Ngày 13/5, báo cáo thống kê y tế thế giới năm 2011 của Tổ chức Y tế thếgiới (WHO) cảnh báo số nước phải gánh chịu gánh nặng y tế kép gồm cả các bệnh lây nhiễm và các bệnh không lây nhiễm đang tăng nhanh trên toàn cầu do các nhân tố nguy hiểm gây các loại bệnh này ngày càng nhiều.
Số liệu của WHO cho thấy các bệnh không lây nhiễm hiện nay là nguyên nhân gây ra tới 2/3 số ca tử vong trên toàn cầu, do dân số già và quá trình toàn cầu hóa và đô thị hóa đẩy nhanh tốc độ lan truyền các nhân tố nguy hiểm gây bệnh.
Kiểm soát các nhân tố nguy hiểm này như hút thuốc lá, lối sống ít vận động, thói quen ăn uống không lành mạnh, sử dụng quá nhiều rượu… đã trở thành nhu cầu cấp thiết.
Hiện nay, 4 trong số 10 nam giới, 1 trong 11 phụ nữ trên thế giới sử dụng thuốc lá và 1 trong 8 người trưởng thành trên thế giới bị béo phì. Nhiều nướcđang phát triển vẫn phải chật vật đối phó với các bệnh như viêm phổi, sốt rét và tiêu chảy gây tử vong cho các trẻ em dưới 5 tuổi. 40% số trẻ em chết trong năm 2009 là trẻ sơ sinh.
Giám đốc về thống kê y tế của WHO, Ties Boerma, khẳng định không nước nào trên thế giới có thể xử lý riêng biệt các vấn đề y tế liên quan các bệnh lây nhiễm hoặc không lây nhiễm mà phải phát triển hệ thống y tế có khả năng xử lý tất cả các mối đe dọa trong cả 2 loại bệnh này.
Mặc dù tuổi thọ con người trong giai đoạn 1990-1999 đã tăng từ 64 lên 69 tuổi, khoảng cách chi phí cho y tế giữa các nước thu nhập cao và thu nhập thấp vẫn rất lớn. Chi phí y tế theo đầu người ở các nước thu nhập thấp khoảng 32 USD, chiếm 5,4% tổng thu nhập nội địa (GDP) nhưng chi phí này ở các nước thu nhập cao lên tới 4.590 USD, chiếm 11% GDP.
Tỷ lệ nhân viên y tế theo đầu người ở các nước thu nhập cao gấp 10 lần các nước thu nhập thấp về số bác sĩ, 12 lần về số y tá và hộ lý, 30 lần về số nha sĩ. Trong khi tất cả các ca sinh nở ở các nước thu nhập cao đều do các nhân viên y tế trình độ cao đảm nhiệm thì con số này ở các nước thu nhập thấp chỉ đạt 40%.
Báo cáo thống kê y tế hàng năm của WHO dựa trên hơn 100 chỉ số y tế để đánh giá hiện trạng y tế của 193 nước thành viên WHO và thế giới./.
Theo TTXVN