Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh cũng như thuốc đặc trị bệnh này
Cục Y tế Dự phòng Việt Nam cho biết: bệnh tay- chân- miệng đang gia tăng ở một số quận nội thành TP HCM. Tuy nhiên Cục Y tế Dự phòng Việt Nam cũng khẳng định mức độ bệnh tay- chân- miệng tại TP HCM chưa phải là "báo động đỏ" và hoàn toàn trong tầm kiểm soát, ngăn chặn được.
Theo quy luật một số loại vi rút gây ra bệnh tay- chân- miệng vào tháng 4, 5 và 6 là mùa cao điểm bệnh bùng phát. Tuy nhiên so với cùng thời điểm này năm ngoái và các năm trước đó số bệnh nhân mắc bệnh tay- chân- miệng ở TP HCM nói riêng và cả nước nói chung không gia tăng. Theo Cục Y tế dự phòng Việt Nam từ đầu năm đến nay cả nước có gần 4.000 ca mắc, trong đó 9 trẻ tử vong. Riêng TP HCM có gần 600 trường hợp, tập trung ở độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi và rải rác tại 225/322 phường, xã, mắc nhiều là một số quận như: Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú.
Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh cũng như thuốc đặc trị để điều trị bệnh chân tay miệng. Cho nên, người dân và các cơ sở nuôi dạy trẻ cần nâng cao ý thức vệ sinh môi trường, tắm rửa và giữ vệ sinh tay, chân, miêng cho các cháu nhỏ; lau chùi đồ chơi, bàn ghế, giường tủ, sàn nhà; thường xuyên vệ sinh đồ dugng sinh hoạt cho trẻ nhỏ bằng dung dịch chloramin B 2%. Các gia đình và các cở sở nuôi dạy trẻ phải tuân thủ giữ vệ sinh theo chỉ dẫn của Bộ Y tế.
Để ngăn chặn nguy cơ lây lan bệnh tay- chân- miệng, cùng ngày Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn gửi các cơ sở giáo dục nhất là cơ sở mẫu giáo, nhà trẻ, cơ sở học nội trú phải tuân thủ các quy định vệ sinh phòng bệnh và khoanh vùng nơi có đông trẻ nhiễm bệnh. Đối với những trẻ khi phát hiện có dấu hiệu nhiễm virus kiên quyết cùng gia đưa cháu đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị và cho các cháu nghỉ học để cách ly nguồn bệnh lây lan sang các cháu khỏe./.
Theo TTXVN