Báo cáo cho biết mức độ thuận lợi kinh doanh Việt Nam xếp hạng thứ 99 trên tổng số 185 nền kinh tế. Từ tháng 6/2011 đến tháng 6/2012, Việt Nam đã cải thiện môi trường kinh doanh thông qua cải cách pháp lý tạo thuận lợi về thành lập doanh nghiệp cho doanh nghiệp trong nước.
Ngày 23/10, tại Hà Nội, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới đã công bố Báo cáo môi trường kinh doanh 2013 đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên phạm vi toàn cầu.
Báo cáo cho biết mức độ thuận lợi kinh doanh Việt Nam xếp hạng thứ 99 trên tổng số 185 nền kinh tế. Từ tháng 6/2011 đến tháng 6/2012, Việt Nam đã cải thiện môi trường kinh doanh thông qua cải cách pháp lý tạo thuận lợi về thành lập doanh nghiệp cho doanh nghiệp trong nước.
Từ phân tích của báo cáo, Việt Nam đã thực hiện các cải cách về thể chế, pháp lý ở hầu hết các lĩnh vực thuộc phạm vi đánh giá.
Gần đây nhất, Việt Nam đã tạo thuận lợi trong thủ tục thành lập doanh nghiệp bằng việc cho phép doanh nghiệp trong nước sử dụng hóa đơn thuế giá trị gia tăng tự in, nhờ đó giảm được thời gian mua và xác nhận hóa đơn giá trị gia tăng.
Một vài lĩnh vực mà Việt Nam được đánh giá cao như Cấp giấy phép xây dựng (xếp thứ 28); Vay vốn tín dụng (xếp thứ 40); Thực thi hợp đồng (xếp thứ 44); Đăng ký tài sản (xếp thứ 48); Thương mại quốc tế (xếp thứ 74).
Bên cạnh đó vẫn còn có những lĩnh vực xếp hạng chưa cao.
Phát biểu tại Lễ công bố, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết Báo cáo môi trường kinh doanh là một trong những báo cáo trọng điểm của Nhóm Ngân hàng Thế giới, tập trung phân tích tác động của các quy định kinh doanh áp dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước ở các lĩnh vực. Đối với mỗi nền kinh tế, thứ hạng được tính toán bằng cách lấy số bình quân đơn giản các tỷ lệ thứ hạng của từng chỉ số trong nhóm 10 chỉ số của Báo cáo môi trường kinh doanh 2013.
Bà Victoria Kwakwa cho rằng, Việt Nam đã thực hiện nhiều cải cách trong những năm qua để cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên Việt Nam vẫn cần nỗ lực nhiều hơn nữa để sánh ngang với các nền kinh tế trong khu vực./.
TTX