Thứ Hai, 25/11/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 29/6/2013 17:11'(GMT+7)

Thị trường vàng miếng và giải pháp cần có

“Khổ tận...!

Nỗi khổ từ vàng đến với những người dính đến vàng thì nhiều lắm, và tựu chung lại ở những lý do chủ yếu:

Thứ nhất là nỗi khổ về độc quyền nhập khẩu và hạn chế kinh doanh vàng miếng.

Thị trường vàng trong nước đột ngột bị thu hẹp, từ nhiều đầu mối có quyền nhập khẩu vàng theo “quota” do NHNN cấp, thì nay do NHNNN độc quyền theo tinh thần Nghị định 24/2012/NĐ-CP. Hơn nữa, do Việt Nam dựa chủ yếu vào nguồn vàng nhập khẩu, nên nguồn vàng bổ sung cho thị trường vàng miếng trong nước từ nay dường như chỉ còn biết trông cậy cả vào “một cửa” duy nhất là NHNN. Nỗi khổ của các NHTM còn bị đẩy cao do bị buộc phải tất toán trạng thái kinh doanh vàng của mình trước 30/6/2013 theo nghiêm lệnh của NHNN.

Thứ hai, nỗi khổ vì thiếu liên thông về giá cả vàng miếng.

Sự thiếu liên thông này là khiến vàng trong nước và vàng thế giới chênh lệch khủng, từ vài trăm ngàn, cùng lắm 1-2 tr.đ/lượng và diễn ra trong ngắn hạn trước đây, thì từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP có hiệu lực, sự cách xa giữa giá trong nước với thế giới đã lên tới cả 3-5 tr.đ, thậm chí có thời điểm tới 7 tr.đ/lượng và kéo dài tới cả nhiều tháng nay.

Cách bình ổn thị trường vàng với mức giá độc quyền cao ngất này được coi là sáng kiến chống đầu cơ và kiềm chế sốt mua vàng. Nó mang lại cho quỹ công đang thời buổi eo hẹp nguồn thu hàng ngàn tỷ đồng bổ sung bất ngờ từ lợi nhuận thu được qua 37 phiên đấu giá vàng chỉ trong 3 tháng (28.3-28.6.2013) và bán được 957.000 lượng trên tổng số 1.058.000 lượng chào thầu.

Tuy nhiên, các NHTM là người lãnh đủ. Cùng một lúc vừa vừa bị sức ép thời gian tất toán trạng thái vàng, vừa bị mua vàng “một cửa” với giá sàn chào thầu cao trong bối cảnh cánh cửa độc quyền sừng sững trước mặt. Hai phiên cuối bán hết veo 26000 và 40000 lượng vàng chào thầu, với mức giá vàng trong nước cao hơn giá vàng quốc tế gần 6 triệu đồng/lượng, là tiêu biểu cho việc các NHTM không còn bước lùi hay lựa chọn nào khác, ngoài chấp nhận hệ quả luật chơi mới để “bù trừ cho sự lãi cao trước đó mà họ đã từng hưởng” vung vinh một thời, như lời giải thich của NHNN.

Thứ ba, nỗi khổ về phân biệt đối xử vàng miếng theo thương hiệu, chứ không theo hàm lượng vàng và chất lượng dịch vụ thực tế.

Thực tế, xưa nay người dân mua vàng miếng theo tuổi vàng hay mua vàng trang sức theo kiểu dáng và giá trị gia tăng nhờ chế tác tinh xảo, mua theo thương hiệu cũng có nhưng không phải là chính. Nhưng từ khi vàng miếng SJC bất ngờ trở thành Thương hiệu vàng Quốc gia, danh giá SJC cũng lập tức nổi như cồn và làm dấy lên làn sóng săn lùng mua mới SJC chính hiệu (và có nơi, có lúc bị mua phải SJC “không chính hiệu”), cũng như làn sóng đổi vàng cũ phi SJC thành SJC cho an tâm.

Ngay cùng là SJC, nhưng nếu ai đó lỡ làm rách bao bì nilong bọc ngoài thôi, thì cũng cắn răng chịu thêm phí tổn cố để đổi lấy SJC “xịn hơn” cho chắc theo giải thích của nhân viên bán vàng SJS; dù nào đã mấy ai ngoài các nhân viên nhà hàng SJC có đủ cơ sở pháp lý và trình độ để nhận diện thế nào là Thương hiệu vàng miếng Quốc gia.

Làn sóng chạy theo vàng phi SJC và e ngại các thương hiệu truyền thống khác đã khoét sâu giãn cách giá vàng miếng trong nước với thế giới, khiến giai đoạn 2012 và nửa đầu 2013, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao hơn nhiều so với giai đoạn trước.

Sự chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới, cũng như chênh lệch giá theo thương hiệu này, trong khi làm “vàng mắt” những NHTM và cá nhân có nhu cầu sở hữu vàng miếng, lại là “cơ hội vàng” của những đơn vị cung ứng và ai kinh doanh vàng SJC. Nói cách khác, chiếc khuôn đúc vàng miếng mang tên SJC đã thực sự trở thành chiếc máy in tiền quốc gia thứ hai trên thực tế, điều hiếm có trong thời buổi hội nhập thế kỷ 21 này.

Cần nhấn mạnh rằng, ba nỗi “khổ tận” trên từ thị trường vàng miếng là giá phải trả cho việc “NHNN can thiệp thị trường vàng không vì mục tiêu lợi nhuận, theo đuổi mục tiêu ổn định thị trường, chứ không có mục tiêu ổn định hay là làm cho giá vàng trong nước hay giá vàng thế giới thu hẹp lại”…

…Cam lai”?


Người dân và doanh nghiệp đã nhẹ nhõm hơn khi NHNN giải thích và khẳng định, các thương hiệu vàng miếng khác đã, đang và sẽ vẫn được thừa nhận hợp pháp; Người dân không bắt buộc phải chuyển đổi thương hiệu vàng miếng đang sở hữu nếu không muốn.

Điều này giúp chiếc máy dập vàng miếng SJC đỡ quá tải và NHNN không còn phải vất vả điều hành “tạm xuất tái nhập” và “xin miễn kiểm tra vàng nhập khẩu” nữa trong gánh nặng trách nhiệm bảo đảm thời gian và an toàn cung ứng nhu cầu vàng miếng SJC cho thị trường trong nước theo tinh thần Nghị định 24/2012/NĐ-CP.

Nụ cười cũng xuất hiện trên môi những ai muốn sở hữu vàng miếng trong thời gian tới do xu hướng giảm sâu và kéo dài giá vàng thế giới. Làn sóng mua vàng trở lại sau một thời gian trầm lắng cho thấy tâm lý tích trữ vàng như một tài sản chưa hề mất. Xu hướng này được tô đậm hơn nhờ sự hồi phục trở lại kinh tế thế giới dưới tác động triển khai các gói kích thích tài chính lớn đã và đang được thực hiện trên quy mô toàn cầu, tiêu biểu là Mỹ, Nhật…

Giá thế giới hiện đang ở mức thấp nhất kể từ đầu tháng 7/2011. Tại thị trường New York-Mỹ, giá vàng giao ngay phiên ngày 20/5 còn 1.278,8 USD/ ounce. Đây là mức giá thấp nhất của vàng thế giới trong vòng 3 năm trở lại đây. Ngày 19/6 giá vàng thế giới hạ gần 90 USD/ ounce và chạm mức thấp nhất kể từ tháng 9/2010. 9h sáng 21/6, tại New York, vàng giao ngay có giá 1.290,9 USD/ ounce, tăng 12,1 USD/ ounce so với giá đóng cửa đêm 20/6. So với mức kỷ lục hơn 1.920 USD/ ounce thiết lập vào tháng 9/2011, giá vàng hiện giảm hơn 30%.

Theo một số nhận định, Vàng thế giới sẽ có sự giảm giá mạnh và liên tục cho tới năm 2014-2015 theo nhiều dự báo của các tổ chức và chuyên gia vàng trên thế giới, thậm chí sẽ chỉ còn khoảng 1100-1200 USD/oz so với mức trên dưới khoảng 1300 USD/oz hiện nay.

Theo thống kê của Bloomberg, các quỹ ETF đã bán ròng gần 526 tấn vàng từ đầu năm tới nay, trong đó riêng quỹ SPDR Gold Trust bán ra xấp xỉ 360 tấn, đưa lượng nắm giữ xuống dưới 1.000 tấn lần đầu tiên kể từ tháng 2/2009. Các tỷ phú lừng danh đều giảm nắm giữ cổ phần trong các quỹ đầu tư vàng và các công ty khai mỏ khi họ nhận thấy đà tăng kéo dài 12 năm của vàng đã đến lúc kết thúc.

Hy vọng giá vàng miếng trong nước sẽ xuống sát theo giá thế giới do NHNN đã hứa chủ động hạ giá sàn đấu thầu vàng miếng để thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước với thế giới kể từ sau 30/6, khi các NHTM đã tất toán xong trạng thái vàng.

Tính hiện thực của khả năng này là khá cao vì, một mặt, NHNN sẽ không gia hạn thời gian tất toán này; mặt khác, NHNN đã bảo đảm cung ứng vàng miếng đủ cho các NHTM đáp ứng trên 95% nhu cầu tất toán trạng thái vàng của mình.

Nói cách khác, sau khi tất toán trang thái xong, chắc chắn nhu cầu vàng miếng trên thị trường trong nước sẽ đột ngột giảm mạnh, kéo theo hệ quả thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước với thế giới (có thể còn từ 10-5% theo dự báo của HSBC trong vòng từ 2-3 tháng tới; và lý tưởng nhất đối với người dân là chỉ còn chênh lệch tối đa 400.000 đ/lượng như lời hứa còn “nợ đọng” của Thống đốc NHNN hồi tháng 10/2011); Đến lượt mình, sự thu hẹo giãn cách này sẽ làm giảm giá vàng trong nước trong giả định bối cảnh giá vàng thế giới tiếp tục đà giảm như dự báo.

Tuy nhiên, việc giảm giá vàng trong nước thời gian sau 30/6 còn tùy thuộc vào lượng cung vàng miếng thực tế, đặc biệt phụ thuộc vào động lực và khả năng, cũng như sự quan tâm và nhiệt tình, quy chế thực hiện của NHNN trong tổ chức các phiên đấu giá vàng tới đây.

Về tổng thể, niềm vui lớn nhất đang và sẽ có được sau một năm thực hiện khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường vàng là: Có thể nói, những yêu cầu của Quốc hội về thị trường vàng đã được thực hiện và bước đầu có kết quả tích cực.

Quyền sở hữu, tích trữ, mua bán vàng miếng hợp pháp của người dân được bảo vệ. Thị trường vàng đã được sắp xếp lại một cách cơ bản, hoạt động ổn định và vàng không còn ảnh hưởng mạnh tới thị trường ngoại hối như trước đây. Hoạt động đầu cơ bị đẩy lùi, thị trường. Tỷ giá ổn định. Lạm phát được kiềm chế.

Ngoài ra, đã mua lại được của dân gần 100 tấn vàng. Toàn bộ chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới là thuộc về ngân sách nhà nước để đầu tư lại cho nền kinh tế, thực hiện các công trình phúc lợi xã hội. Chính chênh lệch giá vàng cao ở những thời điểm nhất định và hoạt động can thiệp theo hình thức đấu giá của NHNN đã làm mất đi động lực đầu cơ, làm giá, tạo sóng kiếm lời của giới đầu cơ, và do vậy góp phần kiềm chế "vàng hóa" nền kinh tế…

Ngoài ra, thực hiện cơ chế quản lý vàng mới theo tinh thần Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã giúp tiết giảm nguồn ngoại tệ cho mục tiêu nhập khẩu vàng so với những năm trước đây. Mục tiêu trước mắt và mục tiêu trực tiếp là bình ổn thị trường vàng nói chung, trong đó có bình ổn giá vàng trong nước để tránh việc đầu cơ trục lợi do giá vàng lên xuống thất thường. Nếu chúng ta làm tốt công tác này, cộng với việc tiếp tục ổn định được kinh tế vĩ mô, thì tin tưởng chắc chắn rằng giá vàng trong nước và thế giới sẽ sát lại gần nhau hơn.…

Quan điểm và giải pháp cần có

Khách quan mà nói, về triển vọng, vàng đã, đang và vẫn sẽ được coi là một công cụ tích trữ và hình thức tài sản, thậm chí, một công cụ để rửa tiền được ưa chuộng ở Việt Nam. Trong thời gian tới, để bình ổn thị trường vàng trong nước, đặc biệt là quản lý thị trường vàng miếng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của NHNN theo quy định của Luật NHNN, theo đúng tinh thần Nghị định 24/2012/NĐ-CP và Nghị định 86 về quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước, Quyết định 16 của Thủ tướng Chính phủ về mua bán vàng miếng của NHNN trên thị trường trong nước và các văn bản hướng dẫn thi hành hai nghị định nêu trên, cần có sự thống nhất nhận thức và đồng bộ, nhất quán trong định hướng mục tiêu và sử dụng các công cụ quản lý thị trường này. Theo đó, NHNN thực hiện chức năng quản lý và hoạch định chính sách và từng bước chủ động vai trò là người kiến tạo và mua bán cuối cùng trên thị trường; bảo đảm quyền lợi hợp pháp và hài hòa của các chủ thể tham gia thị trường vàng miếng theo quy định; có những giải pháp thích hợp để huy động được nguồn vàng trong dân cư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các hoạt động đấu thầu vàng miếng sẽ được tiếp tục với sự tuân thủ các nguyên tắc thị trường ngày càng đầy đủ hơn và sự tham gia rộng rãi, tự do hơn của các đối tượng và chủ thể thị trường. Các yêu cầu về phương thức thanh toán và cung ứng vàng trúng thầu cũng cần được nâng cao hơn để bảo đảm an ninh ngoại hối và quyền lợi của các chủ thể tham gia thị trường này. Đặc biệt, cần khẳng định mục tiêu cao nhất của quản lý nhà nước đối với thị trường vàng miếng là góp phần ổn định và dễ dự đoán các động thái thị trường vàng trong nước theo sát các động thái giá và xu hướng thị trường vàng thế giới; theo yêu cầu của Quốc hội, cần gia tăng sự liên thông thị trường của vàng trong nước với vàng quốc tế, từng bước thu hẹp sự cách biệt giá trong nước và quốc tế; giải tỏa sức ép các yếu tố tâm lý về sự khan hiếm vàng giả tạo, cũng như các hoạt động đầu cơ, buôn lậu, găm giữ vàng và kỳ vọng tăng giá một chiều trong tương lai; giảm dần giao dịch vàng miếng để chuyển sang giao dịch tập trung, có tổ chức các sản phẩm khác của vàng với hệ thống các công cụ bảo hiểm rủi ro; ngày càng hội nhập và tiếp cận được những sản phẩm tài chính quốc tế; ưu tiên lợi ích ổn định vĩ mô và cân đối, bảo đảm an toàn dự trữ ngoại hối; ngăn chặn các hiện tuợng liên kết làm giá, giữ giá, đẩy giá trong và sau đấu thầu vàng miếng; giám sát việc sử dụng vàng và giá bán lẻ đối với lượng vàng trúng thầu; giảm thiểu việc các tổ chức tín dụng cho vay để kinh doanh vàng; nâng cao hơn các yêu cầu minh bạch hóa và phòng chống rửa tiền trong kinh doanh vàng...

Hơn nữa, cần tránh ngộ nhận và đồng nhất việc độc quyền nhập khẩu và dập vàng thương hiệu quốc gia giống như độc quyền sản xuất tiền của Chính phủ, càng không thể quản lý vàng theo thương hiệu quốc gia như một dạng tiền tệ chính thức quốc gia. Nói cách khác, không thể dùng quyền độc quyền vàng như một loại máy in tiền; không thể biến việc chống “vàng hóa” thành việc “tiền tệ hóa” vàng, nếu không muốn biến một quốc gia từ chỉ có một đồng bản tệ duy nhất thành có 2 đồng tiền cùng lưu hành chính thức và độc quyền như nhau.

Chủ trương thực hiện quản lý vàng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP để chống “vàng hóa” (nhất là coi vàng như công cụ thanh toán) là đúng và cần thiết, bảo đảm hiệu qủa của chính sách tiền tệ quốc gia có mục tiêu; song cần thực hiện quản lý vàng miếng thương hiệu quốc gia trên cơ sở pháp lý đầy đủ, minh bạch, không ngộ nhận hoặc lạm dụng, nhất là cần tránh việc ngộ nhận vàng thương hiệu quốc gia là tiền quốc gia, khiến làm tăng giá trị ảo của vàng miếng thương hiệu quốc gia, biến vàng miếng thương hiệu quốc gia thành “đồng tiền quốc gia thứ hai”, điều tự mâu thuẫn với yêu cầu chỉ được phép lưu hàng một đồng tiền duy nhất trên toàn lãnh thổ Việt Nam, như mục tiêu đặt ra ban đầu của quản lý nhà nước và phù hợp với thông lệ trên thế giới..

Sự bám sát giá vàng trong nước và thế giới là nguyên tắc của giá cả thị trường trong bối cảnh toàn cầu hóa; cũng như là điều kiện để giảm thiểu tình trạng đầu cơ, sốt giá và rủi ro kinh doanh vàng. Lời hứa về triển vọng giá vàng trong nước sẽ bám sát giá vàng thế giới từ sau tháng Sáu năm 2013 khi đã tất toán trạng thái vàng của các NHTM cần có cơ chế pháp lý cụ thể bảo đảm điều này trên thực tế.

Về tổng thể và trung hạn, giá vàng sẽ tiếp tục có những động thái bất thường, không loại trừ sự gia tăng và sụt giảm nhanh với những biên độ lớn và giật cục. Những nguyên nhân cội rễ lớn nhất và trực tiếp của sự biến động này chính là những toan tính, chính sách và hành động có chủ đích nhằm thao túng thị trường và tạp sức ép có lợi trong thương mại và thương lượng chính trị quốc tế của một số nước lớn, các quỹ đầu cơ vàng và cả là hệ quả của cuộc chiến tiền tệ trên thế giới, cũng như sự thiếu lành manh tài chính-ngân hàng tiềm tàng trong nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt, yếu tố tâm lý và sự nhậy cảm giá vàng tùy thuộc tỷ lệ thuận với độ “đóng cửa”, thiếu liên thông trực tiếp, nhanh nhậy và thiếu minh bạch thông tin trên thị trường vàng trong nước. Vì vậy, việc bảo đảm dòng chảy tự nhiên của vàng giữa thị trường trong nước và quốc tế theo các nguyên tắc thị trường và sự phát triển đầy đủ, vận hành có hiệu năng thực tế của các thể chế thị trường là hết sức cần thiết; Đồng thời, việc tăng cường quản lý các hiện tượng buôn lậu, đầu cơ, tung tin đồn thất thiệt và những hiện tượng lạm dụng để trục lợi cũng quan trọng không kém trong hoạt động quản lý nhà nước đối với thị trường vàng...

Ngày 22/4, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra trách nhiệm việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của NHNN đối với hoạt động kinh doanh vàng, huy động và cho vay vốn bằng vàng. Khoảng thời gian thanh tra sẽ tính từ tháng 1/2009 đến hết tháng 3/2013. Tuy nhiên, khi cần thiết, có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên. Thời hạn thanh tra là 60 ngày kể từ ngày công bố quyết định thanh tra (22/4)…Hy vọng, qua thanh tra sẽ góp phần hoàn thiện quản lý thị trường vàng miếng Việt Nam hơn nữa…/.

(Theo Nhân dân)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất