Thứ Hai, 30/9/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 1/11/2013 13:30'(GMT+7)

Hướng thiết kế sách giáo khoa năm 2015

GS.TS Mike Horsley cho rằng cần thay đổi quan niệm về bản chất và vai trò của SGK

GS.TS Mike Horsley cho rằng cần thay đổi quan niệm về bản chất và vai trò của SGK

Đây là những vấn đề được nhiều nhà khoa học quan tâm tại hội thảo quốc tế “Đổi mới và hiện đại hóa chương trình và sách giáo khoa theo định hướng phát triển bền vững”, diễn ra trong 2 ngày 30 và 31-10, tại Hà Nội.

Hội thảo đã chỉ ra những bộc lộ, hạn chế mà SGK phổ thông hiện hành ở Việt Nam chưa đáp ứng được những đòi hỏi mới sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong thời gian tới. Vì vậy, việc đổi mới căn bản, toàn diện SGK phổ thông sau 2015 là một đòi hỏi cấp bách không thể trì hoãn.

Thay đổi tư duy về SGK

Để thực hiện được mục tiêu này, câu hỏi quan trọng cần phải được giải đáp là SGK mới sau năm 2015 cần được đổi mới và hiện đại hoá theo quan điểm, tầm nhìn nào và cần phải đáp ứng yêu cầu cơ bản nào của nhà trường Việt Nam sau 2015 ?.

Theo PGS. TS Trần Đức Tuấn, Nhà xuất bản GD Việt Nam, các chương trình và SGK mới được xây dựng theo tiếp cận đầu ra coi trọng việc phát triển năng lực hành động, đặc biệt là năng lực phát triển bền vững của học sinh (HS). Những năng lực cốt lõi này rất cần thiết, giúp HS sau khi rời ghế nhà trường có khả năng sống bền vững và tham gia có hiệu quả vào các hoạt động kinh tế - xã hội. Năng lực hành động được coi là cơ sở để lựa chọn nội dung SGK, để xác lập và tổ chức các điều kiện và các hoạt động GD.

Do đó, SGK phổ thông mới phải là công cụ hữu hiệu để tổ chức dạy học theo quan điểm lấy HS làm trung tâm theo hướng tăng cường hoạt động dạy học hợp tác và tương tác; là sản phẩm của công nghệ GD; vì sự phát triển bền vững.

GS.TS Mike Horsley, Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Quốc tế về SGK và Phương tiện Giáo dục (IARTEM), cho rằng sự thay đổi quan niệm về bản chất và vai trò của SGK và tài liệu dạy học trên lớp phản ánh những phân tích SGK và việc sử dụng SGK của giáo viên (GV). Điều này liên quan tới bản chất việc học của HS và thúc đẩy những thay đổi trong chương trình.

Trước đây, khi hoạt động học coi trọng việc lĩnh hội kiến thức thì SGK là phương tiện cơ bản để truyền tải kiến thức, do vậy nó tập trung vào việc cung cấp thông tin và các hoạt động tương ứng. Điều đó có nghĩa GV và SGK là nguồn cung cấp kiến thức và SGK đã cấu tạo nên chương trình dạy - học của GV và HS. Khi SGK được quan niệm là tài liệu tạo cơ hội giúp HS kiến tạo hiểu biết thông qua việc cung cấp nhiều nguồn kiến thức cho phép HS phát triển cách hiểu riêng. Khi đó, SGK sẽ cung cấp cho HS nhiều hoạt động học tập, phản ánh quan điểm kiến tạo về bản chất tích cực của học tập, GS.TS Mike Horsley cho hay.

Đồng quan điểm đó, GS.TS Đinh Quang Báo, thường trực Ban chỉ đạo Đề án Đổi mới Chương trình và SGK GD phổ thông sau 2015, cho rằng: Chúng ta thường phê phán SGK theo hai chiều hướng cực đoan: hoặc là gán cho SGK quá nhiều vai trò và chức năng, hoặc ngược lại chỉ quy định cho SGK rất ít chức năng trong khi nó có thể đảm nhiệm nhiều hơn.

SGK luôn luôn là công cụ của GV và HS trong quá trình dạy học và chỉ phát huy hiệu quả khi cả hai đối tượng này đồng pha trong việc khai thác, sử dụng tiềm năng của nó để dạy học hiệu quả nhằm đạt được mục tiêu GD mà chương trình quy định.
Học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội- Amsterdam học tập tiếp cận theo hướng hình thành năng lực học sinh

Tiếp cận theo hướng “xoắn ốc”

GS.TS Đinh Quang Báo đề xuất mô hình cấu trúc SGK với các phần chính đáp ứng được tư tưởng đổi mới GD phổ thông của Việt Nam sau năm 2015, đó là phần mở đầu phải coi là phần rất quan trọng, có nội dung nhập môn.

Theo đó, phải có phần giới thiệu giá trị khoa học của môn học, đặc biệt là giá trị của nó đối với hành trang tri thức của mỗi người; hướng dẫn HS phương pháp nghiên cứu môn học, các kĩ năng chuyên biệt và năng lực chung mà môn học góp phần phát triển ở HS; liên hệ nội dung môn học với các môn học khác; nêu các đề tài nghiên cứu có ý nghĩa...

Phần nội dung không nên trình bày đơn vị bài học theo tiết học, mà nên theo chủ đề nội dung ứng với các tình huống tích hợp.

Với quan điểm nội dung SGK cần được triển khai theo phương thức xoắn ốc không cố định hay bị chia tách, mà theo chủ đề và theo dự án học tập thực tế, TS Hoàng Thị Tuyết, Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho rằng: Chủ đề hội tụ được lặp đi lặp lại theo những độ phức tạp và độ khó khác nhau phù hợp với người học. Người học được kể lại hoặc xem xét lại định kì các khái niệm và kĩ năng có liên quan đến chủ đề ở những ngữ cảnh khác nhau và với sự gia tăng độ phức tạp trong suốt chương trình. Điều này nhằm mục đích củng cố sự hiểu biết của HS về các điều cơ bản của việc học liên quan đến chủ đề.

Theo quan điểm lấy người học làm trung tâm, cấu trúc SGK cần có tính mở và không được sử dụng một cách tuyến tính, từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng. Nó phải là một công cụ trí tuệ được sử dụng để chuyển đổi quá trình làm việc của GV từ việc giảng dạy bám SGK và từ việc học tập do GV quyết định đến việc học tập theo hướng thúc đẩy sự tìm tòi, khám phá của HS.

Việc sử dụng SGK khôn ngoan giúp cho GV có thể mang kinh nghiệm và tài năng của mình vào các bài học, giảm tình trạng mai một kỹ năng sư phạm, cũng như giúp họ gắn kết sâu sắc với việc học của HS.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Nguyễn Vinh Hiển: SGK phải vừa là nơi cung cấp nội dung dạy học, vừa là nơi khởi đầu, kích thích sự tìm tòi kiến thức từ các nguồn khác nhau, gắn với cuộc sống, sự kiện từ quê hương, đất nước. SGK phải tạo cơ hội cho việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực theo phương châm lấy quá trình học tập của học sinh làm trung tâm và khơi gợi hứng thú, khát vọng học tập suốt đời, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề trong cuộc sống và trong học tập của các em.

Cùng với việc xác định các đặc điểm phải có, các yêu cầu đối với SGK, chúng ta cần phải xây dựng một hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá SKG để làm căn cứ xuất phát cho các tác giả SGK; đồng thời, phải làm công cụ cho việc đánh giá, thẩm định SGK, giúp Bộ GD-ĐT trong việc phê duyệt, cho phép sử dụng SGK trong dạy học.

 THU HÀ (QĐND)

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất