Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong cả năm 2012, Việt Nam có thể xuất khẩu được khoảng 7,5 triệu tấn gạo, tăng 400.000 tấn so với năm 2011.
Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu của mặt hàng này có thể giảm tới gần 10% so với con số 3,6 tỷ USD của năm ngoái. Như vậy, vấn đề mà gạo Việt Nam đối mặt là khả năng cạnh tranh gắt gao về giá
Sức ép cạnh tranh
Theo các chuyên gia, trước đây gạo Việt Nam luôn cạnh tranh với Thái Lan về giá bán. Tuy nhiên, kể từ khi chính phủ Thái Lan thực hiện chính sách tạm trữ lúa gạo và hỗ trợ giá cho nông dân, giá gạo nước này bắt đầu tăng cao. Vì vậy, Việt Nam chuyển sang cạnh tranh về giá gạo với Ấn Độ trong khi nước này chủ yếu xuất khẩu gạo giá rẻ. Điều này buộc Việt Nam phải hoạch định lại chiến lược xuất khẩu khi mùa tiêu thụ lớn trong năm đang đến gần. Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đã đăng ký hợp đồng bàn giao đến cuối năm 2012. Sản lượng gạo quý IV không thiếu, thậm chí có thể dư cho quý I-2013. Tuy nhiên, vấn đề là phải làm sao để gạo Việt Nam có thể cạnh tranh được với các nước xuất khẩu khác, đặc biệt là Ấn Độ.
Có một thực tế là các thông tin về thị trường gạo hiện đang bị làm méo mó. Nguồn cung của các nước xuất khẩu lớn rất khó kiểm chứng. Theo dự đoán, hiện có tới 40% lượng gạo thế giới đang nằm trong kho của chính phủ Thái Lan. Trong khi đó, một lượng gạo không nhỏ của Ấn Độ đang ồ ạt xuất sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch thông qua các công ty tư nhân. Các thị trường xuất khẩu gạo truyền thống của Việt Nam như Singapore, Philippines, Indonesia… cũng đang có sự thay đổi về chính sách nhập khẩu. Singapore đòi hỏi những yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng, trong khi Philippines lại ưu tiên hơn về giá. Các chuyên gia cảnh báo, nếu tổ chức giao hàng không tốt, gạo Việt Nam có thể bị ép giá, trong khi chất lượng còn hạn chế, sản lượng lại dồi dào.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, hiện bà con nông dân đang bắt đầu xuống giống vụ đông xuân. Theo dự kiến, đến tháng 2, tháng 3 năm 2013, sản lượng gạo hàng hóa của vụ này bắt đầu có thể xuất bán. VFA tin tưởng rằng, thời điểm đó giá gạo sẽ ở mức cao. Tuy nhiên, nếu nhìn lại đầu năm 2012, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn, sản lượng xuất khẩu quý I giảm tới 45% so với cùng kỳ. Hơn nữa, theo các chuyên gia quốc tế, một lượng gạo rất lớn đang nằm trong kho của chính phủ Thái Lan, rất khó đoán sẽ tung ra thị trường lúc nào. Và tất nhiên, với vị trí là một quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, Thái Lan sẽ có nhiều cơ hội để chiếm lĩnh thị trường. Vì vậy, chưa thể nói gì nhiều về triển vọng của gạo Việt Nam.
Nâng cao giá trị, thương hiệu
Đầu tháng 10-2012, Thái Lan, Myanmar và Philippines đã ký bản ghi nhớ thành lập Hiệp hội lúa gạo Đông Nam Á. Điều đáng nói là Việt Nam không tham gia vào liên kết này. Philippines vốn là bạn hàng lớn của Việt Nam, tham gia liên kết chắc chắn Philippines sẽ hạn chế nhập khẩu gạo từ quốc gia nằm ngoài liên kết. Điều này đã thể hiện rõ qua việc từ đầu năm đến nay, nước này đã giảm sản lượng nhập khẩu gạo từ Việt Nam. GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Tạo cho rằng, không tham gia liên kết ngành gạo Việt Nam cũng không bị ảnh hưởng nhiều, bởi ngoài thị trường xuất khẩu truyền thống, Việt Nam đang mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia vốn trước kia là thị trường truyền thống của Thái Lan như Trung Quốc, Châu Phi…
Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), trong thời gian tới đối thủ đáng gờm nhất của Việt Nam không phải là Thái Lan mà chính là Ấn Độ. Năm 2011, diện tích thu hoạch của Việt Nam đạt 7,6 triệu héc ta, sản lượng đạt 26,5 triệu tấn gạo, năng suất bình quân hiện nay của gạo Việt Nam là 3,49 tấn/ha, sản lượng bình quân 0,94%/năm. Trong khi đó, Ấn Độ hiện là quốc gia có diện tích trồng lúa lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Bộ Nông nghiệp nước này cho biết, tổng sản lượng lúa gạo năm nay có thể tăng 7,7% lên 103,4 triệu tấn. Nếu như trước năm 2011, sản lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ chưa tới 3 triệu tấn, thì năm nay, Ấn Độ có thể xuất tới 7 triệu tấn gạo. Các chuyên gia cho rằng, vấn đề của Việt Nam hiện nay không phải là năng suất và sản lượng mà là tổ chức sản xuất và kinh doanh như thế nào để nâng cao giá trị và thương hiệu gạo Việt Nam. GS.TS Võ Tòng Xuân cảnh báo: "Việt Nam cần đổi mới cách điều hành xuất khẩu gạo và chủ động tham gia vào liên minh khu vực, đặc biệt là ASEAN, nếu không sẽ có nguy cơ đánh mất thị trường".
Trước sức ép về giá, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tập trung sản xuất gạo chất lượng cao, xây dựng chuỗi giá trị cung ứng, điều hành xuất khẩu gạo có hiệu quả, tham gia liên kết khu vực, không chỉ nâng cao được giá trị xuất khẩu mà còn tạo được giá trị gia tăng cho người nông dân./.
(Theo: HNM)