Thứ Hai, 30/9/2024
Môi trường
Chủ Nhật, 14/6/2009 17:55'(GMT+7)

Hướng tới Hiệp ước mới về biến đổi khí hậu

Các đại biểu tham dự Hội nghị về Biến đổi khí hậu của LHQ.

Các đại biểu tham dự Hội nghị về Biến đổi khí hậu của LHQ.

Tại cuộc họp này, các đại biểu đã thông qua một văn kiện dày 200 trang, được coi là xuất phát điểm cho các cuộc thảo luận tại Copenhagen vào tháng 12 tới.

Văn kiện đã phác thảo các kế hoạch cắt giảm khí thải tại các nước công nghiệp và giới hạn mức độ tăng khí thải tại các nước đang phát triển, đề cập tới biện pháp ngăn chặn nạn phá rừng, nguyên nhân trực tiếp làm trái đất nóng lên, vấn đề hỗ trợ tài chính giúp các quốc gia đang phát triển thích ứng với hiện tượng trái đất nóng lên.

Thư ký điều hành Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) Yvo de Boer cho rằng "dù không còn nhiều thời gian, nhưng chúng tôi tin chính phủ các nước vẫn có thể cùng đi tới một thoả thuận và mong muốn thực hiện Hiệp định."  

Mục tiêu của Hiệp định mới sẽ tiến xa hơn Nghị định thư Kyoto năm 1997, một bản Hiệp định về biến đổi khí hậu đặt ra mục tiêu cắt giảm khí thải cho các nước công nghiệp.

Kết thúc Hội nghị, Liên Hợp Quốc (LHQ) đã tuyên bố: Để ngăn chặn thảm hoạ biến đổi khí hậu, các nước công nghiệp cần cắt giảm 40% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tới năm 2020 và 80% tới năm 2050 so với mức cam kết năm 1990. Với các quốc gia đang phát triển, con số này có thể từ 25 tới 40%.

Chuyển biến tích cực trong chính sách môi trường của Mỹ

Những động thái gần đây của Mỹ đang tạo ra hy vọng cho việc thông qua Hiệp ước mới về biến đổi khí hậu toàn cầu.

Bên lề Hội nghị tại Bonn, Trưởng đoàn đại biểu Mỹ Jonathan Pershing đã tuyên bố  các nhà đàm phán Mỹ ý thức được biến đổi khí hậu là một vấn đề cấp thiết và cần tới sự hưởng ứng sâu rộng trên phạm vi toàn cầu.

Ông đã có mặt tại Bắc Kinh tuần này để cùng thảo luận với các quan chức Trung Quốc về vấn đề biến đổi khí hậu, thông báo nước Mỹ không yêu cầu các quốc gia khác như Trung Quốc phải cắt giảm, mà chỉ cần tiến hành một số động thái nhằm hạn chế lượng khí thải.

Mặc dù chưa có các cam kết cụ thể, các nhà môi trường vẫn tin tưởng vào sự tham gia tích cực từ nhiều quốc gia, đặc biệt là Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai quốc gia chiếm tới 40% lượng khí thải hiện nay.

Vẫn tồn tại nhiều bất đồng

Trong các cuộc đối thoại, đại biểu tới từ các quốc gia đang phát triển phàn nàn các quốc gia phát triển vẫn chưa đưa ra các cam kết đầy đủ về lượng khí thải cần giảm bớt. Họ đặc biệt bị bất ngờ trước tuyên bố của Nhật Bản trong tuần này khi cam kết tới năm 2020 chỉ giảm 8% lượng khí thải so với mức cam kết năm 1990.

Phái viên Ấn Độ Shyam Saran cho rằng, mục tiêu này vẫn chưa đủ. Trung Quốc và các nước đang phát triển khác yêu cầu các nước giàu giảm bớt lượng khí thải hơn 40% so với mức cam kết năm 1990.

EU chấp nhận mức cắt giảm có thể từ 20% lên tới 30% nếu các quốc gia phát triển khác cùng cam kết. Tổng thống Obama nói, ông muốn đưa lượng khí thải của Mỹ về mức năm 1990.

Vòng đàm phán tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra tại Bonn (Đức) từ 10-14/8, tiếp sau là hàng loạt các cuộc thảo luận tại Bangkok (Thái Lan) từ 28/9 tới 9/10 và tại Barcelona (Tây Ban Nha) từ ngày 2 - 6/11. Sau đó sẽ tới cuộc họp tại Copehagen từ 7-18/12, nơi chính phủ các quốc gia trên thế giới sẽ thống nhất việc thông qua một Hiệp định mới.

Các quan chức đang đặt niềm tin vào Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển (G8) sẽ diễn ra vào tháng tới tại Italia, nơi chủ đề này sẽ được đặt lên bàn nghị sự của các nhà lãnh đạo./.
 
(chinhphu.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất