Dư luận đang trông chờ được biết các hình thức xử lý tiếp theo với những sai phạm đã phát hiện, nhất là những sai phạm nghiêm trọng.
Hoan nghênh và ủng hộ đặc biệt kết luận Ủy ban Kiểm tra Trung ương và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm, nhiều ý kiến cho rằng, điều đó thể hiện quyết tâm của Đảng trong phòng chống tham nhũng, quyết không bỏ qua bất kỳ hành vi, vi phạm nào của cán bộ, đảng viên dù ở cương vị nào, kể cả cán bộ cao cấp, cán bộ đương chức và nghỉ hưu.
6 tháng qua, cả nước có 87 tổ chức cơ sở đảng và hơn 6.000 đảng viên bị xem xét kỷ luật, trong đó có cả những cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý do có những khuyết điểm, vi phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, quản lý tài chính, đầu tư công, thất thoát, thua lỗ lớn, kéo dài, sai phạm trong công tác cán bộ, công tác thi đua khen thưởng và vi phạm quy chế làm việc của Ban cán sự Đảng, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ.
Điển hình như vụ liên quan đến quá trình đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển ông Trịnh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Trong một vụ việc khác, xuất phát từ một bài báo phản ánh về việc sở hữu khối tài sản “khủng” của Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa và gia đình, Tổng Bí thư đã yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.
Cũng từ phản ánh trên báo chí liên quan đến bổ nhiệm cán bộ ở Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc, hàng loạt sai phạm trong lãnh đạo, quản lý, bổ nhiệm cán bộ đã lộ rõ.
Đó là những vi phạm xảy ra trong thời gian dài, nhiều nhiệm kì, có những vi phạm xảy ra rất nghiêm trọng, gây hậu quả lớn về kinh tế, xã hội. Việc đề nghị kỷ luật các đảng viên, tổ chức đảng vi phạm được nhân dân hết sức đồng tình, ủng hộ.
Ông Tô Quang Thu - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc, chủ động, kịp thời xác định vấn đề, phát hiện dấu hiệu vi phạm và xác định đối tượng, nội dung, thời điểm kiểm tra.
"Sự kịp thời, chủ động, quyết liệt, toàn diện nhưng thận trọng, công tâm, khách quan của Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong việc phát hiện những sai phạm và kiên quyết kiểm tra, xử lý và được Tổng Bí thư đánh giá là điểm sáng nổi bật trong năm 2016 và đầu năm 2017" - ông Tô Quang Thu nói.
Tại phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng sáng 31/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với cương vị Trưởng Ban chỉ đạo, đã đánh giá rằng, “thời gian qua, đấu tranh phòng chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế của cả xã hội”.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Tính công khai là "thanh bảo kiếm" để chữa lành những vết thương. Sắp tới, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng phải tiếp tục được tăng cường, quyết liệt hơn, hiệu quả cao hơn, không có trở ngại nào, sức ép nào”.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Bảo, Giảng viên cao cấp Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, với những quyết tâm, chỉ đạo của Trung ương, sự thống nhất hành động trong toàn Đảng và được nhân dân đồng tình ủng hộ, cuộc đấu tranh chống tham nhũng tuy còn cam go, gian khổ và phức tạp, nhưng nhất định sẽ thành công.
“Tôi đồng tình với ý kiến của Tổng Bí thư trong Hội nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Chúng ta phải làm quyết liệt hơn nữa và rút kinh nghiệm kiểm tra cho thường xuyên, sâu sát và cụ thể. Không chỉ Đảng kiểm tra, Thanh tra Chính phủ kiểm tra, tổ chức kiểm tra mà kiểm tra giám sát phải dựa vào dân, phát huy ý kiến của người dân và chính dân là người giúp nhìn nhận rõ nhất những câu chuyện xảy ra thời gian qua”, PGS-TS Nguyễn Quốc Bảo nói.
Những kết luận vừa qua của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với vi phạm của các tập thể, cá nhân có liên quan là chính xác, kịp thời nhưng thận trọng, chắn chắn với những căn cứ khoa học và hợp lý. Dư luận đang trông chờ được biết các hình thức xử lý tiếp theo đối với những sai phạm đã phát hiện, nhất là những sai phạm nghiêm trọng./.
Lại Hoa (VOV)