Công tác xã hội đặt trọng tâm hỗ trợ, giúp đỡ những người gặp khó khăn hoặc những người bị đẩy ra ngoài xã hội (người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, phụ nữ, người già ...). Sứ mạng của công tác xã hội là nỗ lực hành động nhằm giảm thiểu những rào cản trong xã hội; sự bất công và bất bình đẳng.
Vai trò của truyền thông đối với việc thực hiện công tác xã hội
Một là, làm rõ các nguyên tắc của công tác xã hội
Thông tin, truyền thông cần làm rõ các nguyên tắc thực hiện công tác xã hội, bao gồm:
- Nguyên tắc đoàn kết: Đây là nguyên tắc có tính đạo đức; nó hướng vào việc đề cao tinh thần trách nhiệm và gắn bó với nhau trong nội bộ từng nhóm xã hội và giữa các nhóm xã hội với nhau, nhằm tạo ra sự đồng cảm, đồng thuận về lợi ích và sự nhất trí về điều kiện sống.
- Nguyên tắc hỗ trợ: khẳng định sự sẵn sàng hỗ trợ, nhưng coi trọng việc tự giúp mình hay “tự cứu mình” quan trọng hơn so với việc hỗ trợ từ bên ngoài. Việc hỗ trợ (bảo trợ) từ bên ngoài chỉ mang tính bổ sung. Các thể chế pháp luật của Nhà nước cần trợ giúp và khuyến khích các tổ chức xã hội giải quyết các vấn đề bảo đảm xã hội. Một người chỉ nhận được bảo trợ xã hội khi không có khả năng tự lo được cho bản thân và người đó không nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ người thân, họ hàng hoặc từ các nguồn lực xã hội khác. Nguyên tắc hỗ trợ cần được đặc biệt coi trọng khi thực hiện chế độ trợ cấp và bảo trợ xã hội để hạn chế tình trạng thụ động từ phía người được hỗ trợ.
- Nguyên tắc tự đảm nhận trách nhiệm: Nguyên tắc này tương đồng với nguyên tắc hỗ trợ, đề cao quyền tự do và tự đảm nhận trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc tham gia xây dựng và thực hiện bảo đảm xã hội. Nhưng khác với nguyên tắc bổ sung, nguyên tắc tự đảm nhận trách nhiệm có những điều khoản mang tính pháp quy do Nhà nước ban hành nhằm buộc các cá nhân tham gia xây dựng, thực hiện bảo đảm xã hội như tham gia bảo hiểm xã hội.
- Nguyên tắc tự quản về xã hội: khuyến khích các cộng đồng dân cư, doanh nghiệp tích cực thực hiện bảo đảm xã hội, ví dụ bảo đảm xã hội, bảo hiểm y tế theo doanh nghiệp và tương trợ, giúp đỡ nhau trong làng, xã, khu dân cư đô thị,...
- Nguyên tắc bù đắp thiếu hụt về nhu cầu: việc trợ cấp và bảo trợ xã hội chỉ có chức năng bảo đảm mức sống tối thiểu về vật chất, văn hóa và xã hội cho sự tồn tại của con người.
- Nguyên tắc cá nhân hóa sự trợ giúp: thực hiện các hình thức và mức độ trợ giúp theo từng trường hợp riêng, theo từng đối tượng cụ thể.
Trong 6 nguyên tắc trên thì 4 nguyên tắc đầu là để định hướng đối với công tác xã hội nói chung còn hai nguyên tắc cuối để chỉ đạo trực tiếp khi hành nghề công tác xã hội. Đối với nghề công tác xã hội, việc bù đắp sự thiếu hụt về nhu cầu và cá nhân hóa sự trợ giúp là hai nguyên tắc có tính đặc trưng. Cả hai đều mang tính nhân đạo. Riêng nguyên tắc cá nhân hóa sự trợ giúp là nhằm vào những đối tượng đặc biệt.
Hai là, truyền thông góp phần thúc đẩy hình thành, phát triển nguồn vốn xã hội để phát triển lĩnh vực công tác xã hội
Truyền thông trong lĩnh vực công tác xã hội, tuy không trực tiếp tạo ra công ăn việc làm cho nghề công tác xã hội nhưng thúc đẩy hình thành, phát triển nguồn vốn xã hội (tri thức, kinh nghiệm, cách thức làm công tác xã hội và các loại hình công việc, các khâu của mạng lưới công tác xã hội,...). Lĩnh vực công tác xã hội gắn với đời thường (với cái ăn, cái ở, cái mặc, cái vui, cái buồn, cái đói, cái rét, bệnh tật,...); gắn với các quan hệ thường nhật, trước hết của những người yếu thế trong xã hội - những người không thể tự chăm lo các quan hệ xã hội của mình trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế. Truyền thông về công tác xã hội phải hướng vào cái đời thường ấy với những tâm tư, nguyện vọng, với niềm vui và nỗi buồn thường nhật của người được thụ hưởng sự trợ giúp xã hội và của cả những người lao động làm công tác xã hội.
Trong điều kiện hiện nay, yêu cầu đầu tiên khi thông tin, truyền thông về những vấn đề xã hội của lao động trong công tác xã hội là phải hướng đến sự đồng thuận xã hội, nhất là sự đồng thuận xã hội trong quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động công tác xã hội tại tất cả các thành phần kinh tế. Đi theo hướng ấy, công tác thông tin, truyền thông sẽ góp phần làm cho lao động cạnh tranh, bươn trải và nhân đạo của những người làm công tác xã hội ngày càng giàu tính người hơn.
Ba là, góp phần thực hiện vai trò quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực công tác xã hội
Truyền thông giữ vai trò định hướng dư luận xã hội thuận lợi cho việc thúc đẩy phát triển công tác xã hội; tạo môi trường xã hội thuận lợi cho việc xây dựng đường lối, chủ trương, luật pháp, chính sách cũng như thực hiện công tác tổ chức, quản lý đối với một nghề vẫn còn mới trong danh mục nghề nghiệp ở nước ta. Truyền thông phải đóng góp tích cực vào việc truyền đạt, giải thích, hướng dẫn việc thực hiện đường lối, chủ trương, luật pháp, chính sách của Đảng, Nhà nước và những phương hướng công tác lớn của các quan hệ lao động trong nghề công tác xã hội. Nó cũng phải góp phần tích cực vào việc chỉ đạo, hướng dẫn công tác chuyên môn; động viên những người làm công tác xã hội giống những người “làm dâu trăm họ” yêu những công việc đời thường và yêu những “mảnh đời lang thang cơ nhỡ” cần được trợ giúp xã hội.
Thông qua các mục tuyên truyền, giáo dục, thông tin có chọn lọc, trao đổi ý kiến, kinh nghiệm về các khâu công tác xã hội, thông tin, truyền thông cần góp phần phát hiện, biểu dương điển hình, nhân tố mới; đấu tranh chống hiện tượng tiêu cực trong công tác xã hội.
Để truyền thông tác động cùng chiều đến sự phát triển lĩnh vực công tác xã hội
Truyền thông về lĩnh vực công tác xã hội cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động theo hướng kết nối với truyền thông về các lĩnh vực kinh tế, luật pháp, đối ngoại, văn hóa nhằm phát triển mạng lưới công tác xã hội sâu rộng với đội ngũ đông đảo những người làm dịch vụ xã hội, và nhất là tự nguyện làm công tác xã hội phi lợi nhuận, trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế.
Một là, nâng cao nhận thức về vai trò của truyền thông trong việc thúc đẩy sự phát triển của công tác xã hội
Truyền thông về công tác xã hội cần định hướng được dư luận xã hội quan tâm, ủng hộ công tác xã hội; hơn thế còn lôi cuốn ngày càng nhiều người thuộc các tầng lớp dân cư khác nhau tích cực thực hiện công tác xã hội dưới các hình thức dịch vụ xã hội hoặc hoạt động công ích, không vụ lợi và tạo được mạng lưới bảo đảm xã hội sâu rộng trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế.
Hoạt động truyền thông về lĩnh vực công tác xã hội thông qua việc đổi mới nội dung, phương pháp và mở rộng quan hệ phối hợp, kết nối với hoạt động truyền thông ở các lĩnh vực khác, để đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần làm cho công tác xã hội được thực hiện ngay trong các hoạt động kinh tế, sản phẩm kinh tế.
Hai là, đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động của truyền thông nhằm tăng cường sự tác động cùng chiều đến sự phát triển lĩnh vực công tác xã hội
Nội dung truyền thông về công tác xã hội cần được đổi mới trên cơ sở bám sát đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt liên quan đến công tác xã hội để xác định trọng tâm của các sản phẩm thông tin và truyền thông nhằm triển khai thực hiện thông tin “đi trước một bước” đối với việc thực hiện mỗi phương hướng, nhiệm vụ phát triển mạng lưới công tác xã hội của đất nước. Đồng thời, chú ý truyền thông những vấn đề nổi cộm đang thúc đẩy hoặc cản trở sự phát triển mạng lưới công tác xã hội, đặc biệt ở vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số...
Đổi mới phương pháp hoạt động truyền thông nhằm tác động cùng chiều đến sự phát triển mạng lưới công tác xã hội, trước tiên và cơ bản phải liên kết với các bộ, ngành, tổng công ty hoặc tập đoàn kinh tế, để có nhiều sản phẩm truyền thông đáp ứng yêu cầu bảo đảm xã hội. Thông qua liên kết, từng bước đa dạng hóa cách làm thông tin, truyền thông hai chiều để người làm thông tin và người làm kinh doanh trao đổi thông tin, nhằm tạo được thông tin có chất lượng cao, thúc đẩy phát triển mạng lưới công tác xã hội phục vụ việc bảo đảm xã hội trước tiên và cơ bản ngay trong các hoạt động kinh tế.
Ba là, phối hợp hoặc liên kết truyền thông về lĩnh vực công tác xã hội với thông tin, truyền thông về các lĩnh vực kinh tế, luật pháp, đối ngoại, văn hóa
Giải pháp này nhằm tạo ra phông thông tin tổng hợp có chất lượng cao, hạn chế những tác động của mặt trái kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế và thúc đẩy phát triển lĩnh vực công tác xã hội một cách bền vững.
Sự tác động của truyền thông đến lĩnh vực công tác xã hội không diễn ra đơn lẻ, mà thông qua sự phối hợp hoặc kết nối thông tin, truyền thông về các lĩnh vực khác, nhất là kinh tế, luật pháp, đối ngoại và văn hóa. Chỉ thông qua đó truyền thông về công tác xã hội mới hạn chế được tình trạng “chéo giò“, “trùng tin” và mới sống động, mới thẩm thấu vào các hoạt động kinh tế, luật pháp, đối ngoại, văn hóa. Công tác xã hội cần thông tin về các lĩnh vực kinh tế, luật pháp, đối ngoại và văn hóa để xử lý các tình huống xã hội diễn biến nhanh, phức tạp. Truyền thông về lĩnh vực công tác xã hội, một mặt, tổng hợp được các loại thông tin đó để thúc đẩy phát triển lĩnh vực công tác xã hội; mặt khác, thông qua các loại thông tin này, sức tác động của thông tin, truyền thông đến lĩnh vực công tác xã hội sẽ sinh động, sâu sắc hơn.
Để thực hiện giải pháp này nên có các hình thức phối hợp hoặc liên kết giữa các cơ sở truyền thông của các ngành khác nhau để có các sản phẩm truyền thông đa dạng và hiệu quả nhằm tăng cường tác động cùng chiều đến sự phát triển lĩnh vực công tác xã hội từ nhiều phương diện khác nhau.
Bốn là, xác định rõ đối tượng thụ hưởng công tác xã hội
Đối tượng thụ hưởng công tác xã hội gồm tất cả mọi người dân có nhu cầu về dịch vụ xã hội, trước tiên và cơ bản là người tàn tật, người không nơi nương tựa, trẻ mồ côi, người già, người thất nghiệp...
Trước tiên, công tác xã hội cần quan tâm đến những nhóm đối tượng sau: trẻ mồ côi; người già không nơi nương tựa; những người tàn phế về thể chất và trí tuệ không thể tự chăm sóc mình được. Trước đây, những người này được chăm sóc tại gia đình. Ngày nay, mô hình “gia đình hạt nhân” trong nhiều trường hợp không đủ khả năng để chăm sóc những người khuyết tật, do đó phần lớn những người khuyết tật; những người bị tổn thương về thể chất và tinh thần trong quá trình lao động, sau đó bị sa thải và không được hưởng bảo hiểm hưu trí hay y tế; hoặc những người bị tổn thương tinh thần do ly hôn, con chết đột ngột...; những người “tự tạo” thương tật cho bản thân, ví dụ nghiện hút dẫn đến ốm đau;… có nhu cầu được chăm sóc tại các cơ sở dịch vụ xã hội hoặc từ thiện.
Tiếp đó, công tác xã hội cần quan tâm thực hiện cho các đối tượng sau:
- Hỗ trợ đào tạo - bồi dưỡng nghề hay tìm việc làm, tạo việc làm cho những người nông dân có đất thuộc diện chuyển đổi mục đích sử dụng tại các vùng ven đô thị và nông thôn;
- Hỗ trợ việc học nghề cho những người tàn tật vẫn có thể tự chăm sóc và làm một số công việc nhẹ (may, thủ công mỹ nghệ,...) nhằm mục đích duy trì, cải thiện, xác lập, hoặc xác lập lại khả năng hành nghề của người tàn tật phù hợp với khả năng lao động của họ và bảo đảm cho họ hòa nhập nghề một cách ổn định;
- Hỗ trợ đào tạo - bồi dưỡng nghề, hay tìm việc làm, tạo việc làm và hòa nhập cộng đồng của những người thất nghiệp.
Để thực hiện các công tác xã hội trên đây thì người sử dụng lao động cũng có thể nhận được sự hỗ trợ xã hội, để chi trả việc đào tạo và bồi dưỡng nghề và để bố trí chỗ đào tạo và làm việc phù hợp với những đối tượng trên. Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nghề cho người tàn tật hòa nhập vào nghề mới cũng được hỗ trợ các khoản vay và trợ cấp, nếu là cần thiết cho các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đó. Nói cách khác, những người sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nghề cho các đối tượng trên cũng là đối tượng của công tác xã hội./.
TS. Nguyễn Văn Hậu
Nguồn : molisa.gov.vn