Thứ Bảy, 23/11/2024
Văn hóa
Chủ Nhật, 14/4/2019 8:10'(GMT+7)

Hướng về cội nguồn, quy tụ sức mạnh đoàn kết

(Ảnh: TTXVN)

(Ảnh: TTXVN)

Hằng năm, cứ vào dịp mồng Mười tháng Ba âm lịch, con Rồng cháu Tiên từ khắp mọi miền đất nước và từ nhiều nước trên thế giới lại hướng về đất Tổ - Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ) và nhiều địa điểm linh thiêng ở các tỉnh, thành phố để dâng hương kính lễ tổ tiên, tưởng nhớ công ơn của các Vua Hùng.

Hạnh phúc của một dân tộc không thể thiếu cội nguồn, giang sơn và hòa bình. Chúng ta thật tự hào có cội nguồn bền vững. Sáng tỏa mấy nghìn năm nay hình tượng Cha Lạc Long Quân, Mẹ Âu Cơ cùng 18 đời Vua Hùng luôn khắc sâu trong tâm khảm người dân. Chúng ta có giang sơn hùng vĩ, núi non trùng điệp, ruộng đồng, biển rộng bao la... do ông cha để lại. Và, sau nhiều cuộc xâm lăng của các thế lực ngoại bang, đất nước ta đã có hòa bình.

Những gì có được hôm nay là vô giá, tính từ mỗi tấc đất, thước biển, mỗi ngày bình yên, từng công trình dựng lên trên mảnh đất còn không ít dấu tích chiến tranh. Bỗng nhớ biết bao lời Bác Hồ căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, người người hành hương về nguồn cội - Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ) và nhiều địa điểm thờ cúng, tưởng niệm các Vua Hùng ở các địa phương. Là con dân đất Việt, ai cũng nhớ ngày Giỗ Tổ và luôn mang trong mình truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” được truyền từ đời này qua đời khác. Không chỉ ở trong nước, Giỗ Tổ Hùng Vương còn được tổ chức trong cộng đồng người Việt ở nhiều nước trên thế giới.

Giỗ Tổ Hùng Vương hội tụ nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa đất nước, đặc biệt là sự kết nối, hội tụ, đoàn kết và hòa hợp dân tộc với tinh thần “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Nghĩa đồng bào thật cao cả! Chúng ta, dù ở đâu, làm gì cũng đều là con Lạc, cháu Hồng. Các Vua Hùng là điểm tựa tinh thần bất tử của dân tộc đã mấy nghìn năm. Hướng về cội nguồn là hướng về đất nước, cùng chung khát vọng, chung sức đồng lòng, đoàn kết toàn dân tộc để dựng xây giang sơn gấm vóc ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Lời non sông vang vọng, lan tỏa từ đất Tổ linh thiêng. Núi Nghĩa Lĩnh không cao, nhưng muôn đời là biểu tượng của sự quy tụ, đoàn kết dân tộc. Mỗi người dân đến đây, hoặc chưa có dịp về đây, đều thành kính thắp nén hương thơm cùng bánh chưng, bánh giầy dâng lên Quốc Tổ Lạc Long Quân, Quốc mẫu Âu Cơ và các Vua Hùng, với lòng thành kính, biết ơn, lòng yêu nước, thương nòi; nghĩ và làm những điều tốt đẹp cho đất nước, cho dân tộc.

Hận thù, ngăn cách, chia rẽ không bao giờ là mong muốn của tổ tông. Hòa hợp, đoàn kết muôn người mới là điều cao cả. “Thương người như thể thương thân”, đó là minh triết sống, là truyền thống, nét đẹp văn hóa của dân tộc có từ lâu, từ thuở dân đi cấy, vua đi cày, từ thời những cánh chim Lạc bay qua các thửa Lạc điền dưới chân đồi bát úp. Xưa xa, nhưng cũng rất gần!

Cần tiếp tục làm tốt việc giáo dục, hun đúc, phát huy giá trị truyền thống lịch sử, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tự tôn dân tộc, nhất là với thế hệ trẻ, tạo sức lan tỏa hơn nữa của Giỗ Tổ Hùng Vương - Ngày lễ trọng đại của dân tộc, ngày Quốc lễ của Việt Nam.

Công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hành trình hướng tới tương lai tươi sáng luôn đồng hành với sự quy tụ, đoàn kết dân tộc vững bền.

Đó cũng chính là tinh thần bất diệt của Giỗ Tổ Hùng Vương./.

Nguyễn Hữu Quý (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất