Thứ Bảy, 23/11/2024
Văn hóa
Thứ Hai, 15/4/2019 9:33'(GMT+7)

Hướng về nguồn cội

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. (Ảnh: nhandan.com.vn).

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. (Ảnh: nhandan.com.vn).

Đất nước - dân tộc có chung một cội nguồn Tiên - Rồng, có ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, có đền thờ Quốc Tổ và Lăng Mộ Tổ trên núi Nghĩa Lĩnh - Phú Thọ để hằng năm thành kính bái vọng, hành hương trở về. Còn trong mỗi gia đình, nơi thiêng liêng nhất, đều có bàn thờ dòng tộc, thờ những người đã sinh thành, nuôi dưỡng, phù hộ cho cả cuộc đời mình, con cháu mình.

Thực chất của tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên của người dân Việt Nam là sự biết ơn, là lòng thành kính hướng về cội nguồn. Ở đó, còn là sự linh thiêng, sự cộng hưởng tình yêu, niềm tin tạo nên sức sống nội sinh của người Việt. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã từng viết trong bài thơ Đất nước: Nước chúng ta / Nước những người chưa bao giờ khuất / Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất / Những buổi ngày xưa vọng nói về.

Hướng về Tổ tiên, về cội nguồn với một tình cảm thiêng liêng, trong sạch nhất, là phẩm chất thấm sâu trong tâm can mỗi người Việt Nam từ nghìn đời nay: Dù ai đi ngược về xuôi / Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba. Câu ca dao ấy như một lời nhắn nhủ, một lời tâm sự, một tình cảm thủy chung, son sắt.

Trong lịch sử mấy nghìn năm dựng nước, giữ nước và mở mang đất nước của chúng ta, đã có biết bao chiến công lẫy lừng, kiên cường bảo vệ sự thống nhất trọn vẹn của Tổ quốc mình, và ngay cả trong những năm tháng dài chiến tranh, chịu đau thương tột cùng của sự chia cắt, tình cảm hướng về Tổ tiên, về cội nguồn dân tộc, về tình cảm ruột thịt Bắc - Trung - Nam không giây phút nào bị sứt mẻ, sẻ chia.

Trong công cuộc khẩn hoang, mở rộng bờ cõi đất nước, cha ông ta từ nghìn đời nay, đã trụ vững trước mọi thế lực ngoại xâm, gìn giữ đến cùng vùng đất Tổ - nơi cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ đã chia nhau đem con lên rừng, xuống biển để dựng xây, mở mang đất nước. Cũng từ ấy, những vùng đất khẩn hoang mới đã hòa nhập với vùng đất cổ để trở thành đất nước hình chữ S hiên ngang bên bờ biển Đông: Đất nước tôi có biển Đông / Vừa đủ mặn mồ hôi bốn ngàn năm lao động / Đất nước tôi có núi cao / Vừa đủ trèo lên để ngắm hết lãnh thổ mình (Quê hương mặt trời vàng - Thu Bồn).

Tổ tiên của chúng ta, cha ông của chúng ta, trong khi chịu bao thử thách để kiên cường trên hành trình khẩn hoang mở đất, xa dần vùng đất Tổ, chắc chắn rằng, không bao giờ quên được cội nguồn đất nước, luôn hướng về Tổ tiên, về đất Tổ Vua Hùng. Tôi được nghe kể về một phong tục ở phương Nam truyền lại từ thời những bậc tiền hiền đi mở ấp, lập làng. Khi đến vòng cuối của một đời người, lúc người thân qua đời, bà con phương nam thường để linh cữu đầu hướng về miền Bắc, hướng về nguồn cội. Có lẽ không có tình cảm nào sâu nặng, ý nghĩa và cao đẹp đến thế trên thế giới này. Đến như cụ Phan Thanh Giản, người có lỗi lớn với lịch sử, ký hòa ước 1862, nhượng ba tỉnh miền Đông cho thực dân Pháp và để mất ba tỉnh miền Tây vào năm 1867, không chịu được nỗi đau để mất đất cho nên tuyệt thực và uống thuốc độc tự tử, trước khi lìa đời đã hướng về miền Bắc lạy năm lạy, vì với cụ, đó không chỉ là lòng trung quân hướng về triều đình, mà còn hướng về cội nguồn, về Tổ tiên để tạ lỗi của mình?

Nhân dân miền Trung kể về truyền thuyết, ở Quảng Bình có một di tích lịch sử vô cùng đặc biệt là Bàu Tró, chỉ cách biển Đông nước mặn trong gang tấc, nhưng quanh năm chứa đầy nước ngọt. Nơi đây còn nổi tiếng về khảo cổ học với các hiện vật có niên đại hàng nghìn năm, dấu tích của người Việt cổ tại khu vực miền Trung. Thế nhưng, trong những năm đất nước bị chia cắt do nạn Trịnh - Nguyễn phân tranh, người dân phía Nam vẫn tìm đến Bàu Tró để uống nước ngọt bởi cho rằng đó là nguồn nước ngọt vô tận chảy từ cội nguồn về đây - như thể hiện tình cảm thủy chung, son sắt với đất Tổ, quê cha, với miền Bắc thân thương...

Nhìn lại lịch sử, kể từ ngày cha ông khẩn hoang, khai phá đất phương nam, dù đã đi lâu, đi xa nơi quê cha, đất Tổ, nhưng tất cả đều luôn hướng về cội nguồn, như một tình yêu máu thịt, tạo nên phẩm giá ẩn sâu trong tâm thức con người phương nam: Ai về Bắc ta đi với / Thăm lại non sông giống Lạc Hồng / Từ độ mang gươm đi mở cõi / Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long. Bài thơ Nhớ Bắc nổi tiếng của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ viết từ năm 1946 tại Chiến khu Đ thể hiện sâu sắc, chân thật đến vô cùng tình cảm thiêng liêng đó.

Nói Bắc - Nam là một nhà, là chung một cơ đồ, song không chỉ như vậy, Bắc - Nam hòa quyện, xuyên thấm vào nhau, trong nhau, đến mức không chỉ trong câu quan họ, lời vọng cổ, mà cả trong mùi vị hoa trái mỗi miền: Vẫn nghe tiếng hát thời quan họ / Xen nhịp từng câu vọng cổ buồn / Vẫn thương vẫn nhớ mùa vải đỏ / Mỗi lần phảng phất hương sầu riêng (Nhớ Bắc - Huỳnh Văn Nghệ).

Nỗi niềm có thể thấy qua tiếng bật khóc nấc nghẹn từ đáy lòng một nhà thơ phương Nam khi nhớ về cội nguồn đã làm xúc động tất cả chúng ta: Nghe quan họ đêm rằm anh bật khóc / Lời chênh vênh uốn lượn mái chùa / Vịn câu hát anh lần về cội gốc / Chợt thấy mình có lỗi với làng xưa (Nhớ mẹ và Làng quan họ - Trương Nam Hương).

Sức sống, lòng kiên cường, sự kiên trung, thủy chung của người dân đất Việt là những phẩm giá tuyệt vời được hun đúc từ những đau thương, thử thách qua nghìn đời dựng xây và bảo vệ sự trọn vẹn của Tổ quốc, vừa có sức mạnh được nhân lên từ tình yêu hướng về quê hương, về cội nguồn thiêng liêng. Như ở Tây Nguyên, đồng bào các dân tộc đã có được sự chịu đựng và sức mạnh không gì cản phá nổi trong những năm dài chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, cũng bắt nguồn từ tình yêu đó: Mẹ hỏi cây kơ-nia / Rễ mày uống nước đâu? / Uống nước nguồn miền Bắc (Bóng cây kơ-nia - Ngọc Anh). Và ở Nam Bộ, những năm chống Mỹ, cứu nước, một hình tượng sáng ngời, tượng trưng cho tình yêu vô bờ, cho sức mạnh vô song của đồng bào và chiến sĩ miền Nam là các đền thờ Bác Hồ. Những ngôi đền đơn sơ ấy mãi mãi là biểu tượng vĩnh hằng cho sự kiên cường, thủy chung, son sắt của đồng bào đối với Bác Hồ và đối với sự thống nhất, trọn vẹn của Tổ quốc ta.

Sự thống nhất trọn vẹn ấy không phải tự nhiên mà có. Bao thế hệ, bao xương máu, bao sự hy sinh từ nghìn năm nay để bảo vệ. Các thế hệ đi trước và mãi mãi những thế hệ sau này sẽ luôn ghi nhớ lời thề sắt son giành độc lập, thống nhất và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt và cho đến tận bây giờ. Chỉ lấy một thí dụ để chứng minh, Quảng Trị với hơn sáu mươi vạn dân mà bao bọc khoảng tám vạn liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thống nhất đất nước! Không thể lãng quên, không bao giờ được quên lãng những xương máu hy sinh quên mình của lớp lớp thế hệ người Việt để có được một Tổ quốc trọn vẹn.

Mãi mãi hướng về cội nguồn, biết ơn Tổ tiên, cha ông đã dựng xây nên đất nước này để nhân lên trong mỗi người chúng ta tình yêu, sự kiên trung và sức mạnh vì sự vững bền và cường thịnh của Tổ quốc ta, hôm nay và mai sau./.

GS. TS. Đinh Xuân Dũng

(Nguồn: nhandan.com.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất