (năm 2012) và 41,74% (năm 2016). Khối đảng, đoàn thể cấp tỉnh đã cử 48 cán bộ, công chức đi học đại học, sau đại học, 401 lượt cán bộ tham dự các lớp bồi dưỡng; cấp huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc đã cử 31 cán bộ đi học đại học, sau đại học, 447 lượt cán bộ tham dự các lớp bồi dưỡng. Đồng thời, tỉnh đã cử một số cán bộ, công chức tham gia các đoàn tham quan, khảo sát, nghiên cứu thực tế, học tập ngắn ngày và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ tại nhiều quốc gia. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ được thực hiện dưới nhiều hình thức ngắn hạn hoặc dài hạn, tập trung hoặc không tập trung; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn hoặc học tập tại các trường đại học, cao đẳng. Đối với công tác tuyển dụng, sau hai giai đoạn thực hiện Đề án thu hút nguồn nhân lực ngành Y tế đã có trên 200 bác sỹ, dược sỹ có nguyện vọng về công tác tại các cơ sở y tế công lập được tuyển dụng, từ đó nhiều đơn vị y tế công lập đã được bổ sung nguồn nhân lực bảo đảm yêu cầu đặt ra, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Đề án thu hút sinh viên chính quy về công tác tại xã được triển khai thực hiện chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành nên đã sớm có kết quả. Nhìn chung, các sinh viên về công tác tại xã đều bảo đảm độ tuổi theo quy định, tốt nghiệp chính quy và có chuyên ngành đào tạo tương đối phù hợp với chuyên môn của từng chức danh được tuyển dụng, đáp ứng với yêu cầu xây dựng bộ máy Đảng, chính quyền và các đoàn thể ở cấp cơ sở.

Có thể nói việc ban hành và triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích trong đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong cán bộ, công chức, viên chức và cơ chế, chính sách thu hút sinh viên chính quy về công tác tại địa phương Hưng Yên thời gian vừa qua là một bước đi đúng đắn, phù hợp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, sự nghiệp phát triển của tỉnh, đất nước và hội nhập quốc tế./.

Hữu Chất  

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất