Thứ Sáu, 20/9/2024

Quảng Ninh: Quyết tâm thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII

Trước thời kỳ đổi mới (1986) Quảng Ninh là tỉnh nghèo, chủ yếu dựa vào trợ cấp của Trung ương, đến nay đã trở thành một trong những đầu tàu phát triển của khu vực phía Bắc; là trọng điểm kinh tế, trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực; tỉnh trong tốp 5 tỉnh, thành góp nhiều nhất ngân sách cho Trung ương. Đặc biệt 10 năm gần đây, có sự chuyển mình mạnh, đột phá trong phát triển kinh tế. Điều này thể hiện rõ nhất trong quyết tâm chính trị về đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cải cách hành chính, xây dựng các quy hoạch, kêu gọi đầu tư, phát triển hạ tầng; chủ động đề xuất, quyết liệt thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù,.…  

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, trong hơn 30 năm đổi mới cùng đất nước, các cấp ủy đã chủ động, sáng tạo, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, đạt được nhiều thành tựu rất có ý nghĩa; nhất là những kết quả đạt được từ khi thực hiện Nghị quyết TW6 khóa X, Nghị quyết TW3 khóa IX, Nghị quyết TW5 khóa IX (về thể chế kinh tế, về đổi mới DNNN, về phát triển KTTN). Tích cực chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền KTTT định hướng XHCN; thực hiện sáng tạo sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa. 

Ngay từ những năm đầu đổi mới đến nay tỉnh luôn xác định: việc phát triển hạ tầng là giải quyết nút thắt của phát triển kinh tế. Tại Đại hội VIII đảng bộ tỉnh (1986), đặt ra yêu cầu “…củng cố phát triển mạnh vận tải thủy, sắp xếp lại vận tải đường bộ. Hoàn thành nâng cấp cải tạo một số đoạn đường quốc lộ, bảo đảm giao thông thông suốt trong toàn tỉnh; mở rộng và hạ dốc Đèo Bụt và một số tuyến đường quan trọng khác, xây dựng cầu Ba Chẽ, làm cảng Hà Cối, hoàn chỉnh cảng Dân Tiến và tu sửa các cảng nhỏ địa phương,…”. Đại hội XI đảng bộ tỉnh (2001) đề ra nhiệm vụ: “…Đề nghị Trung ương xây dựng đường cao tốc Phả Lại - Hạ Long, cho phép xây dựng sân bay tại Quảng Ninh…”. Đại hội XII, XIII, XIV đảng bộ tỉnh đều xác định: “… Huy động các nguồn lực trong nước và ngoài nước dưới nhiều hình thức để triển khai xây dựng các công trình có ý nghĩa chiến lược cho sự phát triển…” “…Ưu tiên và đa dạng các nguồn lực đầu tư, nhất là đẩy mạnh hình thức PPP để xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội…”, “Hoàn thành và đầu tư mới các dự án kết nối hạ tầng đồng bộ, hiện đại như hệ thống đường cao tốc, sân bay”. 

Đến nay đã hoàn thành Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực; quy hoạch đô thị, nông thôn, quy hoạch đất đai; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các huyện, thị xã, thành phố; Quy hoạch xây dựng Vùng tỉnh; Quy hoạch bảo vệ môi trường; Quy hoạch xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, Khu kinh tế Vân Đồn. Đây là tiền đề quan trọng để vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành việc đưa điện lưới quốc gia đến thôn, khu, khe bản trên đất liền và đưa điện lưới quốc gia đến huyện đảo Cô Tô, Vân Đồn, xã đảo thuộc Hải Hà, Móng Cái; tỉnh đầu tiên được Chính phủ giao quản lý, đầu tư xây dựng đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái, Cảng hàng không Quảng Ninh,..... Hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ, thể thao, giáo dục, y tế, viễn thông, văn hóa,... ngày càng hoàn thiện, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội. 

Thời kỳ đầu đổi mới, Than là ngành kinh tế chủ đạo cùng các ngành công nghiệp khác như nhiệt điện, xi măng,.... tạo nên trụ cột kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, trong một thập niên trở lại đây, với sự biến động của thị trường thế giới, đồng thời giải quyết mâu thuẫn giữa khai thác than, phát triển công nghiệp nặng với phát triển du lịch, dịch vụ trên cùng địa bàn, chúng ta đã từng bước tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; chuyển sang phát triển theo hướng bền vững. Tỉnh ủy ra Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 05/02/2016 “về phát triển dịch vụ tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030” đó là sự quyết tâm chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế theo hướng bền vững. 

Quảng Ninh đã vận hành nền KTTT định hướng XHCN khá bài bản, đúng quy luật thị trường, phù hợp với đặc điểm như một nước Việt Nam thu nhỏ, và đã đạt được những kết quả quan trọng, to lớn, xác lập, khẳng định vị thế, giá trị mới trong tương quan quốc gia, quốc tế. Kinh tế liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước. Tăng trưởng kinh tế (GRDP) giai đoạn 2001-2005 đạt 12%, 2005 - 2010 đạt 13%, giai đoạn 2011-2015 đạt 9,3 %/năm; trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt 9,6%. Thu nhập bình quân người/năm (trước năm 1986 là dưới 80USD; năm 2006 là 908 USD, năm 2016 là 4.050USD). Hiện nay thu ngân sách đứng trong tốp 10 tỉnh có số thu cao nhất cả nước (năm 2000 tổng thu 1.811 tỷ đồng; năm 2011 là 29.100 tỷ đồng; năm 2015 là 34.368 tỷ, năm 2016 thu 38.385 tỷ, trong đó thu nội địa là 25.138 tỷ). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2016 ước đạt 54.430 tỷ đồng (nhà nước là 20,9 nghìn tỷ đồng, ngoài nhà nước đạt 21,6 nghìn tỷ đồng, đầu tư FDI đạt 11,9 nghìn tỷ đồng). 

Kinh tế tư nhân hiện nay đang là bộ phận cấu thành quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh. Những năm gần đây các dự án đầu tư theo hình thức PPP (công - tư) ở Quảng Ninh được triển khai khá hiệu quả. Những dự án thuộc trách nhiệm đầu tư của ngân sách Nhà nước nhưng có khả năng khai thác, kinh doanh thu hồi vốn, được giao cho tổ chức kinh tế ngoài Nhà nước đầu tư; quản lý và kinh doanh như: dự án khu trụ sở các cơ quan hành chính của Tỉnh, các dự án về hạ tầng giao thông QL18; các công trình công cộng, nhà thi đấu thể thao, khu vui chơi, giải trí, một số cơ sở Y tế, giáo dục, văn hóa,....  Sau khi ban hành Luật doanh nghiệp 1999 và Luật đầu tư 2005, phát triển DN tư nhân ở Quảng Ninh tăng nhanh chóng. Năm 2002 số DNTN đăng ký thành lập là 481; năm 2015 là 11.500 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký là 8.112,83 tỷ đồng; đến 31/5/2017 có 647 doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký 3.619 tỷ đồng; tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động 13.646 doanh nghiệp với tổng số vốn là 142.393 tỷđồng. Toàn tỉnh hiện có 50.660 hộ kinh doanh; tổng số lao động đang làm việc trong DNTN hiện là 192.959 lao động. Đóng góp của thành phần kinh tế tư nhân trong nền kinh tế của tỉnh chiếm tỷ trọng khá, tương đối ổn định và có xu hướng tăng mạnh (từ 21,58% năm 2000  đến năm 2015 là 32%, 2016 là 42,8%). 

Kinh tế tập thể có sự thu hẹp dần về quy mô; năm 2002, toàn tỉnh có 250 hợp tác xã (HTX), đến nay có 216 HTX, giảm 13,6%, trong đó giải thể 80 HTX, thành lập mới 46 HTX. Có 220 Tổ hợp tác với 2.420 thành viên. Hiện nay có gần 2.300 trang trại trên nhiều lĩnh vực thuỷ sản, nông nghiệp và lâm nghiệp, thu hút khoảng một vạn lao động làm việc thường xuyên. Các trang trại hiện có tổng số vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng, sử dụng hơn 19 nghìn ha đất, thu nhập hơn 67 triệu đồng/ha/năm. Tổng số xã viên HTX năm 2002 là 118.520 người, đến ngày 30/6/2016 tăng lên 154.000 người, tăng 29,94%.....   

Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là nguồn lực khá quan trọng, ngày càng giữ vai trò là động lực để phát triển trong nền kinh tế. Quảng Ninh bắt đầu có dự án FDI từ năm 1989. Tính đến tháng 9/2016 toàn tỉnh có 119 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 5,6 tỷ USD. Giai đoạn 2010 - 2016 thu hút vốn đạt hơn 4,4 tỷ USD, tổng số dự án cấp mới trong là 45 dự án. Hiện nay có 18 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại tỉnh (Mỹ giữ vị trí đứng đầu với số vốn đăng ký 2,4 tỷ USD/5,6 tỷ USD với 09 dự án; tiếp theo là Hồng Kông, Trung Quốc, Đài Loan đăng ký 62 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 1,5 tỷ USD; Singapore có 05 dự án với vốn đầu tư 782 triệu USD; Nhật Bản 06 dự án: 395 triệu USD và một số dự án khác của các nhà đầu tư Indonesia, Canada, Hàn Quốc,... và các tập đoàn lớn đang đầu tư vào tỉnh: Toray, Vinamilk, Thủy sản Việt - Úc, VinGroup, sunGroup, PLC, Myay, Texhong, Amata,...).

Kế thừa thành tựu 30 năm đổi mới, các đảng bộ, địa phương trong tỉnh tích cực thực hiện Đề án 25, hoàn thiện bộ máy tổ chức, cán bộ của hệ thống chính trị, đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng, với nhiều nhiệm vụ mới, chưa có tiền lệ; quyết tâm thực hiện nền KTTT định hướng XHCN; vận dụng sáng tạo Nghị quyết TW5 phát triển kinh tế - xã hội để đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh đề ra: “Đến năm 2020 Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp; là trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực, một trong những cực tăng trưởng kinh tế của miền Bắc với hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ...”. 

Phạm Văn Điệp
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất