Thứ Hai, 7/10/2024
Tin hoạt động
Chủ Nhật, 27/12/2009 20:0'(GMT+7)

Khép lại năm 2009 với nhiều “nốt thăng” ấn tượng

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh chúc mừng các nghệ nhân và ca nương nhân dịp Ca trù của VN được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh chúc mừng các nghệ nhân và ca nương nhân dịp Ca trù của VN được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới.

Năm 2009, thông qua những cố gắng nỗ lực của ngành VH-TT-DL, hình ảnh Việt Nam đã ngày một đi xa hơn tới các châu lục. Cùng với các Ngày Việt Nam, Tuần Văn hóa Việt Nam  tổ chức  ấn tượng tại các nước, các hồ sơ di sản trình UNESCO trong năm cũng  đã được công nhận.  Bên cạnh những thắng lợi trên lĩnh vực Văn hóa, Thể thao cũng có những thành tích đáng nể  với vị trí thứ 2 trên tổng số 43 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự AI Games3 tại VN và vị trí thứ 2 toàn đoàn tại SEA Games 25 với tổng số 215 huy chương. Sát cánh cùng Văn hóa và Thể thao, Du lịch  có  cuộc “lội ngược dòng” ngoạn mục. Đối mặt với bài toán khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Du lịch đã xây dựng  các chương trình kích cầu  và  tăng cường quảng bá để thu hút khách quốc tế đến VN dịp cuối năm tăng một cách đáng kể.

                   Quốc hội khoá XII, kỳ họp thứ 5 thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật: Di sản văn hoá, Sở hữu trí tuệ, Điện ảnh

Một năm hoạt động sôi nổi khép lại với  những nốt thăng đầy ấn tượng. Và hôm nay, những bài học được đưa ra, những kinh nghiệm được phát huy, và cả những trăn trở sẽ được đặt lên bàn hội nghị để cùng phát huy trí lực tìm giải pháp hiệu quả cho những bước đi  trong năm mới, năm Đại lễ.

Văn hóa: Sôi động, nhiều đổi mới và bứt phá

Nếu năm 2009 được đánh giá là một năm sôi động với nhiều dấu ấn của ngành VHTTDL thì nổi bật nhất chính là dấu ấn “ngoại giao văn hóa”  với những ấn tượng đẹp và sâu đậm mà văn hoá Việt đã tạo dựng trong mắt nhân dân và bạn bè quốc tế. Với “kênh” hoạt động này, “thương hiệu” văn hoá Việt  đã được nâng lên một  tầm cao mới. Cũng với việc đẩy mạnh việc quảng bá hình ảnh VN ra thế giới,  văn hóa năm qua  phát triển mạnh cả về bề rộng lẫn chiều sâu, với những sự kiện lớn mang tính chất cột mốc trong sự phát triển của toàn ngành, như: việc thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Điện ảnh; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Văn hoá đến năm 2020 và ban hành Quyết định  xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt (đợt 1) đối với 10 di tích lịch sử- văn hoá. Bộ đã công bố công khai Bộ Thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ với 179 thủ tục.

Niềm tự hào lớn của ngành VHTTDL trong năm qua không chỉ là việc hai  hồ sơ Dân ca quan họ Bắc Ninh, Hát ca trù đã được UNESCO đưa vào danh sách  di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại và danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp mà còn là hàng loạt dấu ấn đậm nét được tạo dựng nên từ các hoạt động VHNT diễn ra sôi nổi trong khắp cả nước. Tiêu biểu là các chương trình nghệ thuật tại AI Games3, kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh- Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn; kỷ niệm 55 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, 40 năm ngành VHTTDL thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc xác lập Ngày Văn hoá các Dân tộc VN 19.4,  Festival Cồng chiêng quốc tế tại Gia Lai, Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng, Cuộc thi Hoa hậu Quý bà đẹp và thành đạt thế giới tại Bà Rịa- Vũng Tàu, Những ngày Du lịch, Văn hóa Mekong- Nhật Bản tại Cần Thơ... Sôi động ở các đô thị, hoạt động văn hóa năm 2009 cũng được “phủ sóng” rộng và sâu hơn ở khu vực miền núi,  vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo..., nâng mức hưởng thụ văn hóa của  đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo lên một bước mới. 

Năm 2009 cũng là năm ngành VHTTDL tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy khả năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước tham gia cuộc vận động sáng tác đề tài Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Công tác sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của dân tộc được đặc biệt quan tâm. Công tác quản lý và phát triển hoạt động bảo tàng theo Quy hoạch hệ thống bảo tàng VN đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tiếp tục được đẩy mạnh. Các lĩnh vực bản quyền tác giả,  điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, xây dựng văn hoá cơ sở và phong trào TDĐKXDĐSVH, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, xây dựng văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thư viện... cũng có nhiều bước tiến mạnh mẽ, góp phần tạo dựng một đời sống văn hoá tinh thần phong phú, đa sắc thái cho hàng triệu người dân cả nước.

Thể thao: Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay !

Thăng hoa trên nhiều mặt trận nhưng đáng chú ý nhất của Thể thao năm 2009 là   thành công của AI Games III và SEA Games 25. Cho tới giờ bạn bè quốc tế vẫn không hết lời ngợi khen TTVN, như lời của Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia, ngài Ahmad Shabery Cheek: "Malaysia không cần phải sang Mỹ hay Australia để tìm hiểu sự thành công trong lĩnh vực thể thao mà có thể sang Việt Nam để thu lượm những bài học lớn”.

Nhờ những định hướng và chiến lược đúng hướng cùng sự nỗ lực của các HLV, VĐV mà TTVN trong năm qua liên tiếp thu được những thành công đáng ghi nhận. Tại AI Games III, đoàn TTVN đã vượt chỉ tiêu ban đầu (15-20 HCV, đứng thứ 8 toàn đoàn) vươn lên vị trí thứ 2 toàn đoàn đầy thuyết phục với 94 huy chương . Tại SEA Games 25, mục tiêu ban đầu của đoàn là 70-75 HCV nhưng cuối cùng đoàn đã vượt chỉ tiêu với 215 huy chương, trong đó có 83 HCV, 75 HCB, 57 HCĐ. Tuy bóng đá nam bỏ lỡ cơ hội lịch sử để lấy vàng  SEA Games nhưng chúng ta vẫn dẫn đầu khu vực về môn bóng đá với 1 HCV của bóng đá nữ và 1 HCB của bóng đá nam. Sự thành công của các môn thể thao Olympic như điền kinh, bắn súng, vật, bóng đá, judo cùng với các môn thế mạnh truyền thống như các môn võ tại SEA Games đã phần nào cho thấy diện mạo của TTVN trong giai đoạn phát triển mới.

Đại hội Thể thao châu Á trong nhà lần thứ 3 có 42 quốc gia tham dự đã được tổ chức thành công tại VN (tháng 11-2009).

Thành công của TTVN trong năm 2009 còn ghi dấu ấn trong việc đăng cai tổ chức AI Games thành công. Đây là một sự kiện lớn của châu lục với sự tham gia của 43 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng số 2.524 VĐV, 873 cán bộ, HLV, quan chức kỹ thuật, 1.543 trọng tài, gần 13.000 tình nguyện viên, nhân viên phục vụ. Tuy phải tổ chức thi đấu ở tới 21 môn, rải rác ở 6 tỉnh, thành nhưng công tác tổ chức của đại hội đã đảm bảo đúng luật và điều lệ, thể hiện trung thực, khách quan và chính xác trong điều hành thi đấu. 

 Ở khu vực thể thao  quần chúng, ngành cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng nội dung và tổ chức thực hiện chương trình đẩy mạnh các hoạt động thể dục thể thao trong các đối tượng quần chúng nhân dân.  Riêng mảng thể thao dành cho người khuyết tật, đoàn Việt Nam tham dự đại hội Thể thao người khuyết tật ĐNÁ (Para Games) lần thứ 5, giành thành tích xuất sắc với thứ hạng ba toàn đoàn, tổng số huy chương đoạt được là 175 chiếc các loại. 

Du lịch: Cuộc “lội ngược dòng” ngoạn mục

Thay đổi nhân sự, đối mặt với bài toán suy giảm kinh tế toàn cầu... nhưng kết cuộc  doanh thu du lịch các địa phương trên cả nước trong năm 2009  đều tăng trưởng với mức doanh thu cả nước ước đạt 68.000-70.000 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2008. Mặc dù khách du lịch quốc tế năm 2009 chỉ đạt 3,8 triệu lượt người, giảm 11,5% so với năm 2008 nhưng lượng khách nội địa lại tăng 19%, đạt 25 triệu lượt người.

Kết quả này có được là nhờ những nỗ lực trong việc triển khai Chương trình hành động của ngành Du lịch Việt Nam, Chiến dịch “Ấn tượng Việt Nam” (giảm giá từ 30-50% áp dụng từ tháng 1- 12.2009 cho các tour trọn gói, được sự hưởng ứng tích cực của nhiều địa phương, doanh nghiệp du lịch trên cả nước) và việc áp dụng nhiều biện pháp cấp bách khác, du lịch Việt Nam đã ngăn chặn được sự suy giảm khách du lịch quốc tế.

Cú “lội ngược dòng” ngoạn mục của Du lịch VN: Khách quốc tế đến VN dịp cuối năm tăng mạnh.

Năm 2009, Tổng cục Du lịch cũng đã tổ chức hội thảo đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam giai đoạn 2000-2010 và xây dựng Chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 2010-2020, tầm nhìn 2030. Các đề án trọng điểm được Chính phủ giao cũng được khẩn trương hoàn thành như: Đề án phát triển du lịch biển đảo và ven biển Việt Nam đến năm 2020; Đề án phát triển du lịch các tỉnh biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia đến năm 2020 và Đề án phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020. Tiếp tục hỗ trợ tư vấn các địa phương tiến hành điều chỉnh quy hoạch và triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch trên địa bàn. Tăng cường xã hội hóa, đẩy mạnh liên kết ngành, vùng, giữa các địa phương, đồng thời tăng cường xúc tiến quảng bá để tìm kiếm khai thác các nguồn đầu tư nhằm thực hiện các dự án quy hoạch.

Trong lĩnh vực đầu tư du lịch, tính đến 11.2009, đã có 31 dự án đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống được cấp mới với số vốn đăng ký là hơn 4,979 tỷ USD, có 8 dự án đăng ký tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm là 3,8 tỷ USD, nâng tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống lên 8,8 tỷ USD, chiếm khoảng 44,7% tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tại các trọng điểm du lịch, nhu cầu đầu tư vào du lịch vẫn tiếp tục tăng. Các địa phương đã chủ động và năng động trong việc huy động các nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư vào du lịch, đặc biệt là xây dựng các khu du lịch, các khách sạn cao cấp.

Năm 2009, lần đầu tiên Việt Nam đăng cai và đã tổ chức thành công Diễn đàn du lịch ASEAN và Hội chợ TRAVEX 2009 - sự kiện lớn nhất trong hợp tác du lịch ASEAN. Tại Diễn đàn này, các Bộ trưởng Du lịch ASEAN đã ký Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch (MRA), làm cơ sở cho việc thống nhất tiêu chuẩn về đào tạo, cấp chứng chỉ, thừa nhận chung về nghề du lịch trong khu vực. Việc tổ chức thành công ATF 09 đã góp phần nâng cao vị thế của du lịch Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế. Đây cũng là cơ hội tốt để du lịch Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác với các đối tác nước ngoài và tuyên truyền, quảng bá cho du lịch Việt Nam.

Cuộc thi vẽ tranh "Vì một thế giới không bạo lực".

Gia đình: Vững chắc trên từng bước đi

Chủ đề “Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống gia đình VN” được phát huy mạnh mẽ trong năm 2009 đã bắt đầu phát huy hiệu quả  trong việc đấu tranh với bạo lực gia đình. Bộ VHTTDL cũng đã tham mưu cho Chính phủ ban hành 2 Nghị định: Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật PCBLGĐ và Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCBLGĐ trong năm 2009. Hai Nghị định này sẽ trở thành một bước tiến quan trọng trong việc đưa Luật PCBLGĐ thực sự đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, Hội nghị Tổng kết mô hình giảm tiêu cực tình trạng phụ nữ kết hôn với người nước ngoài giai đoạn 2008-2009 đã tìm ra một số biện pháp khả thi để can thiệp vào tình trạng này ở các vùng nông thôn. Năm qua, nhiều đề án lớn trong lĩnh vực gia đình cũng được xây dựng và triển khai như Chiến lược Gia đình VN giai đoạn 2011-2020; Tuyên truyền giáo dục, đạo đức, lối sống trong gia đình VN giai đoạn 2010-2020; tiến hành tổng hợp thực trạng đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình tại cơ sở.

Tự tin bước vào năm Đại lễ 2010

- Năm 2010, ngành VHTTDL đẩy mạnh việc triển khai Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2020; tổ chức tốt các hoạt động VH, TT, DL nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn và các hoạt động của Chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội.

- Tiếp tục đầu tư cho việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến, di sản văn hoá vật thể và phi vật thể; kết hợp hài hoà giữa bảo tồn, phát huy với kế thừa và phát triển, giữ gìn di tích với phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ; đẩy mạnh và đa dạng hoá các hoạt động của phong trào TDĐKXDĐSVH; tăng cường xây dựng và nâng cao chất lượng hệ thống thiết chế văn hoá các cấp.

- Xây dựng và ban hành Chiến lược gia đình VN giai đoạn 2011- 2020 và các đề án bảo đảm việc thực hiện.

- Phát triển phong trào  TDTT quần chúng. Thể thao thành tích cao phấn đấu đạt chỉ tiêu 100% số môn có tổ chức liên đoàn hoặc hội thể thao cấp quốc gia; 30 ngàn cơ sở dịch vụ thể dục thể thao. Tích cực  chuẩn bị, tổ chức thành công Đại hội TDTT các cấp  tiến tới Đại hội TDTT toàn quốc lần VI năm 2010 tại  Đà Nẵng; chuẩn bị lực lượng, tham gia thi đấu đạt thành tích tốt tại ASIAD 2010 tại Quảng Châu (Trung Quốc).

- Tiếp tục duy trì các biện pháp kích cầu du lịch, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, sẵn sàng đón sự phục hồi tăng trưởng của các thị trường du lịch sau khủng hoảng. Thực hiện tốt các hoạt động của ngành du lịch trong Năm Du lịch quốc gia 2010, Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch quy mô lớn, gắn với các hoạt động văn hoá, thể thao, tập trung vào các thị trường trọng điểm có khả năng phục hồi khách nhanh. Tập trung đầu tư nâng cấp các tuyến điểm du lịch quốc gia và quốc tế, các khu du lịch tổng hợp, khu du lịch chuyên đề; đầu tư xây mới và nâng cấp hệ thống khách sạn.

- Tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển du lịch VN giai đoạn 2010- 2020, tầm nhìn đến năm 2030 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch VN giai đoạn 2011- 2015, tầm nhìn đến 2020.


(Theo: Văn hoá)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất