Đây là kết luận của nhóm các nhà khoa học Trung tâm Nghiên cứu vắcxin thuộc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia của Mỹ (NIAID), công bố trên tạp chí Nature Medicine ra ngày 7/9.
Các nhà nghiên cứu đã tiêm vắcxin ChAd3 cho một nhóm khỉ và 5 tuần sau tiêm một liều virus Ebola cho chúng.
Một số sau đó được tiêm nhắc lại một liều vắcxin mới. Kết quả là 4 con khỉ được tiêm một liều vắcxin duy nhất có khả năng miễn dịch khi bị nhiễm Ebola, nhưng tác dụng phòng ngừa giảm dần trong thời gian sau đó. Sau 10 tháng thì chỉ 2 con có khả năng miễn dịch.
Trong khi đó, 4 con khỉ được tiêm mũi ban đầu và mũi nhắc lại sau 8 tuần đều có khả năng miễn dịch hoàn toàn trong 10 tháng kể từ ngày tiêm mũi đầu tiên.
NIAID tuyên bố là đơn vị đầu tiên phát triển vắcxin có khả năng phòng bệnh lâu dài đối với Ebola, virus cho tới nay đã cướp đi 2.097 sinh mạng trong tổng số 3.944 trường hợp nhiễm bệnh, chủ yếu ở Guinea, Liberia và Sierra Leone.
Bà Nancy Sullivan thuộc trung tâm nói trên cho biết vắcxin mới được bào chế dựa trên virus ChaAd3 ở tinh tinh. Họ dùng virus này làm tác nhân truyền ADN của Ebola vào các tế bào người.
Bản thân các mảnh ADN này không truyền bệnh nhưng thúc đẩy tế bào của người nhận vắcxin chấp nhận Ebola và phát triển khả năng miễn dịch với virus này. Liều nhắc lại dùng tác nhân khác là virus gây bệnh đậu mùa.
Ngày 28/8 vừa qua, NIAID thông báo sẽ bắt đầu thử nghiệm ChAd3 trên người vào đầu tháng Chín sau khi có kết quả nghiên cứu khả quan ở khỉ. Dự tính sẽ có kết quả các thử nghiệm này vào cuối năm nay.
Nếu được thông qua, vắcxin mới sẽ giúp phòng bệnh hữu hiệu cho người dân ở các ổ dịch hoặc những người bị phơi nhiễm vì nghề nghiệp./.
TTX