Thứ Hai, 7/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Năm, 31/12/2009 16:11'(GMT+7)

Hy vọng vào lớp trẻ kế cận bảo tồn văn hóa dân gian

Trao danh hiệu Nghệ nhân dân gian

Trao danh hiệu Nghệ nhân dân gian

Mùa giải ít cả lượng và chất

Khiêm tốn hơn so với năm 2008, mùa giải 2009 chỉ có 72 công trình tham dự giải thưởng thường niên của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Trong đó có 22 công trình Ngữ văn và Lý luận văn hoá; 36 công trình về phong tục, tập quán, hội làng; 11 công trình về tri thức dân gian như ẩm thực, nghề cổ truyền… và chỉ có 2 công trình về nghệ thuật biểu diễn và nghệ thuật tạo hình.

Mùa giải năm 2009 cũng chỉ trao 54 giải (ít hơn năm 2008 là 8 giải thưởng) và chỉ có 1 giải Nhì A, 4 giải Nhì B, 15 giải Ba A, 21 giải Ba B và 13 giải Khuyến khích và 9 tặng phẩm cho các công trình.

Giải nhì A duy nhất được trao cho công trình "Văn học dân gian Châu Đốc" do Nguyễn Ngọc Quang (thành phố Hồ Chí Minh) chủ biên. Bốn giải nhì B thuộc về các công trình: "Truyện cổ Hà Nhì" của Chu Thùy Liên - Chu Hà Me sưu tầm; "Tập tục- Lễ hội đất Quảng" do tác giả Võ Văn Hòe chủ biên; "Những nghi lễ và ca kệ ở đền Điềm" của tác giả Đỗ Danh Gia sưu tầm; "Đời sống tín ngưỡng của người Tày ven biên giới Hạ Lang (Cao Bằng) của Nguyễn Thị Yên.

Lý giải cho những khiêm tốn của mùa giải năm nay, Chủ tịchHội tiết lộ, có nhiều công trình dày công nghiên cứu, có những người còn “sáng tác” ca dao dày cả trăm trang nhưng không thuộc sự thẩm định của chúng tôi. Có nhiều công trình viết rất tốt với sự tham gia của nhiều giáo sư đầu ngành nhưng lại nghiêng nhiều về sử học và dân tộc học. Bên cạnh đó, có một số thiếu sót trong vài công trình khi không khi chú xuất xứ của các trích dẫn và không có danh mục tài liệu tham khảo cũng như thiếu danh mục các nghệ nhân đã cung cấp tư liệu.

Cũng trong lễ trao giải thường niên của Hội sáng 29/12, Hội Văn nghệ Dân gian cũng trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và mừng thọ các hội viên cao tuổi.

Như vậy, đến năm 2009, Hội Văn nghệ Dân gian đã phong danh hiệu cho 132 nghệ nhân dân gian và khôi phục 130 di sản văn hoá nhờ kinh phí hàng năm của Hội và Quỹ Ford.

Ảnh minh họa

GS Tô Ngọc Thanh: "Làm công việc nghiên cứu dân gian như “áo gấm đi đêm”, không danh, không tiền bạc nhưng lại có nhiều lớp trẻ đến với hội là điều rất đáng quý"


Tín hiệu vui từ lớp trẻ kế cận

Gọi là lớp trẻ nhưng thật chất, lớp kế cận đều là những nhà nghiên cứu và hoạt động văn nghệ dân gian ở độ tuổi trung niên. Theo GS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, làm nghiên cứu văn hoá dân gian đòi hỏi phải có độ chín, “lâu ngày dày kén”, tích luỹtrong cả công việc sưu tầm hay nghiên cứu.

Tín hiệu vui này bắt đầu manh nha từ mùa giải năm 2008 khi có nhiều công trình của các nhà nghiên cứu trung niên được gửi tới. Đến nay, số lượng lớp kế cận này lên tới cả trăm người đều từ độ tuổi 40 trở lên. Tín hiệu vui hơn nữa theo GS Tô Ngọc Thanh, làm công việc nghiên cứu dân gian như “áo gấm đi đêm”, không danh, không tiền bạc nhưng lại có nhiều lớp trẻ đến với hội là điều rất đáng quý.

GS Tô Ngọc Thanh chia sẻ “Lớp nghiên cứu chúng tôi vừa làm, vừa hỏi từng bước một vì chẳng có trường nào, thầy nào dạy chúng tôi nghiên cứu. Chúng tôi tưởng lớp già mới bị mang tiếng “lẩn thẩn” nhưng không ngờ lớp trẻ bây giờ lại cũng có nhiều người “lẩn thẩn” như chúng tôi.”.

Mặc dù trẻ hơn so với lớp nghiên cứu 1 thế hệ nhưng với GS Tô Ngọc Thanh, hai thế hệ luôn có mối quan hệ chặt chẽ. Ông tâm sự “Với những người nghiên cứu như chúng tôi, luôn có 3 người Thầy: Thầy dạy từ nhỏ, Thầy từ sách vở và học trò của mình cũng làm thầy. Chúng tôi chỉ đưa phương pháp, cách nhìn, quan điểm nhưng lĩnh vực học trò nghiên cứu thì chúng tôi ít biết. Chính họ là người giúp chúng tôi hoàn thiện thêm. Mối quan hệ như thế khá bền chặt và giàu chất tình cảm chứ không phải ban bệ hay trên dưới. Chúng tôi hay đùa nhau đó là cách sống làng xã”.

Đặc biệt, trong số lớp kế cận mới không chỉ có sự tham gia của những viện nghiên cứu, các nhà nghiên cứu mang tính hàn lâm mà còn có phong trào quần chúng mạnh. Trong đó, các chủ thể trong công trình lại chính là tác giả hoặc con cháu tác giả.

Ảnh minh họa

Tác giả Chu Thuỳ Liên với giải Nhì B cho công trình “Truyện cổ Hà Nhì”


Với giải Nhì B cho công trình “Truyện cổ Hà Nhì”, tác giả Chu Thuỳ Liên – Phó Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Điện Biên chia sẻ hiện nay ở hội của chị có 7/15 là hội viên trẻ. Không chỉ người dân tộc Thái say mê nghiên cứu về văn hoá dân gian họ mà nhiều các em dân tộc Kinh cũng đam mê như Đặng Ngọc Oanh. Tuy nhiên, một số dân tộc khác như La Hủ, ShiLa hiện nay lại không có mấy ai nghiên cứu nhiều bằng văn hoá dân gian dân tộc Thái.

Cũng theo chị Liên, nếu Đảng và Nhà nước có chiến lược gìn giữ, bảo vệ văn hoá dân gian và có chế độ cho con em dân tộc nghiên cứu một cách bài bản về văn hoá dân gian sẽ là nguồn lưu trữ quý giá các di sản dân tộc. Hiện nay, các địa chỉ đào tạo cho con em dân tộc mới chỉ dừng ở lĩnh vực lâm nghiệp, nông nghiệp, y tế…

Ngay trường văn hoá cũng chỉ hướng theo biểu diễn, sáng tác và làm biên đạo còn chuyên môn văn hoá dân gian hầu như không có ai dạy và học. Nếu có chính sách dạy con em dân tộc hiểu và say mê, yêu quý nền văn hoá của chính họ thì văn hoá dân gian sẽ được lưu giữ lâu bền trong đời sống cộng đồng.

Đây không chỉ là suy nghĩ của riêng cá nhân chị Chu Thuỳ Liên mà còn là tâm sự của nhiều người theo đuổi nghiệp nghiên cứu văn hoá dân gian để thật sự có được lớp kế cận có tâm và có kiến thức để lưu giữ văn hoá dân gian trong cộng đồng./.
 
Thiên Lam - VnMedia

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất